(HNM) - Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội (QH) Khóa XII, hôm qua 23-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời các ĐBQH về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm.
Qua chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, các ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến phần vốn nhà nước.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình, tỷ lệ vốn mà các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài đã được Chính phủ quy định rõ. Năm 2009, Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 09, một lần nữa tạo hạn mức đối với việc góp vốn đầu tư ra bên ngoài và yêu cầu các doanh nghiệp đã góp vốn quá hạn mức phải điều chỉnh trong vòng 2 năm (đến năm 2011). Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết thêm: "Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty báo cáo về việc này để có điều chỉnh và rút vốn, thực hiện đúng quy định của Chính phủ về việc đầu tư ra bên ngoài các ngành sản xuất chính".
Cũng về lĩnh vực giám sát tài chính đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết thêm, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ đã tham mưu để điều chỉnh theo hướng khống chế mức vốn vay trên số vốn điều lệ của các đơn vị trên không quá 3 lần. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần vay ở mức cao hơn phải được chủ sở hữu chấp thuận trên nguyên tắc hiệu quả.
Lấy ví dụ về việc vận hành của Tập đoàn Vinashin, các ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau), Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước chưa đổi mới phương thức quản lý, dẫn đến hiệu quả kinh doanh đạt thấp. Về lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Nhà nước đang chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp theo hướng mới. Thứ nhất là hạn chế can thiệp hành chính từ trên xuống và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo pháp luật... Hiện nay, nước ta đang lựa chọn phương thức quản lý doanh nghiệp, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, trước hết phải nghiên cứu để thay đổi việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành quản lý, bộ, ngành tổng hợp, bộ, ngành quản lý nhà nước, hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc... Thứ hai, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, từ trong nội bộ, từ trên xuống. Thứ ba, vấn đề hết sức quan trọng là vẫn phải tiếp tục thực hiện sắp xếp đổi mới, trong đó đặc biệt là cổ phần hóa, đa sở hữu các doanh nghiệp (thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, chi phối), bản thân việc đó cũng đã tăng cường việc giám sát và quản lý doanh nghiệp.
Về ý kiến của nhiều ĐB bày tỏ lo ngại tình hình giá cả leo thang và đề nghị có giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, có rất nhiều nguyên nhân làm tăng giá. Có cả nguyên nhân do mức độ hội nhập của nước ta ngày càng lớn, có ảnh hưởng tác động do giá ở nước ngoài, giá thế giới tăng. Thứ hai là tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu sức mua cũng tăng, thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá đô la...
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):Phép thử bộ máy hành pháp |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Từ năm 2013 Vinashin có thể có lãi Làm rõ thêm vấn đề tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, thời kỳ 2005-2006 là thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu và vận tải biển thế giới, cũng là thời kỳ hoàng kim của Vinashin với đội ngũ công nhân kỹ thuật lớn, có những công nhân đạt chứng chỉ quốc tế. Không ngờ đến năm 2008, sang 2009 thì Vinashin lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, không chỉ riêng Vinashin mà nền công nghiệp tàu thủy thế giới cũng lâm vào khó khăn, phá sản. Khi Vinashin lâm vào phá sản, tất cả nhà máy đình trệ, công nhân không có việc làm, các hợp đồng bị hủy… Tình thế này đặt Chính phủ trước yêu cầu phải tái cơ cấu Vinashin để bảo đảm Việt Nam vẫn phải có doanh nghiệp đóng tàu chủ lực, đưa nền công nghiệp cơ khí tàu thủy phát triển xứng đáng với tiềm năng biển của đất nước. "Nếu chúng ta không tái cơ cấu Vinashin thì cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn. Nếu cơ cấu thì sẽ phục hồi và phát triển, tự nó trả được nợ" - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói. Chính vì vậy, từ năm 2008, Chính phủ đã tái cơ cấu tập đoàn này, cắt giảm số dự án xuống còn 28 dự án, trong đó tập trung vào 13 dự án. Năm 2009, 2010, Chính phủ tiếp tục tái cơ cấu Vinashin lần 2 bằng cách chuyển một số ngành đang là ngành chính của Vinashin như vận tải hàng hóa sang Vinalines, chuyển công nghiệp đóng tàu phụ trợ chuyên dùng cho dầu khí sang cho Tập đoàn Dầu khí… Giờ quá trình tái cơ cấu Vinashin đang sang bước 3. Qua gần 6 tháng, đặc biệt từ tháng 8 đến nay, tư tưởng của lãnh đạo, công nhân Vinashin đã ổn định, có quyết tâm khôi phục lại Vinashin; công nhân đã có việc làm với mức lương trung bình 2,8 triệu đồng/tháng và đã dần được trả đủ các khoản nợ cũ cũng như được đóng đủ bảo hiểm xã hội. Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sản xuất, kinh doanh của tập đoàn cũng đã bắt đầu phục hồi. Năm nay, Vinashin quyết tâm hoàn thành đóng 66 tàu, dự kiến doanh thu khoảng gần 600 triệu USD, cộng với doanh thu từ công nghiệp phụ trợ (dự kiến khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng) thì tổng doanh thu đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Về khoản nợ hơn 80.000 tỷ đồng mà Vinashin đang gánh, theo Phó Thủ tướng, nếu kinh tế thế giới và ngành công nghiệp tàu thủy thế giới phục hồi nhanh và Chính phủ tiếp tục tái cơ cấu Vinashin tốt, Tập đoàn làm ăn hiệu quả thì từ nay đến năm 2011, Vinashin vẫn lỗ nhưng đến năm 2012 có thể đứng vững được và từ năm 2013, 2014 có thể có lãi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những con số đưa ra là theo thống kê tại thời điểm 30-6-2010, cần phải tiếp tục đánh giá, kiểm toán cho chính xác. Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc xử lý sai phạm của các cá nhân có liên quan đến Vinashin đang được tiến hành theo pháp luật. Cơ quan điều tra đang tích cực thực hiện. Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng cũng đang tiến hành kiểm điểm nghiêm túc dưới sự chủ trì của Ủy ban Kiểm tra TƯ. "Kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận" - Phó Thủ tướng khẳng định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Vinashin là bài học không của riêng ai Giải trình về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc quản lý Vinashin để xảy ra sai phạm, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, năm 2006, Bộ được giao nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch chiến lược phát triển của Vinashin và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng giao Vinashin, nhưng sau này, Bộ chỉ còn nhiệm vụ tham mưu về quy hoạch. Đối với nhiệm vụ này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định đã hoàn thành vì đến thời điểm này, các văn bản tham mưu của Bộ đều nhất quán và đúng định hướng mà Bộ Chính trị, Chính phủ đặt ra cho Tập đoàn. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong Vinashin" - Bộ trưởng nói. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, chính kẽ hở pháp luật khiến Bộ không quản lý được. Bởi Điều 30 Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ quyền hạn của hội đồng quản trị các tập đoàn, theo đó họ được toàn quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch dài hạn, quy hoạch kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của công ty và của doanh nghiệp do công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, quyết định và phân cấp về đầu tư... Bộ trưởng cho rằng: "Về việc thẩm định thì chúng tôi đúng, nhưng về luật định mà nói thì chúng tôi không phù hợp. Cho nên chúng tôi phải chấp nhận". Theo Bộ trưởng, đứng ở góc độ tổng quan, Vinashin là bài học chung cho chúng ta, không riêng một ai cả. Bài học rút ra từ Vinashin sẽ giúp chúng ta chỉnh đốn, làm ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng luật và ban hành các quy chế dưới luật để quản lý. Vân An Bộ Tài chính đã có 11 kiến nghị xử lý, chấn chỉnh sai phạm tại Vinashin Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ đã nhiều lần thanh tra, kiểm tra và có 11 kiến nghị xử lý, chấn chỉnh các sai phạm tại Vinashin. Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện ra có những vi phạm của Tập đoàn: làm chưa đầy đủ, chưa đúng, dàn trải, sử dụng vốn chưa hiệu quả. Bộ đã yêu cầu Tập đoàn phải xử lý các kiến nghị của thanh tra. Thực tế, cũng có những việc Tập đoàn xử lý nhưng cũng có những việc chưa thực hiện nghiêm túc, cũng có việc không phải thực hiện được ngay, cần có quá trình triển khai thực hiện (ví dụ việc mua tàu). Bộ Tài chính đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Tháng 4, 6-2009, Thường trực Chính phủ đã họp và Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo yêu cầu Vinashin phải chấp hành những kiến nghị của các cơ quan kiểm tra và sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ công tác liên ngành để yêu cầu Vinashin rà soát các dự án đầu tư, cắt giảm từ 104 dự án tại thời điểm đó xuống còn 40 dự án. Sau đó Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tiếp, rà soát tiếp các dự án đầu tư, theo hướng chỉ đầu tư tập trung trước mắt vào 28 dự án. Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định tái cơ cấu một bước nữa đối với Vinashin, trong đó có việc bàn giao một số cơ sở sản xuất cho một số tập đoàn khác, ví dụ như dầu khí, hàng hải... Tư Đô |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.