95 năm qua, từ ánh sáng dẫn lối của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam vững bước vượt qua mọi khó khăn, lập nên những thành tựu lịch sử. Trong sắc xuân căng tràn sức sống, lòng người thêm rạo rực với niềm tin yêu trọn vẹn dành cho Đảng hòa cùng khát vọng về tương lai tươi sáng của đất nước. Đó sẽ là động lực để mỗi trái tim thêm gắn bó, trách nhiệm, mỗi bàn tay thêm bền bỉ dựng xây.
1. Nhìn lại 95 năm lịch sử dân tộc ta có Đảng, chúng ta tự hào về hành trình đã qua. Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ thế giới mà cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế chưa bao giờ có được như ngày nay. Những giá trị dân tộc vun bồi hàng nghìn năm lịch sử, đã được tiếp nối vẻ vang bằng những trang sử bằng vàng của thời đại Hồ Chí Minh, của 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trước sứ mệnh phát triển đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ những mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển đất nước tới hai mốc thời gian có ý nghĩa trọng đại. Đó là đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, công nghiệp hiện đại. Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mục tiêu lớn hơn là trở thành nước phát triển, thu nhập cao, khẳng định vị thế toàn cầu.
Mục tiêu đã có, vậy phải làm gì để thực hiện thành công? Đó là câu hỏi lịch sử đặt ra cho mỗi người mang dòng máu Việt; là thách thức đối với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Chúng ta có lúc băn khoăn, trăn trở và có cả những lo lắng, bởi tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 hoành hành... Tất cả khiến cho tốc độ phát triển đất nước không đạt kế hoạch đề ra. Nếu không có giải pháp đột phá, thậm chí đột phá mạnh mẽ, để thoát ra khỏi tình trạng “bình bình” thì nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ không còn là nguy cơ nữa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) ngày 20-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Quyết tâm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là động lực thúc đẩy việc thực hiện và hoàn thành mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua, đồng thời xóa đi những băn khoăn, trăn trở bấy lâu.
2. Trực tiếp Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ quan điểm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để ai cũng có thể nhận thức rõ và thực hiện.
Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
3. Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được đánh dấu bắt đầu là Đại hội XIV của Đảng. Song, cùng với quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV, Trung ương đã tập trung triển khai ngay một số đột phá chiến lược mang tinh thần kỷ nguyên mới đã được thống nhất.
Đối với đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, ngay sau Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII), Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu, đi đầu, làm ngay, làm rất quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều phiên họp rà soát nội dung các luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, đã thực hiện ngay cơ chế “Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” trong đó 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư; 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển...
Ngày 22-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Đây được xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là một xung lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, Trung ương đã, đang và sẽ tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước mắt là hạ tầng chiến lược về giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số… Trong đó, thực hiện ngay các công việc để triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất.
Đặc biệt, Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt việc sơ kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" trong toàn hệ thống chính trị làm cơ sở có những quyết sách mới đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức bộ máy, cán bộ theo định hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Đó là chưa kể hàng loạt chủ trương mới, đúng, trúng, hợp lòng dân mang tinh thần cách mạng đã được Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo triển khai, tiêu biểu là bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí vào chức năng, nhiệm vụ của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương xuống địa phương; đặt công tác phòng, chống lãng phí vào đúng vị trí một cách tương xứng.
Có thể nói, tinh thần cách mạng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới đã được Trung ương gương mẫu, đi đầu, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, chuyển hóa nhanh chóng thành công việc cụ thể, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ.
4. Mặc dù vậy, nhiệm vụ phía trước còn rất khó khăn, to lớn đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển. Tất cả phải củng cố vững vàng niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tràn đầy khát vọng vươn lên, cùng cống hiến vì tương lai đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới và sự tin tưởng của nhân dân, Đảng phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, từng cấp ủy, tổ chức Đảng phát huy hơn nữa vai trò, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đảng cần đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo; thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, bảo đảm sự linh hoạt, hiệu quả trong mọi quyết sách. Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng ở mức 2 con số trong nhiều năm tới. Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào quá trình phát triển; khơi dậy khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.