Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận diện thách thức, xác định giải pháp vượt qua khó khăn

Nhà báo Hồ Quang Lợi| 09/08/2015 06:33

(HNM) - Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đang diễn ra tại Hà Nội. Những ý kiến đánh giá về tình hình quốc tế và trong nước cũng như thực tế đời sống báo chí hiện nay cho thấy báo chí Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phát huy bản lĩnh chính trị, tinh thần sáng tạo và trách nhiệm xã hội, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.


Đây cũng là dịp để báo chí Thủ đô tự nhìn lại, xác định tiềm lực, nhìn nhận giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động trong tình hình mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn thách thức, khó khăn.

Đội ngũ ngày càng lớn mạnh

Hội Nhà báo TP Hà Nội được thành lập ngày 16-12-1988. Ngày đầu thành lập, Hội chỉ có 4-5 cơ quan báo chí, vỏn vẹn vài chục hội viên sinh hoạt chủ yếu tại Chi hội Báo Hànộimới và Chi hội Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. So với nhiệm kỳ đầu chỉ có 2-3 chi hội, đến nay, Hội Nhà báo TP Hà Nội có 21 liên chi hội, chi hội và Ban Liên lạc các nhà báo cao tuổi Hà Nội; tổng số hội viên tăng mạnh, nay đã là 1.050 người. Hội Nhà báo TP Hà Nội hiện có Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo nữ với trên 100 hội viên nhà báo tham gia; CLB Phóng viên du lịch có 34 hội viên; CLB Phóng viên ảnh báo chí Hà Nội với 28 hội viên.

Phóng viên Thanh Hải - Báo Hànộimới (áo đen) với các ngư dân trong chuyến công tác tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Loạt bài sau đó của phóng viên Thanh Hải đã đoạt giải Nhất - Giải Báo chí Ngô Tất Tố TP Hà Nội năm 2014.


Số hội viên là đảng viên chiếm 48%. 100% số hội viên có trình độ đại học và trên đại học. Số hội viên có trình độ lý luận trung cấp chính trị 52%; số hội viên có trình độ cao cấp chính trị chiếm 16%, 5% trong số đó đang giữ trọng trách trong các cơ quan báo chí, quản lý báo chí. Báo chí Hà Nội đang hình thành một hệ thống với đầy đủ các loại hình: Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử. Đến nay, Hà Nội có 24 cơ quan báo chí, trong đó báo in có 23 cơ quan, với tổng số 36 ấn phẩm (13 cơ quan báo in xuất bản 26 ấn phẩm và 10 tạp chí). 14 cơ quan báo chí đã xây dựng website điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát sóng với 3 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình. Các cơ quan báo chí Thủ đô hiện có hơn 1.500 lao động là cán bộ, công nhân viên, phóng viên, biên tập viên, trong đó, đội ngũ làm công tác nghiệp vụ báo chí gồm hơn 1.000 người. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã có bước phát triển mới. So với nhiệm kỳ trước, số hội viên của Hội tăng thêm hơn 300 người.

Phản ánh chân thực đời sống xã hội

Cùng với báo chí cả nước, báo chí Thủ đô đã luôn quan tâm phản ánh kịp thời về mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Báo chí Thủ đô luôn đồng hành, động viên, cổ vũ điển hình tiên tiến, những việc làm tốt, những kết quả tích cực, giúp các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô có thêm động lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trên tinh thần xây dựng, báo chí Hà Nội đã tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát hiện, phê phán những mặt hạn chế, yếu kém của các cấp, các ngành, góp phần giúp lãnh đạo thành phố nắm bắt tình hình để chỉ đạo, xử lý, kịp thời khắc phục hạn chế.

Với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Nhà báo TP Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, hướng dẫn và động viên đội ngũ những người làm báo phản ánh chân thực mọi mặt đời sống xã hội, công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước trong giai đoạn mới; có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, những chuyến đi thực tế về nguồn, đến Trường Sa và các vùng miền núi, hải đảo xa xôi..., tạo điều kiện cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các báo, đài phản ánh kịp thời những diễn biến của đời sống xã hội.

Chúng ta còn nhớ những hình ảnh xúc động thể hiện tinh thần dũng cảm của những phóng viên, nhà báo Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo Hà Nội đã không quản hiểm nguy, gian khó, sẵn sàng có mặt nơi đầu sóng, ngọn gió, bám trụ nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để kịp thời đưa thông tin, hình ảnh chân thực nhất về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương tới nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Cứ mỗi ngày qua đi, đội ngũ báo chí của thành phố lại có thêm nhiều bài viết có ích cho đời sống nhân dân, kịp thời tôn vinh cái đẹp, cái cao cả, tinh thần nhân văn nhân ái, nhân lên những cử chỉ, hành động tốt đẹp; lên án, phê bình những việc làm chưa tốt, góp phần bồi dưỡng, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Năm năm qua với báo chí Hà Nội cũng là quãng thời gian đầy thử thách. Sự phát triển của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội… trực tiếp tác động tới lượng phát hành, lượng truy cập, số lượng khán - thính giả, doanh thu quảng cáo của báo chí Hà Nội. Báo Thể thao Ngày nay từ chỗ ra hằng ngày, nay chỉ còn 1 số/tuần. Báo Tuổi trẻ Thủ đô ra hằng ngày, giờ rút xuống còn 3 kỳ/tuần. Có ấn phẩm trước in 4 màu, nay chỉ in 2 màu để giảm chi phí. Tình trạng nợ nhuận bút, thậm chí nợ lương kéo dài đã xuất hiện… Thách thức không chỉ đến từ bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, mà còn do hạn chế nội tại, liên quan đến năng lực tác nghiệp và trách nhiệm làm nghề. Sự hạn chế đó thể hiện qua một số bài báo phản ánh vấn đề một cách thiếu chính xác, gây bức xúc trong dư luận, qua cách viện dẫn thông tin từ nguồn không tin cậy, qua hiện tượng đi sâu khai thác mặt trái, mặt tiêu cực mà quên đi trách nhiệm cổ vũ cái đẹp, lan truyền gương sáng.

Tăng tính chuyên nghiệp, tạo chiều sâu trong hoạt động

Có thể nói là trong điều kiện khó khăn gay gắt đó, báo chí Hà Nội vẫn tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm với thời cuộc, xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô. Báo chí Thủ đô không chỉ vượt lên khó khăn hoàn thành nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tổ chức các hoạt động tình nghĩa. Hội Nhà báo thành phố không chỉ khơi dậy phong trào mà còn kết nối các cơ quan báo cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. Tuy vậy, thách thức vẫn đang hiển hiện trước mắt, đòi hỏi Hội Nhà báo TP Hà Nội cũng như mỗi cơ quan báo, từng cán bộ phóng viên nêu cao bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Nhà báo thành phố xác định 7 mục tiêu quan trọng, trong đó, đáng chú ý là mục tiêu xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên khi tác nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng Giải Báo chí Ngô Tất Tố, Giải thưởng báo chí viết về gương "Người tốt, việc tốt"; thành lập thêm một số CLB phóng viên báo chí theo dõi lĩnh vực kinh tế - xã hội, nội chính - pháp luật, văn hóa - thể thao...

Để thực hiện những mục tiêu nói trên, báo chí Thủ đô và Hội Nhà báo TP Hà Nội cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Từng cơ quan báo chí cũng như từng nhà báo cần ra sức tự học, tự rèn luyện, nhất là về bản lĩnh chính trị, tính khách quan, xây dựng và đạo đức nghề nghiệp. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng ngôn luận trên báo chí, làm cho báo chí vững vàng và sắc sảo hơn trong việc bình luận, phân tích, nhận định, hướng dẫn dư luận xã hội trước những vấn đề mới, phức tạp. Hội Nhà báo TP Hà Nội cần phải khẳng định ý nghĩa là "mái nhà chung", nơi đoàn kết, tập hợp đội ngũ người làm báo Thủ đô không ngừng học hỏi, giúp đỡ nhau nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Với các hội viên, "mái nhà chung" này là nơi công tác nghiệp vụ được coi trọng, hoạt động xã hội được đẩy mạnh, quyền lợi chính đáng của hội viên được quan tâm. Hội Nhà báo TP Hà Nội sẽ cố gắng thúc đẩy hoạt động theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, tạo chiều sâu trong mọi hoạt động. Phải tìm ra cách để thổi vào hoạt động của Hội luồng sinh khí mới, làm sao để hoạt động Hội sống động hơn, cuốn hút hơn, rõ tính thuyết phục hơn.

Nhận diện thách thức, đối đầu với khó khăn và huy động mọi nguồn lực để vượt qua khó khăn, thách thức, đó là nhiệm vụ của Hội Nhà báo TP Hà Nội cũng như các cơ quan báo chí Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện thách thức, xác định giải pháp vượt qua khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.