Kinh tế

Tiết kiệm điện - Thói quen thường ngày

Bảo Hân 29/06/2023 - 06:32

Trong những ngày hệ thống điện vận hành trong tình trạng căng thẳng, cung cấp điện gặp nhiều khó khăn, tiết kiệm điện một lần nữa vừa là giải pháp cấp bách, vừa là giải pháp quan trọng, lâu dài để bảo đảm vận hành an toàn cho luồng “huyết mạch” của nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Tiết kiệm điện phải trở thành thói quen, thay vì chỉ thực hiện khi thiếu điện.

evn.jpg
Nhân viên Công ty Điện lực Thanh Trì (Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội) tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Thu Hồng

Vừa là giải pháp cấp thiết...

Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 vừa qua, các đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến mực nước ở nhiều hồ thủy điện xuống thấp, gây căng thẳng nguồn cung điện ở miền Bắc. Để bảo đảm an toàn vận hành cho hệ thống trong tình trạng khẩn cấp, tại khu vực Bắc Bộ, ngành Điện buộc phải giảm tải, cắt điện luân phiên, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan tiến hành hàng loạt giải pháp quan trọng, trong đó có triệt để tiết kiệm điện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Tiết kiệm điện không chỉ thực hiện khi thiếu điện mà là chính sách xuyên suốt và lâu dài từ trước đến nay. Việc này đặc biệt có ý nghĩa tại thời điểm chúng ta thiếu điện và tiết kiệm điện cần phải được thực hiện quyết liệt”.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian qua, trung bình mỗi ngày cả nước tiết kiệm được hơn 20 triệu kWh điện, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ. Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) Đặng Hải Dũng nhận định, con số này rất đáng ghi nhận, nó tương ứng với việc tiêu thụ điện trong vòng 1 năm của khoảng 20.000 hộ gia đình ở mức tiêu thụ khoảng 100kWh/tháng. Như vậy, tiết kiệm điện là biện pháp hiệu quả, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.

Thủ đô Hà Nội, với dân số đứng thứ hai toàn quốc, tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt gồm nhiều phụ tải điện quan trọng, yêu cầu cao về bảo đảm cấp điện nên tiết kiệm điện lại càng cấp thiết. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ đầu năm 2023, UBND thành phố đã sớm ban hành kế hoạch tiết kiệm năng lượng trên địa bàn.

Trong tháng 3 và 4-2023, Hà Nội đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2023 với thông điệp “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”, trong 1 giờ tắt đèn thành phố đã tiết kiệm được 34.278kWh tương ứng tỷ lệ 11,5% cả nước. Việc phát động cao điểm hè sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp cũng đã trở thành hoạt động thường niên. Trong những ngày qua, ngành Điện đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà", tuyên truyền tiết kiệm điện.

Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), tính từ ngày 15-5-2023 đến hết 21-6-2023, tổng sản lượng điện tiết kiệm được từ các công tác điều chỉnh nhu cầu phụ tải và tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 34 triệu kWh.

... vừa căn cơ, lâu dài

Với ý nghĩa là giải pháp căn cơ, lâu dài, vừa qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện cùng các kế hoạch hằng năm về tiết kiệm năng lượng.

“Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7 tới. Theo đó, nhiều loại phương tiện, thiết bị lạc hậu phải loại bỏ từ năm 2025. Tuy nhiên, ngay từ năm 2023, chúng ta đã khuyến khích sử dụng các loại thiết bị điện hiệu suất cao, bảo đảm các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng", Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) Đặng Hải Dũng nêu.

Sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tuân thủ các chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo kế hoạch, dự thảo Luật sửa đổi sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội xem xét trong năm 2025. Kỳ vọng lớn nhất được đặt ra là nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện, để toàn thể khách hàng sử dụng điện nhận thấy trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Những ngày gần đây, mực nước các hồ thủy điện tăng nhanh, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục nên hệ thống điện miền Bắc cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khuyến cáo, tình huống cực đoan vẫn có thể xảy ra dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện. Do đó, việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả phải trở thành thói quen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm điện - Thói quen thường ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.