Trước tình hình giá điện tăng, nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, nhiều người tiêu dùng đã có ý thức lựa chọn, tìm mua những đồ dùng gia đình tiết kiệm điện.
Theo các chuyên gia, đọc kỹ thông số kỹ thuật trên nhãn năng lượng của mỗi sản phẩm, chọn mua những sản phẩm có công nghệ mới và tiên tiến nhất… là một trong những cách giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm điện gia dụng tiết kiệm điện tối ưu.
Chọn công suất phù hợp
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lạnh và điều hòa không khí Việt Nam thông tin, hằng năm, thị trường Việt Nam tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa và trên dưới 1 triệu tủ lạnh, thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Từ thực tế thị trường, bà Phạm Thu Hà, đại diện hệ thống siêu thị điện máy MediaMart cho biết, bên cạnh thương hiệu, chất lượng, giá sản phẩm, những năm gần đây, nhất là khi giá điện được điều chỉnh tăng lên, vấn đề được người tiêu dùng chú trọng là mức độ “ngốn” điện của sản phẩm điều hòa, tủ lạnh… và các thiết bị điện gia dụng khác.
Trên thị trường hiện nay, hầu hết các thiết bị gia dụng đều được dán nhãn năng lượng do Bộ Công Thương quy định và chứng nhận. Nhãn năng lượng giúp người mua biết được các thông tin, chỉ số và khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, hiện gần 90% thiết bị gia dụng đã được dán nhãn. Tùy theo hiệu suất tiêu thụ điện của thiết bị mà Bộ Công Thương xác nhận sản phẩm gắn nhãn từ 1 đến 5 sao. Nếu các sản phẩm cùng loại, cùng công suất và chức năng thì sản phẩm dán nhãn 5 sao là sản phẩm tối ưu nhất; sản phẩm càng ít sao thì càng tốn điện.
Từ năm 2020, trên thị trường xuất hiện thêm nhãn “Hiệu suất năng lượng cao nhất”. Đây là nhãn do Bộ Công Thương cấp giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm tiết kiệm năng lượng vượt trội (trên mức 5 sao theo tiêu chuẩn Việt Nam). Nhãn “Hiệu suất năng lượng cao nhất” được ban hành kèm theo mã QR khi lưu thông sản phẩm trên thị trường để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu bằng thiết bị thông minh. Các thông tin hiển thị khi tra cứu ứng dụng mã QR bao gồm: Công suất, hiệu suất năng lượng, đơn vị thử nghiệm, kèm theo là các thông số kỹ thuật và các gợi ý sử dụng sản phẩm hợp lý, tiết kiệm năng lượng. Nhiều sản phẩm gia dụng như máy điều hòa không khí, đèn LED, máy giặt đã được dán nhãn “Hiệu suất năng lượng cao nhất”.
Cùng với nhận diện sản phẩm tiết kiệm điện bằng nhãn năng lượng của Bộ Công Thương, khi mua thiết bị điện gia dụng, người mua nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm có công nghệ tiên tiến giúp tiết kiệm điện tối đa.
Theo số liệu từ Hội Khoa học lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, đến nay có gần 70% sản phẩm điều hòa nhiệt độ sử dụng công nghệ biến tần (inverter) được bán trên thị trường.
Theo tính toán, các công nghệ như inverter, lưu điện giúp thiết bị điện gia dụng tiết kiệm từ 20% đến 35% điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, người mua nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm và chọn mua ở các siêu thị điện máy uy tín với chế độ bảo hành rõ ràng.
Ngoài ra, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp công suất là “chìa khóa” giúp tiết kiệm điện năng tối đa. Người mua có thể nhận được tư vấn từ đội ngũ nhân viên của các siêu thị điện máy lớn để lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng cùng hiệu quả sử dụng tốt nhất.
Cách sử dụng thiết bị điện tử "ngốn" ít điện
Đối với tủ lạnh, không để tủ lạnh sát vào tường, vì hệ thống làm lạnh đặt ở phía sau sản phẩm. Nếu không có không khí lưu thông để làm mát, về lâu dài tủ lạnh sẽ nhanh xuống cấp, độ bền giảm và tiêu thụ điện năng cao.
Trong quá trình sử dụng, người dùng không mở cửa tủ lạnh thường xuyên, luồng hơi lạnh thoát ra ngoài nhiều sẽ làm hao phí điện năng lớn hơn. Bên cạnh đó, cho thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh, sẽ khiến tủ lạnh phải vận hành với công suất cao để làm mát, dẫn đến tiêu thụ điện nhiều hơn. Tùy theo thời tiết, môi trường bên ngoài mà có thể điều chỉnh tăng, giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp, hoặc tùy chỉnh nhiệt độ riêng cho từng ngăn (ngăn đông, ngăn mát, ngăn rau củ…), không nên đặt nhiệt độ ở mức lớn nhất quá lâu vì rất tiêu hao năng lượng.
Đối với máy giặt, nên chọn khối lượng giặt dư hơn so với nhu cầu để khi cho quần áo vào không bị quá đầy, khiến máy quá tải. Đặc biệt, trong quá trình vận hành, người dùng không đặt các vật nặng lên trên máy khiến máy hoạt động nặng nề; nên sử dụng bột giặt, nước xả dành riêng cho từng loại máy giặt và lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi đã giặt xong.
Theo tính toán của Hội Khoa học lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, trong các tòa nhà hoặc khách sạn hay tại mỗi gia đình, lượng điện tiêu thụ cho điều hòa chiếm khoảng 40-60%. Để tiết kiệm điện, trước tiên, máy điều hòa nên được lắp đặt đúng cách bởi kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Trong quá trình sử dụng, để bảo đảm vừa có không gian mát mẻ mà lượng điện tiêu thụ vừa phải, người dùng nên cài đặt nhiệt độ làm mát từ 26°C trở lên, đóng kín cửa khi đang sử dụng, tránh bật, tắt, điều chỉnh nhiệt độ nhiều lần…
Cùng với đó, thiết bị cần được bảo dưỡng, chăm sóc thiết bị định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ví dụ, điều hòa nhiệt độ cần được bảo dưỡng định kỳ và lau chùi bộ phận lọc không khí của máy để cho không khí dễ lưu thông, vừa tiết kiệm điện năng tiêu thụ đồng thời giúp tăng tuổi thọ sử dụng của máy. Đối với ti vi, tủ lạnh hay máy giặt, chúng ta có thể dùng khăn sạch để lau chùi hoặc sử dụng các chất tẩy rửa an toàn như baking soda, giấm, chanh để vệ sinh bên trong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.