Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện trường ngoại “rởm”

Quỳnh Phạm| 28/09/2010 07:06

(HNM) - Bước vào năm học mới, nhu cầu bức thiết của những bạn trẻ chọn con đường du học nước ngoài hoặc "du học trong nước" qua các chương trình liên kết là có được thông tin khách quan, chính xác về các chương trình đào tạo, về ngôi trường mà họ muốn gửi gắm tương lai. Điều này càng cần thiết khi thông tin về các trường ĐH “rởm” ở nước ngoài đang gây hoang mang dư luận.

Mập mờ đánh lận

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, đến nay trên thế giới vẫn chưa có định nghĩa chính thức và thống nhất thế nào là một trường ĐH "rởm", song người học vẫn có thể dựa vào một số dấu hiệu để phân biệt một trường ĐH với một "xưởng sản xuất bằng". Trước tiên, đó là thời gian hoàn tất việc học ngắn hơn một cách đáng kể so với các trường khác, chẳng hạn hoàn tất bằng tiến sĩ chỉ trong hai năm. Trường được cấp phép tại một quốc gia nhưng hoạt động chủ yếu ở một hoặc nhiều quốc gia khác. Đây là trường hợp của Irvine University hoặc International American University (có giấy phép hoạt động tại Mỹ nhưng lại hoạt động chủ yếu ở Việt Nam). Các trường này thường cho phép miễn giảm nhiều môn học và thời kỳ thực tập, trang web của trường không dùng đuôi là ".edu"... Đặc biệt, nếu địa chỉ gửi thư chỉ là một hòm thư bưu chính (PO Box) hoặc là địa chỉ của một ngôi nhà, một căn hộ ở chung cư... thì chắc chắn đó là trường "rởm". Quy mô đào tạo của các trường này thường quá lớn so với nguồn lực, học viên không có điều kiện để tiếp xúc, trao đổi với giảng viên. Một trong những lý do khó có được một định nghĩa về loại trường này là mức độ "rởm" của các trường cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Và việc kiểm định và công nhận chất lượng chính là thước đo để phân loại.

Học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin du học.

TS Mark Ashwill, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Việt Nam (IIE) khẳng định: Trên website các trường có chất lượng sẽ ghi rõ trường đó được công nhận bởi cơ quan thẩm định giáo dục nào, còn các trường "rởm" thì không có thông tin đó. Tuy nhiên, có một số trường cố tình mập mờ giữa được "công nhận" và được "phê duyệt". Ông Ashwill giải thích dựa trên hệ thống quản lý giáo dục của Mỹ: Một trường được phê duyệt (approved) đơn giản chỉ là cho phép đơn vị đó hoạt động - việc này hoàn toàn do tiểu bang xem xét. Còn được công nhận (accredited) có nghĩa là cơ sở giáo dục được một cơ quan thuộc Bộ Giáo dục của Mỹ công nhận. Đây mới là một quy trình đánh giá toàn diện, nghiêm ngặt.

Nếu không được công nhận, tín chỉ, bằng tốt nghiệp tại những trường này sẽ không có giá trị khi SV muốn chuyển sang học trường khác hoặc học lên cao hơn. Đề cập tới nhu cầu công nhận bằng cấp trước xu hướng du học tự túc đang tăng mạnh, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Về nguyên tắc, bằng cấp do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp không bị bắt buộc phải mang tới Cục để kiểm định và công nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp được yêu cầu, việc thẩm định được thực hiện theo quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT. Đối với trong nước, tấm bằng được công nhận nếu chương trình liên kết được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam phê duyệt đề án xin mở chương trình đào tạo.

Phải có kinh nghiệm mới được liên kết đào tạo

Trước việc các trường không được chính quyền Mỹ công nhận nhưng lại hoạt động mạnh ở Việt Nam và gây nên dư luận không tốt thời gian qua, tháng 9-2010, Đại sứ quán Mỹ đã thành lập Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ. Tại lễ khai trương, Đại sứ Mỹ Michael Michalak cũng đưa ra những khuyến cáo: Ở Mỹ, ai cũng có thể thành lập cơ sở đào tạo. Tuy nhiên việc kiểm định chương trình mang tính chất tự nguyện, không qua một cơ quan quản lý cấp nhà nước. Điều đó có nghĩa là các SV phải tự tìm hiểu xem các trường có được kiểm định chất lượng hay không.

Đại sứ Michalak cũng lưu ý các trường ĐH Việt Nam có ý định hợp tác với các trường ĐH Mỹ cần nghiên cứu kỹ lưỡng xem đối tác có những tiêu chuẩn học thuật bền vững hay không. Ông khẳng định: Chúng tôi sẽ không ủng hộ những trường ĐH Mỹ không được kiểm định chất lượng khi họ muốn thiết lập quan hệ đối tác với các trường ở VN. Đồng thời chúng tôi khuyến khích các trường ĐH Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với các trường được kiểm định để đem lại những chương trình học có chất lượng.

Về phía Bộ GD-ĐT của Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, cho biết: Hiện nay Bộ đã cấp phép cho 119 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Hiện cũng có một số trường đào tạo mà không xin phép, khiến cho người học bị mất quyền lợi. Một số chương trình có dấu hiệu vi phạm quy định của Nhà nước. Nhiều đối tác trung gian, đặc biệt là các trường đóng tại Singapore, Hongkong, tham gia liên kết để trục lợi. Sắp tới, Bộ sẽ quy định rõ về liên kết đào tạo theo hướng trường phải có mở ngành đào tạo, ghi rõ thời gian đào tạo và đặc biệt, phải có kinh nghiệm mới được liên kết đào tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện trường ngoại “rởm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.