Chính trị

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025)Hồ Chí Minh - Biểu tượng sáng ngời của tinh thần Việt

TS Lê Văn Phong 03/02/2025 - 05:30

Lịch sử dân tộc Việt Nam đầy ắp sự kiện càng trở nên phong phú, sinh động hơn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành di sản vô cùng quý báu, là nền tảng và điểm tựa vững chắc để dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

bac-ho-t2.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Ảnh tư liệu

1. Qua dặm dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những truyền thống tốt đẹp, trong đó truyền thống yêu nước với hiện thân Hồ Chí Minh là một trong những đặc trưng tiêu biểu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam: “Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(1); đồng thời, Người nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”(2). Tuy nhiên, nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng yêu nước của người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính chứ không phải chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, bởi “tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế”(3).

Lần giở những nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, thấy rõ sự thống nhất khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, không ngừng vun đắp mối quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng. Người đã có những cống hiến xuất sắc về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Giành độc lập để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với thời đại là từ xác định đúng đắn con đường cứu nước cho dân tộc đến việc xác định được một con đường, một hướng đi và một phương pháp để thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức trong thuộc địa lạc hậu. Do đó, Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng.

2. Trong xây dựng nền văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh quan điểm phải giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân, “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (năm 1942), Người đặt ra vấn đề quan trọng hàng đầu là: "Dân ta phải biết sử ta". Những ngày đầu mới lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và công bố Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23-11-1945 về bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam (bao gồm tất cả các di tích đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ, bia ký, đồ vật, văn bằng, sách vở...). Một năm sau ngày ký Sắc lệnh số 65/SL, khi đến dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, ngày 24-11-1946, Người nói: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam có tinh thần thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ”, và “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại”(4).

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định việc kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam đồng thời với việc không ngừng tự làm phong phú qua việc tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Hai quá trình này cùng diễn ra, làm cho nền văn hóa mới ở Việt Nam vừa mang những đặc trưng phản ánh cốt cách, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với trình độ văn minh tiên tiến, hiện đại của nhân loại. Hơn nữa, cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc khi được phát triển, phát huy hết mức sẽ đạt đến tầm cao nhân loại, trở thành giá trị chung của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định quan điểm: Gốc của văn hóa là dân tộc; không có cái gốc ấy thì không thể tiếp thu được tinh hoa của các nước mà cũng không đóng góp được gì cho văn hóa nhân loại.

Nhìn một cách phổ quát, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ góp phần tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của văn hóa nhân loại. Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Người là đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời, là hiện thân, kết tinh truyền thống yêu nước, đoàn kết, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Như "Điếu văn" do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”(5).

Thực tiễn cũng cho thấy, di sản to lớn do Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là cái “vốn” và “chất men” để dân tộc ta vững bước qua các chặng đường lịch sử. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp đó, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Không ai hiểu biết con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam bằng Hồ Chí Minh và không ai hiểu biết Bác Hồ bằng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam... Trong tình hình phức tạp và biết bao khó khăn ngày nay, mọi người chúng ta càng phải trang bị cho mình ý chí phấn đấu vươn lên trên con đường mà Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc Việt Nam đã lựa chọn”(6).

_____

1. "Hồ Chí Minh toàn tập", Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 280.

2. "Hồ Chí Minh toàn tập", Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 38.

3. "Hồ Chí Minh toàn tập", Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 39.

4. "Hồ Chí Minh, Về công tác văn hóa văn nghệ", NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, trang 71.

5. "Hồ Chí Minh toàn tập", Tập 15, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 628.

6. "Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc", NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 11, trang 422 - 423.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) Hồ Chí Minh - Biểu tượng sáng ngời của tinh thần Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.