Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy

Bạch Thanh| 21/02/2022 08:08

(HNM) - Trong những năm qua, mô hình mạ khay, cấy máy liên tục được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã khẳng định hiệu quả, sức lan tỏa tại các địa phương. Đến nay, nhiều huyện như: Phú Xuyên, Thạch Thất… diện tích lúa cấy máy tăng đều qua các năm. Song, để nhân rộng mô hình này, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.

Gieo mạ khay, cấy máy tại xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên).

Phú Xuyên là một trong những địa phương của Hà Nội tiên phong trong việc gieo mạ khay, cấy máy. Năm 2012, diện tích cấy máy của huyện chỉ đạt 70ha thì nay đã đạt hơn 1.000ha, chiếm 14-16% tổng diện tích gieo cấy. Vụ xuân 2022, xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên) gieo cấy hơn 200 mẫu lúa. Đến nay, 100% diện tích đủ điều kiện cấy máy đã được gieo cấy nhanh gọn. Ông Vũ Quốc Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Phú Văn (xã Nam Tiến) chia sẻ, 10 năm trước, nông dân lao động với công cụ cũ, kỹ thuật cũ, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ bỏ ruộng cao. Hiện, nhờ áp dụng cấy máy, nông dân được giải phóng công đoạn nặng nhọc là cấy tay, đặc biệt hữu ích trong thời tiết khắc nghiệt.

Còn tại xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên), vụ xuân 2022 cũng có tới gần 100% diện tích lúa xuân của địa phương áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy. Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều Phan Cao Lạc cho biết, do được cấy máy, mật độ thoáng nên cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Mấy năm nay, 90% diện tích gieo cấy không phun thuốc trừ sâu mà năng suất vẫn cao hơn lúa cấy tay 5-10%. Bởi vậy, tuy có nhiều nghề nhưng người dân Nam Triều không bỏ ruộng hoang.

Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho hay, năm 2021, Trung tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về mạ khay, cấy máy, đạt gần 700ha. Qua 2 vụ gần đây cho thấy, riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy đã giúp giảm chi phí sản xuất so với gieo mạ dược và cấy tay truyền thống 4,3-7,6 triệu đồng/ha. Ngoài ra, áp dụng gieo mạ khay cấy máy, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn so với cấy truyền thống 5-12%. Cụ thể, vụ xuân năng suất lúa đạt 61-69 tạ/ha, vụ mùa đạt 60-62 tạ/ha.

Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng mô hình mạ khay cấy máy trên địa bàn thành phố còn thấp, chỉ đạt 2-4% tổng diện tích gieo cấy mỗi vụ. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, ngành Nông nghiệp Hà Nội nói chung, Trung tâm Khuyến nông nói riêng đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo về mạ khay, cấy máy để các địa phương tham khảo. Hiệu quả kinh tế - xã hội đã rõ nét nhưng việc nhân rộng mô hình còn khó khăn, bởi ngoài sự thiếu quyết tâm ở một số địa phương còn có một số yếu tố khách quan như: Thiếu mặt bằng để phát triển mạ khay; nhân lực vận hành mạ khay, cấy máy còn thiếu; đồng ruộng canh tác không đồng đều, gây khó khăn cho di chuyển của máy cấy và giữ nước. Ngoài ra, sản xuất mang tính thời vụ, thời gian gieo cấy trong một vụ rất ngắn, không kịp quay vòng; kinh phí đầu tư ban đầu lớn, lâu thu hồi vốn… cũng ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình.

Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy ở các địa phương, theo kinh nghiệm từ các huyện đã thực hiện thành công như: Phú Xuyên, Thạch Thất… trước hết, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về hiệu quả của mô hình mạ khay, cấy máy để người dân biết và đồng loạt áp dụng. Các địa phương cần quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng diện tích ruộng cấy; áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất đến gieo cấy... Chỉ khi nào giải quyết tốt những bất cập trên thì Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mới có thể tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên toàn thành phố trong các vụ tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.