Lợi dụng nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong những ngày hè nóng bức, nhiều người bán hàng đã quảng cáo thiết bị điện này có thể tiết kiệm từ 30% đến 40% lượng điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, khi người mua về sử dụng mới vỡ lẽ sự thật không như quảng cáo.
Bán tràn lan trên mạng
Trong tâm điểm nắng nóng gay gắt diễn ra ở nhiều nơi khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao, nhiều người dân đã truyền tai nhau về một thiết bị tiết kiệm điện từ 30%-40% lượng điện năng tiêu thụ. Chỉ cần vào mạng tra vào các trang web bán hàng hay Facebook cá nhân đều dễ dàng tìm thấy kết quả về thiết bị tiết kiệm điện “siêu” hiệu quả này.
Đơn cử như trang “Thiết bị tiết kiệm điện gia đình” quảng cáo “Máy tiết kiệm điện gia đình - giải pháp tiết kiệm điện cực kỳ hiệu quả, chỉ với 350k sẽ mang lại tối đa công dụng, tiết kiệm đến 40% lượng điện tiêu thụ trong gia đình, tăng tuổi thọ cho các thiết bị điện, luôn ổn định dòng điện an toàn…”.
Ở một trang web khác quảng cáo “Thiết bị tụ bù tiết kiệm điện và chống sét 4 trong 1” phiên bản cải tiến thế hệ VI, tiết kiệm 30%-40% công suất vô ích cho các thiết bị điện, chống sét lan truyền... Để tăng uy tín, sản phẩm được quảng cáo có xuất xứ Việt Nam - Công nghệ Hàn Quốc được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kiểm định, bảo hành 24 tháng, bảo hiểm 1 tỷ đồng khi sử dụng sản phẩm gây cháy nổ... Nhằm chiếm lòng tin từ khách hàng, nội dung quảng cáo giải thích kỹ hơn về cơ chế hoạt động của thiết bị tiết kiệm điện là “có tác bù công suất phản kháng, chỉ hỗ trợ với các thiết bị được biến đổi từ điện năng sang cơ năng hoặc điện năng sang quang năng. Đây không phải là thiết bị ăn cắp điện....”.
Anh Bùi Văn Quảng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Là công nhân thuê trọ, tiết kiệm được một đồng cũng rất quý nên tôi đã bỏ ra hơn 300 nghìn đồng mua thiết bị tiết kiệm điện với mong muốn giảm tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế và so sánh hóa đơn điện trong 2 tháng, thực sự không giống như quảng cáo".
Chị Nguyễn Thị Xuân (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) cho biết: “Các thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo cùng công dụng như nhau nhưng giá cả chênh lệch đến vài trăm nghìn đồng. Vì mua online nên tôi chọn một thiết bị với mức giá tầm trung là 450 nghìn đồng. Thiết bị này không có nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn đơn giản là cắm vào ổ điện của gia đình. Khi hoạt động thiết bị có báo đèn nhưng không mang lại hiệu quả tiết kiệm điện”.
Theo anh Lê Sỹ Đoàn, nhân viên quản lý điện chiếu sáng quận Thanh Xuân thì do tò mò anh mua thử một thiết bị tiết kiệm điện về nghiên cứu. "Mổ" thiết bị này ra, anh ngỡ ngàng phát hiện bên trong chỉ có một bảng mạch và 1 đèn báo sáng. Các mạch điện chỉ có tác dụng thắp sáng bóng đèn bên trong chứ không thể tác động vào dòng điện tiêu thụ trong gia đình.
Chất lượng chưa được kiểm chứng
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những loại thiết bị siêu tiết kiệm điện không thể giảm điện năng tiêu thụ đến 30%-40%. Quan trọng hơn, các thiết bị này chưa được cơ quan chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chứng nhận chất lượng.
Anh Nguyễn Trà Ly, quản lý chung cư Mandarin Garden (quận Thanh Xuân), cho hay, không có thiết bị nào giảm điện năng tiêu thụ bằng các biện pháp cơ học về tiết kiệm điện mà chúng ta đang làm như: Tiết giảm điện chiếu sáng công cộng, tắt các thiết bị khi không sử dụng điều hòa đúng cách...
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ giảm 30%-40% lượng điện tiêu thụ như quảng cáo.
Để giảm tiền điện hằng tháng, EVN khuyến nghị khách hàng cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm, không sử dụng nhiều đồ điện cùng một lúc để tránh quá tải, gây cháy nổ, sự cố lưới điện. Nếu có nhu cầu lựa chọn các thiết bị thông minh có khả năng tiêu hao ít năng lượng cần quan tâm đến tiêu chuẩn và chứng nhận của cơ quan chức năng.
Với vai trò của mình, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phối hợp với cơ quan điện lực và ngành Công Thương triển khai chuỗi chương trình truyền thông và tập huấn cho người tiêu dùng về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.
Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình triển khai với 3 chuyên đề chính, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật về sử dụng điện, trách nhiệm của khách hàng trong việc thực hành tiết kiệm điện, các thói quen lãng phí khi sử dụng điện và hướng dẫn thay đổi thói quen thực hành tiết kiệm điện trong cuộc sống hằng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.