(HNM) - Áp dụng tại một số vùng rau an toàn trọng điểm của thành phố Hà Nội từ năm 2019, màng phủ passlite từ vải không dệt thực sự làm thay đổi nhận thức của nông dân trồng rau ăn lá... Phương thức canh tác này đang lan tỏa mạnh tại hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Danh Sửu ở xã Chu Minh (huyện Ba Vì) gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều năm cho biết, màng phủ passlite thân thiện với môi trường, cho chất lượng rau ngon, đẹp mã, an toàn với người sử dụng vì hầu như trong quá trình canh tác không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.
Không chỉ nông dân huyện Ba Vì hào hứng với phương pháp kỹ thuật mới này mà sau khi trồng thử nghiệm, tại huyện Chương Mỹ, việc lan tỏa sử dụng màng phủ passlite cũng rất nhanh chóng. Chị Trần Thị Nhiên, cán bộ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, các loại rau như cải, mùi, hành hoa… rất thích hợp áp dụng màng phủ passlite. Nông dân chỉ cần bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ 1 lần sau khoảng 5 ngày gieo hạt khi rau lên 2 lá, sau đó, sử dụng màng phủ passlite cho đến lúc thu hoạch mà không phải dỡ ra để tưới như màng phủ ni lông, cũng không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, vì màng phủ đã ngăn cơ bản sự xâm nhập gây hại của côn trùng từ bên ngoài...
Vụ đông 2021, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, nhất là thời điểm tháng 10 và tháng 11, Hà Nội có nhiều trận mưa lớn, nhưng đối với các hộ áp dụng biện pháp này vẫn có rau thu hoạch đều. Thời điểm đó, rau được giá, cộng với năng suất và chất lượng bảo đảm, thu nhập đạt gấp 2-3 lần so với phương pháp canh tác thông thường.
Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật và trồng trọt huyện Gia Lâm Đỗ Thị Hậu cho hay, mặc dù màng phủ passlite có nhiều ưu việt song giá bộ khung sắt, dây thép và vải không dệt passlite cho 1 sào rau ăn lá khá cao. Do đó, người dân kiến nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục có chính sách hỗ trợ để có thể áp dụng đại trà tiến bộ kỹ thuật này. Nếu áp dụng passlite vào sản xuất rau an toàn gần như cơ bản khống chế được vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương, qua 3 năm áp dụng thí điểm màng phủ passlite, nông dân Hà Nội rất phấn khởi, tin tưởng hiệu quả mô hình đem lại. So với phương pháp khác, mô hình áp dụng màng phủ passlite rút ngắn thời gian thu hoạch từ 3-5 ngày, năng suất cao... Để nhân rộng mô hình, đơn vị đã trình cơ quan chức năng chính sách hỗ trợ nông dân các bước đầu tư ban đầu bởi so với sử dụng màng phủ ni lông, tổng chi phí đầu tư ban đầu cao hơn. Năm 2022, ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ để đưa tiến bộ kỹ thuật này trở nên phổ biến, đại trà tại các vùng rau chuyên canh và không chuyên canh trên địa bàn thành phố nhằm góp phần phát triển rau màu của Hà Nội đạt cả 2 tiêu chí: Năng suất cao, chất lượng rau an toàn cho người tiêu dùng được bảo đảm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi canh tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.