“Các Sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử”...
Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, ngày 30-1.
Nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi
Năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn... vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng phát triển. Lợi dụng điều này, hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ không tập kết, bày bán công khai như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp. Sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa hoặc hoạt động giao hàng được thực hiện chủ yếu qua đơn vị vận chuyển trung gian nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng thành phố trong quá trình xác định vị trí kho hàng để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Theo Cục Quản lý thị trường, vi phạm trên khâu lưu thông hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng như hàng điện tử gia dụng, hàng thời trang và mỹ phẩm các loại… Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp các lực lượng chức năng, triệt phá nhiều kho chứa hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Trong đó, các đối tượng tiêu thụ hàng hóa thông qua hình thức bán hàng online và vận chuyển qua đường bưu chính.
Các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm. Bên cạnh đó, với loại hình dịch vụ chuyển phát COD - giao hàng thu tiền hộ, được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng trực tuyến sử dụng rộng rãi, thì người thực hiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu là nhân viên giao hàng khiến cho việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Nói về vấn đề này, Trung tá Nghiêm Tuấn Anh, đại diện Công an Hà Nội cho biết, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử thường có trình độ am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các công cụ quảng bá sản phẩm trực tuyến. Các đối tượng thường duy trì cùng lúc nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi tài khoản hoạt động khi bị lực lượng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, các giao dịch, thanh toán trên mạng sẽ bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh gây khó khăn cho việc phát hiện, kiểm tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, xử lý của cơ quan chức năng.
Cần chế tài đủ sức răn đe
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội Nguyễn Trường Giang, hiện các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Vì vậy, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường giám sát các kho hàng, bến bãi, làm tốt công tác ngăn chặn hàng giả trên môi trường điện tử. Đồng thời, cần có quy định định danh được người bán để xác định người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với Nhà nước. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần kiểm soát hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp vận chuyển bưu chính bởi đang có hiện tượng người Trung Quốc sở hữu đến 49% cổ phẩn để lợi dụng những đơn vị này vận chuyển hàng lậu.
Trước những kiến nghị của các cơ quan chức năng, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới, các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cùng các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng có hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại giữa các lực lượng chức năng. Trong đó, chú trọng tới những thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử.
Trong cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Để góp phần bình ổn thị trường, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, Ban Chỉ đạo các quận, huyện cần đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý. Đồng thời, rà soát khó khăn, vướng mắc, từ đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.