Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Nhận diện'' lục bát đương đại

Hạ Yến| 01/01/2021 16:26

(HNMCT) - Với số đông người Việt Nam, thơ lục bát là một món ăn tinh thần không thể thiếu từ xưa tới nay. Hànộimới Cuối tuần ghi nhận một số ý kiến của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình về điệu lục bát mang hồn dân tộc từ ngàn xưa.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:
Thử thách lớn của thơ lục bát

Do thể lục bát vừa quen vừa lạ, quen ở thể thức, lạ ở sáng tạo, nên nhiều người không thấy được “thử thách chết người” của thể thơ này: Ai cũng có thể bẻ vần làm ra một câu lục bát, nhưng không phải bao giờ cũng thành thơ, và không phải bao giờ cũng là thơ có giá trị.

Ở Việt Nam, các kiểu/dạng/hình thái lục bát đều tồn tại theo hướng đồng tồn, nghĩa là cùng có mặt, chứ không tuyến tính. Tuy nhiên, để làm nên những dấu mốc riêng, độc đáo, chắc chắn phải biết vượt qua những phép tắc, mô hình đã có để tạo ra những mô hình mới. Hiện nay, một trong những cách để làm khác/mới thơ lục bát chính là nỗ lực bước sang hệ hình của tư duy thơ hậu hiện đại với tinh thần tự do, khai phóng, không cố chấp, luôn trong trạng thái mở… Tuy nhiên, để thủ đắc tinh thần này và có cách thực hành độc đáo thì cần rất nhiều điều kiện, trước nhất là tinh thần tự do cá nhân mạnh mẽ trong sáng tạo, một ý thức triết - mỹ học đủ mạnh.

Thơ là hoa của chúng sinh. Xét riêng trong khu vực thơ lục bát hiện nay, có sự trộn lẫn giữa hoa và rác. Tuy nhiên, để chỉ ra đâu là hoa, đâu là rác cũng không hẳn lúc nào cũng dễ dàng. Lại phải tùy vào cách đọc dựa trên tri kiến, dựa vào độ tinh nhạy thẩm mỹ… Cho nên, không thể nào khác, người làm thơ lục bát, cả người đọc lục bát cần không ngừng nâng cao văn hóa thơ, không biết khi nào là đủ mới hy vọng có sự tiến bộ.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội:
Sự lạm phát đến quá tải của lục bát bình dân

Thơ lục bát có vị trí rất quan trọng trong đời sống thi ca và đời sống tinh thần của người Việt trong nhiều thế kỷ qua. Nhưng cho đến hai thập niên đầu thế kỷ XXI này, sự lạm phát đến quá tải của phong trào thơ lục bát bình dân theo kiểu “người người làm thơ, nhà nhà in thơ, ta nhất định thắng, thơ nhất định thua” đã làm cho thơ lục bát rơi vào cuộc khủng hoảng của các loại thơ vần vè, thơ giao đãi, giao tình, giao lưu, giao duyên… ở các câu lạc bộ mọc lên như nấm khắp nơi khiến cho độc giả quay lưng lại với thơ theo kiểu: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.

Sự lạm phát kiểu này khiến không ít nhà thơ chuyên nghiệp cũng thấy nản. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất, căn cốt nhất là các nhà thơ phải có thơ hay, phải viết được những bài lục bát làm rung động được cả mặt tình cảm và lý trí của người đọc. Vì thế, tôi nghĩ, các nhà thơ của chúng ta ở thế kỷ XXI vẫn nên tìm tòi cái hay của thơ lục bát theo kiểu đổi mới, cách tân, phát hiện vẻ đẹp mới cho thi điệu lục bát đã mang hồn cốt dân tộc từ ngàn xưa này.

Nghiên cứu sinh Vi Thùy Linh, Đại học Sư phạm Hà Nội:
Lục bát hiện đại tiếp tục giọng điệu hài hước của ca dao

Hài hước là một trong những giọng điệu chủ đạo của ca dao Việt với nhiều cấp độ: Dí dỏm, châm biếm, mỉa mai, đả kích. Trong suốt quá trình phát triển thể thơ lục bát, giọng điệu hài hước luôn là giọng điệu chủ đạo tạo sắc thái thơ đặc trưng. Đến đầu thế kỷ XXI, giọng điệu hài hước trong thơ lục bát không những được giữ vững mà còn được các tác giả phát triển sáng tạo, hình thành nhiều sắc thái hài hước phong phú với những cách tân nghệ thuật đặc sắc. Giọng điệu hài hước giúp lục bát trở nên tươi mới, trẻ trung, chuyển tải được những nội dung sâu rộng, phức tạp của đời sống xã hội và con người hiện đại, như lối ghẹo duyên dáng của “gã trai quê” Văn Thùy, lối phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, lối bông đùa tếu táo trẻ trung của Nguyễn Thế Hoàng Linh…

Cùng với tài sử dụng khẩu ngữ khiến sắc thái thơ được cường điệu hóa, thể hiện rõ nét hơn thái độ, tình cảm của nhân vật trữ tình thì trong lục bát đương đại đã giảm dần sự du dương, uyển chuyển trong nhịp điệu, giảm dần tính hàm súc, uyên bác, chuẩn mực trong nội dung để phù hợp với đặc điểm của đối tượng phản ánh mới. Giọng điệu hài hước vừa góp phần giúp lục bát bảo lưu những đặc điểm truyền thống dân gian lại vừa thúc đẩy hướng cách tân nghệ thuật mới mẻ đậm hơi thở thời đại.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội:
Lục bát không phải lúc nào cũng là "miền đất hứa" đối với người làm thơ

Hiếm có một thể loại thơ nào có được khả năng tuyệt diệu như lục bát. Đó là loại thơ có thể rất truyền thống, cổ điển; rất dân gian hồn nhiên, minh triết; rất tân kỳ hiện đại hợp thời; vừa có thể chỉn chu, mô thức, lại vừa có thể biến cách ngẫu hứng mà giữ được hồn vía lục bát.

Dường như mỗi nhà thơ xứ Việt đều dắt lưng đôi bài lục bát trong gia tài thơ của mình. Có phải vì lục bát dễ làm nên được nhiều người lựa chọn? Có phải cứ tuân thủ sáu - tám, gieo vần bằng, hiệp vần chân - lưng, nhịp chẵn là sẽ thành lục bát? Không phải như thế! Nhiều người chọn lục bát có lẽ vì sự tương hợp với nhịp điệu của tâm tư, cảm xúc của họ. Ấy là điệu hồn dân tộc, là cá tính dung hòa, nhuần nhị, khiêm cung của con người trong không gian văn hóa Việt Nam.

Lục bát là miền đất hứa của người làm thơ bởi chính khả năng diệu kỳ của nó. Lục bát dễ làm, nhưng cái dễ dãi, dễ dàng thường song hành cùng sự tầm thường, rẻ rúng. Những cố gắng mô phỏng, nom cho thật giống với lục bát của các bậc danh gia, kết cục chỉ mang lại cái xác kiều diễm mà hồn vía lục bát đã phiêu tán nơi nào. Sáng tạo là làm ra cái mới, và ở lục bát, khái niệm này càng cần phải được ý thức một cách sống còn. Lục bát của thời hiện đại, của thời công nghệ và toàn cầu hóa, hẳn sẽ mang dáng hình tân kỳ, hợp mốt hơn khăn đóng, áo the, guốc mộc của các cụ xưa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Nhận diện'' lục bát đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.