(HNM) - Cuộc trưng bày quy mô lớn đầu tiên về
Đem di sản tới công chúng
"Đem di sản tới công chúng" là mục đích mà ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm. "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với sự xuất hiện của những vật phẩm, linh vật như sư tử đá ngoại lai tại một số công sở, di tích hoặc trong không gian văn hóa người Việt đã trở thành một trong những vấn đề bức xúc của dư luận thời gian qua" - ông Tiến nhấn mạnh. Có khoảng 60 hiện vật tại triển lãm hình tượng sư tử và nghê thuần Việt được tạo tác bằng đá, gốm, sành, gỗ, đồng… nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nam Định và bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tại triển lãm, ngoài việc sắp xếp các hiện vật theo tiến trình lịch sử: Thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn… với những chú thích, bài viết cụ thể về niên đại, chất liệu, đặc điểm nổi bật và ý nghĩa tâm linh của linh vật, Ban tổ chức còn trưng bày hai tấm chú giải lớn với hình ảnh vẽ chi tiết về: "Nghê Việt, sư tử Việt: Danh xưng và nhận dạng". Từ đó, người xem dễ dàng phân biệt được linh vật sư tử và nghê của Việt Nam khác với linh vật ngoại lai. Bên cạnh đó còn có nhiều tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các đơn vị và đồng nghiệp có liên quan gồm hình ảnh, phim video, các bản vẽ đạc họa, tường giải… về hình ảnh của sư tử và nghê thuần Việt để bổ sung kiến thức cho người quan tâm. Cách tiếp cận công chúng - theo như lời của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, người trực tiếp chuẩn bị cho triển lãm là "chi tiết nhưng không có ý so sánh sự khác biệt giữa sư tử và nghê Việt Nam mà muốn người Việt nhận diện giá trị của linh vật Việt". Đó là những biểu hiện như hình tượng sư tử và nghê của ta trông hiền hòa chứ không dữ dằn; thân hình rắn chắc, cương nghị chứ không phô trương; những đường râu, lông, bờm hướng thẳng mạnh mẽ như ngọn giáo mác chứ không uốn éo cầu kỳ… Và rõ ràng, linh vật Việt toát lên tâm tính của người Việt: Giản dị, kiên cường, tinh tế, thẩm mỹ…
Sáng tạo và đặt đúng chỗ
Khi thực hiện triển lãm này, các đơn vị tổ chức mong muốn ý nghĩa của nó vượt ra khỏi khuôn khổ của ngành mỹ thuật trưng bày để có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng với tính ứng dụng cao. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL về việc di dời sư tử đá, vật phẩm lạ ra khỏi một số di tích, cơ quan, đơn vị tại các tỉnh, thành của cả nước. Vì vậy, ngoài việc di dời những hiện vật ngoại lai, thì việc đặt gì trở lại vị trí đó có thể được trả lời tại triển lãm. Bên cạnh những ý nghĩa đó, các nhà chuyên môn và nghiên cứu mỹ thuật còn mong muốn người Việt sẽ "nhận đúng và dùng đúng" các sư tử và nghê Việt. PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng: "Tiếp quản kho tàng hình tượng được nhận diện trong triển lãm này như thế nào cần phải được xem xét kỹ lưỡng để tránh sự biến tướng trong đời sống sử dụng thực sau này". Ông đề xuất: "Cần có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo giữa ngành văn hóa và các nghệ sĩ, nghệ nhân để chọn lựa và tạo ra những mẫu sư tử và nghê bảo đảm thuần Việt, mang giá trị thẩm mỹ và phù hợp với từng không gian đặt". Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) Đoàn Thị Thu Hương cũng cho rằng: "Cơ quan quản lý văn hóa khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo những mẫu sư tử và nghê mới dựa trên những hình tượng cổ, có như vậy mỹ thuật mới phát triển và phù hợp với thời đại ngày nay"…
Như vậy, để phát huy hiệu quả, triển lãm nên được kéo dài hơn, giới thiệu tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các trung tâm chế tác tượng, linh vật trên cả nước bởi còn nhiều ý kiến và cần những góp ý xác đáng cho vấn đề rất đáng quan tâm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.