Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Thanh Hiền| 25/03/2023 07:28

(HNM) - Thực phẩm tươi sống kinh doanh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; quầy sạp, trang thiết bị sạch sẽ… Đây là mô hình chợ an toàn thực phẩm mang lại nhiều lợi ích thiết thực với người tiêu dùng cần được các cơ quan quản lý quan tâm và nhân rộng.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, vấn đề ghi hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hầu như không thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Yến, chủ cửa hàng bán rau xanh tại chợ Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân) cho biết, mỗi ngày, cửa hàng bán hơn 20kg rau, củ, quả, các sản phẩm được nhập từ những vùng sản xuất rau xanh trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, do chỉ là kinh doanh nhỏ lẻ nên cửa hàng không có hóa đơn nhập hàng, cũng như không có giấy chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng.

Chia sẻ về thực trạng kinh doanh tại chợ, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Hà Nội) Lê Thị Hằng cho biết, khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy, mặc dù cung ứng lượng hàng hóa, thực phẩm lớn nhưng cơ sở vật chất của cả hai chợ đều không bảo đảm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị. Cùng với đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn rất hạn chế; các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ… Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 455 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1; 57 chợ hạng 2; 352 chợ hạng 3; 6 chợ đang hoàn thiện hồ sơ phân hạng và 25 chợ không phân hạng do thuộc diện di dời, giải tỏa, đất quy hoạch… Ngoài ra, còn có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam, cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, có nhiều nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Hà Nội. Phần lớn được nhập từ các tỉnh, thành phố trên cả nước hoặc có nguồn gốc từ các trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Hà Nội. Ngoài ra, một phần hàng hóa được nhập từ Trung Quốc. Điều đó khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.

Tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội cùng UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm. Các chợ Nghĩa Tân, Đồng Xa (quận Cầu Giấy) đã quản lý và cấp biển nhận diện cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Quận Long Biên có 15 chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại”… Các sản phẩm được bày bán trong chợ an toàn thực phẩm được kiểm tra, kiểm dịch. Tiểu thương được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận sức khỏe và được hỗ trợ, đầu tư địa điểm bán hàng sạch, đẹp, từ đó có cơ hội xây dựng thương hiệu, uy tín về hàng hóa.

Theo đại diện UBND quận Long Biên, cơ sở vật chất tại các chợ được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa được kiểm soát tốt hơn.

Từ thực tế hoạt động, rõ ràng mô hình chợ an toàn thực phẩm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực với người tiêu dùng. Được biết, ngoài việc nhân rộng mô hình này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào chợ; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thiết lập đường dây nóng và công khai các cơ sở vi phạm; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm...

Thành phố cấp biển nhận diện các cơ sở đáp ứng yêu cầu và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để cấp hoặc thu hồi biển nhận diện này. Bên cạnh đó còn lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với thực phẩm kinh doanh tại chợ; cơ sở kinh doanh phải ký cam kết, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.