Chặng đường lịch sử 95 năm vẻ vang của Đảng ta đã ghi dấu những mốc son đáng nhớ trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thăm lại những “địa chỉ đỏ” ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng 2 lịch sử, càng thêm thấm thía và tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc, từ đó nhân lên khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là khắc ghi công ơn của các bậc tiền bối cách mạng, những người đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Từ địa điểm ra đời Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ
Trở lại những năm 1897-1914, khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất tại Việt Nam. Thời điểm này, ở nước ta, các nhà máy rượu bia, vải sợi, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê... được hình thành, cùng với đó là sự ra đời của đội ngũ công nhân.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội Đỏ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ vào ngày 28-7-1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo PGS.TS Trần Xuân Dung, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đây vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như của phong trào cộng sản nói chung. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu bức thiết về mô hình tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam và đánh dấu sự hòa nhập của phong trào công nhân nước ta với phong trào cộng sản công nhân quốc tế.
Ngày nay, tại số nhà 15 phố Hàng Nón vẫn còn tấm biển ghi nội dung: “Tổ chức công đoàn đầu tiên của Đảng, Tổng Công hội Bắc kỳ được thành lập ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội”. Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập, Tổng Công hội Bắc kỳ đã lớn mạnh không ngừng, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với những truyền thống tốt đẹp, anh hùng của giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Bên cạnh di tích 15 phố Hàng Nón, Nhà số 5D phố Hàm Long (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên vào tháng 3-1929.
Năm 1928, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lên mạnh, sự giác ngộ giai cấp của hội viên và quần chúng được nâng cao. Trước tình hình đó, cần có một tổ chức chặt chẽ hơn, có cương lĩnh rõ ràng, có phương pháp hoạt động đúng đắn nhằm lãnh đạo phong trào đi lên theo con đường cách mạng vô sản.
Những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhận thức rõ những bức xúc của lịch sử đã bí mật họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Một đêm cuối tháng 3-1929, 8 đồng chí, gồm: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Kim Tôn, Dương Hạc Đính đã họp tại Nhà 5D phố Hàm Long và quyết định thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) được cử làm Bí thư Chi bộ.
Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Không đầy 3 tháng sau, ngày 17-6-1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, tổ chức cộng sản Bắc kỳ - Đông Dương Cộng sản đảng - chính thức được thành lập. Chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Chi bộ 5D Hàm Long đã thực sự trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản đảng.
Năm 1960, ngôi nhà 5D phố Hàm Long được khôi phục thành nhà lưu niệm trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của chi bộ 5D Hàm Long. Đến năm 2000, nhà số 5D phố Hàm Long đã được tu bổ, cố gắng khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên (tháng 3-1929). Nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1964.
Đến nơi khởi thảo Tuyên ngôn độc lập
Nằm cách nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên không xa là ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Đây là nơi làm việc của Trung ương Đảng lâm thời, cũng là nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-1930.
Trở lại những năm 1930, trước sự săn lùng gắt gao của mật thám, Trung ương đã có một quyết định táo bạo: Lấy nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, căn nhà của một công chức cao cấp làm thanh tra tài chính thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương làm nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Phú. Tại đây, vào tháng 7-1930 đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng lâm thời gồm các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan và Trần Phú.
Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Bị tra tấn dã man, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán ngày 6-9-1931 khi mới ở tuổi 27.
Năm 1964, di tích 90 phố Thợ Nhuộm đã được xếp hạng cấp quốc gia. Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng, tại đây đã khánh thành bức tượng đồng chí Trần Phú bằng đồng, cao 0,60m, đặt trên bệ đá cao 1,5m, xây dựng ở phía trong di tích. Căn nhà 90 phố Thợ Nhuộm hiện được bảo tồn nguyên vẹn, xứng đáng là một “địa chỉ đỏ” ở trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Nằm giữa căn phố sầm uất bậc nhất của Thủ đô, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm là nơi tìm đến của đông đảo người dân và du khách khi tới thăm Hà Nội. Nơi đây vào những ngày tháng 8 lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Tầng hai của ngôi nhà chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng ở, làm việc và hội họp từ ngày 25-8-1945 đến 2-9-1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời và bàn kế hoạch tổ chức ngày Lễ Độc lập… Đặc biệt, đây cũng là nơi Người đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1979, di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Nằm cách căn nhà số 48 phố Hàng Ngang không xa là nhà số 8 phố Vua Lê, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc sau lễ Độc lập đến khoảng đầu tháng 11-1946.
Theo hồi ức của ông Tạ Quang Chiến, nguyên cán bộ Đội bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đội được thành lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công), sau lễ Độc lập 2-9-1945, Hồ Chủ tịch từ 48 phố Hàng Ngang chuyển về Bắc Bộ phủ.
Thời gian này, quân Tưởng ở Hà Nội và tay sai phản động cầm đầu thường gây ra nhiều vụ ám sát, bắt cóc hụt các đồng chí lãnh đạo Đảng nhằm thực hiện âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”. Do đó, ngoài Bắc Bộ phủ là địa điểm chính để Bác làm việc, tiếp khách trong và ngoài nước, Trung ương bố trí thêm một địa điểm bí mật nữa ở số 8 phố Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ) để bảo vệ Bác được tốt hơn. Thời gian này, Bác ở tầng hai, cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Nguyễn Văn Lý.
Cùng với Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), nhà số 8 phố Lê Thái Tổ là một trong những di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, căn nhà được Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội gắn biển di tích lịch sử của Thủ đô.
Những ngày này, khi cả nước nô nức thi đua lập thành tích kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thăm lại những “địa chỉ đỏ” tại Hà Nội, càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn của các thế hệ cha anh đi trước. Tận hưởng không khí bình an, hạnh phúc trong mùa xuân mới của Thủ đô và đất nước, càng thêm hiểu, thêm tự hào về những trang sử hào hùng của Thủ đô và đất nước để từ đó nhân lên khát vọng cống hiến, đóng góp một phần tâm sức, trí tuệ, đưa Thủ đô và đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.