(HNM) - Hiện tại, cả nước có gần 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-75%. Người sử dụng ma túy tổng hợp thường bị loạn thần, dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Thành phố Hà Nội quan tâm dạy nghề cho học viên cai nghiện ma túy. Ảnh: Minh Ngọc |
Hơn 90% tái nghiện
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số người nghiện ma túy ở nước ta đang gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ. Hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý là gần 230.000 người, trong đó 70%-75% nghiện ma túy tổng hợp hoặc sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy. “Một bộ phận người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần có biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi, gây ra những vụ án nghiêm trọng, khiến nhân dân lo lắng”, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phản ánh.
Tại Hà Nội, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 13.400 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số người nghiện ma túy tổng hợp và hê rô in chiếm đa số, với diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp, khiến cho công tác hỗ trợ điều trị, cai nghiện ma túy vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng sau khi dùng methamphetamin (ma túy đá) với biểu hiện hôn mê, co giật, suy tim cấp, tụt huyết áp… Do bị tác động đến tim mạch, có một số trường hợp tử vong nhanh chóng, thậm chí chết trước khi tới bệnh viện.
Điều đáng nói, trong khi số người nghiện ma túy tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp thì theo thống kê những năm gần đây, cả nước mới có hơn 3.000 người sau cai nghiện không tái nghiện từ 3 năm trở lên, chiếm hơn 1% số người nghiện có hồ sơ quản lý tạm thời từ bỏ được ma túy và hơn 90% số người nghiện cai nghiện không thành công, tái nghiện... ngay sau khi cai.
Dựa vào gia đình, cộng đồng
Lý giải nguyên nhân khó cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 120 cơ sở cai nghiện, trong đó có 105 cơ sở công lập, điều trị cai nghiện có thể cai nghiện cùng một lúc cho hơn 40.000 học viên. Trước số người nghiện ma túy gia tăng, hầu hết cơ sở cai nghiện công lập bị quá tải.
Mặt khác, mỗi người nghiện cần một phác đồ điều trị khác nhau, trong khi mạng lưới cơ sở điều trị cai nghiện ma túy công lập còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu. Nhiều gia đình không chủ động khai báo, đăng ký đưa người nghiện đi cai tự nguyện...
Nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy; đồng thời, khuyến khích nhân rộng mô hình cai nghiện tự nguyện dựa vào gia đình, cộng đồng. “Các phương pháp điều trị, cai nghiện ma túy trong tình hình mới cần tập trung giúp người nghiện và gia đình họ ổn định tinh thần, hình thành ý chí, quyết tâm cai nghiện, nỗ lực hòa nhập cộng đồng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Hướng điều trị, cai nghiện ma túy nêu trên hiện đã được một số nơi triển khai, mang lại hiệu quả bước đầu. Chẳng hạn, Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) đã triển khai thí điểm mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện” ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; thành lập “Câu lạc bộ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hà Nội, theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), mô hình này đã được chọn triển khai ở phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) và phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy (quận Long Biên) từ tháng 4-2019, bước đầu giúp cho hàng chục người cai nghiện ma túy tự nguyện, hàng trăm lượt người được tư vấn về tác hại của ma túy…
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng, việc tổ chức tư vấn tại cộng đồng giúp người nghiện sớm được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ điều trị phù hợp để cai nghiện ma túy hiệu quả.
Tương tự, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã hỗ trợ người nghiện ma túy theo từng nhóm đối tượng nghiện. Đối với những người bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tâm thần, PSD chuyển gửi học viên đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Viện Sức khỏe tâm thần trung ương…
Sau khi học viên ổn định tâm lý, PSD tiếp tục hỗ trợ phục hồi các chức năng xã hội. “Với cách làm này, gần 45% người nghiện được điều trị tại PSD không tái sử dụng ma túy trong vòng từ 1 đến 3 năm, trong đó có nhiều người bỏ hẳn được ma túy”, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD thông tin.
Quyết tâm cai nghiện thành công sau 12 năm lệ thuộc vào ma túy, anh Phạm Văn Hoằng, thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) khẳng định: Sự động viên, giúp đỡ của người thân, thái độ cảm thông, chia sẻ của cộng đồng là động lực để người nghiện quyết tâm từ bỏ con đường lầm lỡ, là điểm tựa để họ tái hòa nhập cộng đồng…
Có thể thấy, nếu bản thân người nghiện có đủ quyết tâm, được gia đình động viên, chia sẻ, cộng đồng hỗ trợ, đón nhận, thì họ hoàn toàn có cơ hội từ bỏ ma túy, hòa nhập xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.