Dù sống xa Tổ quốc, rất nhiều bà con người Việt tại Cộng hòa Séc vẫn duy trì phong tục thả cá ra sông nhân dịp Tết ông Công ông Táo.
Ngày 7-2 (tức 22 tháng Chạp), các Phật tử và bà con Việt kiều tại Cộng hòa Séc đã tham dự lễ cúng tạ Thổ thần, Táo công và phóng sinh cá nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Buổi lễ được tổ chức trang trọng, mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt vào dịp Tết đến, Xuân về.
Đông đảo bà con Phật tử tham dự lễ cúng Thổ thần, Táo quân và chúng sinh trước khi thả cá. |
Mở đầu nghi lễ diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm trong Trung tâm Thương mại Sa Pa ở thủ đô Praha, các Đại đức thuộc đoàn Giáo thọ sư Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc cùng Phật tử và người kính yêu đạo Phật tụng kinh, cúng phả độ gia tiên, cúng tạ Thổ thần, Táo quân và cúng chúng sinh.
Mọi người cùng chắp tay cung kính niệm Phật, bày tỏ lòng biết ơn đối với trời, Phật, với các vị Thổ thần, Táo quân và các đấng sinh thành, giúp tạo nơi ăn, chốn ở, và cơ nghiệp cho họ được sống thanh bình, làm ăn thành đạt và hội nhập vào xã hội sở tại.
Điểm nhấn của buổi lễ chính là màn thả cá ra sông, thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên của những người con theo đạo Phật, đồng thời giúp chúng sinh thoát khỏi ngưỡng cửa sinh tử. Gần 10 thùng phuy đựng cá các loại, chủ yếu là cá chép, đã được bà con đặt trước cổng chùa chuẩn bị cho lễ phóng sinh.
Các quý thầy và Phật tử cùng tụng kinh, thành tâm cầu cho các sinh linh được thoát nạn, thoát kiếp khỏi cảnh giới đau khổ. Sau đó, cá được chở tới một địa điểm bên bờ sông Vltava - con sông chính chảy qua thủ đô Praha - để phóng sinh, trở về với thiên nhiên.
Tham gia cùng lễ phóng sinh với bà con Phật tử, Đại đức Thích Quảng Chánh thuộc đoàn Giáo thọ sư Trung ương Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho biết, phóng sinh là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa Phật giáo của người Việt Nam nói riêng.
Theo Đại đức, ngoài việc thả con vật về với thiên nhiên, phóng sinh cũng chính là cách tạo phước đức cho chính bản thân và gia đình người phóng sinh: “Nói đến việc phóng sinh thì phải nói rằng người Việt Nam chúng ta có một truyền thống đẹp, bởi trước hết nó thể hiện tình yêu thương của con người với loài vật, đồng thời là cách để bảo vệ môi trường sống cho chính loài cá và các loài vật khác. Nhân dịp ông Công ông Táo chúng ta phóng sinh cá để tích phước lành, hồi hướng đến cho ông bà, cha mẹ, gia tiên người Việt của mình, nhất là người Việt ở xa quê hương”.
Các Đại đức cùng Phật tử thả cá ra sông Vltava. |
Còn Phật tử Nguyễn Thanh Vỵ nói rằng, sống ở Cộng hòa Séc nhiều năm qua, bà đều tích cực tham gia tất cả các đợt phóng sinh, bởi chúng giúp bà nuôi dưỡng lòng từ tâm, biết thương yêu, chăm sóc những con vật yếu thế nhiều hơn.
“Truyền thống văn hóa của người Việt Nam thì không bao giờ bỏ được, chúng tôi sống ở đất khách quê người, nhưng vẫn là con người Việt Nam, vẫn phải duy trì tâm linh, và theo truyền thống của người Việt Nam. Theo đạo Phật thì càng phóng sinh được nhiều cho tất cả mọi loài thì chúng ta càng khỏe mạnh, cứu vớt được nhiều người và tạo nên một tâm từ: thương mọi người chứ không sát sinh, không giết hại chúng sinh để ăn thịt”, Phật tử Nguyễn Thanh Vỵ nói.
Dù sống xa Tổ quốc, rất nhiều bà con người Việt tại Cộng hòa Séc vẫn duy trì phong tục thả cá ra sông nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) - một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Với những người theo đạo Phật, nó còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc - đó chính là lòng yêu thương và ban tặng sự sống cho những loài vật đang bị giam cầm hay sắp bị giết hại. Phong tục mang tính giáo dục đầy ý nghĩa nhân văn này cần phải được gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.