(HNMCT) - Nhiều người sẵn mang trong lòng mình nhận định lục bát dễ làm nhưng khó hay. Ít, rất ít người tự hỏi rằng: Tại sao người ta vẫn làm thơ lục bát? Vì sao lục bát vẫn sống bền bỉ trong đời sống thơ ca?
Khi một nhà thơ thấy mình viết dễ dàng, có lẽ anh ta cần phải hoài nghi chính mình. Theo tôi, thứ lục bát dễ làm mà ta quen miệng nói với nhau, giống thơ, nhưng không phải là thơ. Cảm giác ve vuốt của vần, sự nhàm nhạt của chữ, sự cũ kỹ sáo mòn của hình chẳng làm ta xúc động, hân hoan hay đắm chìm ưu tư khắc khoải. Chợt nhớ, trong “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi”, Rainer Maria Rilke từng nhấn mạnh: “Ông hãy thử tự nhận với ông rằng, nếu người ta cấm ông viết, thì ông có phải chết mất đi không?”. Vậy thì, thơ trong nghĩa lý trọn vẹn, đủ đầy của nó, đâu phải là thứ có thể dễ dàng để viết ra.
Tôi đã lo lắng cho Trương Xuân Thiên. Đó là điều có thật khi cầm trên tay tập thơ “Lục bát tình nhân” của anh. Những câu hỏi lập tức xuất hiện và bám riết lấy tôi. Sau “Tư duy S” (2005), “Homosapien” (2009) với nhiều thể nghiệm, Trương Xuân Thiên trở về bằng “Áo hồ ly” (2017) và giờ là “Lục bát tình nhân.” Điều gì xui khiến “Đứa con đi hoang trở về?” (A. Gide). Quan trọng hơn, sự trở về ấy có mang theo dưỡng chất mới cho thơ ca sau những hành trình kiếm tìm, thể nghiệm?
Trở về, với Trương Xuân Thiên là tìm lại những mạch ngầm từ bi dưới cội rễ của huyền thoại lục bát: “Cuối trời, một chiếc sao xanh/ Trên cây đức hạnh mấy nhành lá đau/ Kỷ niệm từ thuở mai sau/ Cháy lên trong giấc mơ nhàu tinh khôi” ("Cây đức hạnh").
Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nhận định rằng, lục bát “dư sức trần thuật”, “dồi dào năng lực trữ tình”, “dôi dả năng lực triết luận” và nhịp điệu thì “biến hóa vô chừng”. Đó là dưỡng chất làm nên “sức sống mãnh liệt của lục bát”. Ở đây, tôi còn nghĩ rằng, khí hậu của thể lục bát, dù có biến hóa thế nào, vẫn gợi lên một vùng thi quyển rất đỗi từ bi. Sự từ bi của một thể thơ, một hình thái tâm tình, gốc rễ của nó lại chính là tâm thức của con người sinh trưởng trong cơ tầng văn hóa trọng âm, trọng mẫu tính với sắc thái duy tình, duy linh, đề cao sự dung hội và hòa giải. Thế nên, ngay trong những biến điệu trào tiếu, nghịch dị, đả kích, châm biếm hay trong những va xiết đau đớn, cay cực, rách xé của phận người, lục bát vẫn tỏa ra thứ dưỡng chất vô hình để dẫn hồn người về an trú trong ngôi nhà bằng lặng:
“Lời thề năm cũ còn linh
Một nhành hoa dại cựa mình trong mơ”
("Tháng Giêng")
“Tóc mây của gió tuôn dài
Lời thề chưa ngỏ đã phai hơi người”
("Mùa đất nâu")
“Lục bát tình nhân”, dĩ nhiên ẩn chứa trong lòng nó ba tụ điểm cấu thành thi giới: Cái tôi trữ tình - người tình - thế giới (Chu Văn Sơn). Tam vị mà nhất thể, bởi người tình và cõi tình đều là đối ảnh của cái tôi trữ tình. Ở đây, tôi muốn nói đến một điệu sống từ tâm, một nhịp sống bình thản, một chất sống lành hiền bao trùm thi giới của “Lục bát tình nhân”. Thơ của người hiểu thơ, và quan trọng hơn là hiểu mình, không ồn ào huyên náo, không biện bày phô tỏa. Dìu dịu như bóng lá, xoay quanh những cuộc đời, cuộc tình, những ái ân viên thành hay lỡ dở... “Lục bát tình nhân” cho ta hình dung về một miền thơ như là nơi chốn để nương tựa, cậy nhờ. Chẳng phải thế ư, khi mỗi bài thơ đều gửi gắm trong đó niềm trắc ẩn từ tâm trước phận người:
“Ta về quỳ trước địa đàng
Bờ môi phong vết son nàng sau xưa”
("Tình nhân")
“Ngoài hiên hoa bưởi trắng tinh
Thảo thơm như thuở chúng mình đôi mươi”
("Hoa bưởi")
Người ta nói nhiều về thơ Trương Xuân Thiên, cả ở bề huyên náo sôi động lấp lánh ánh sắc đương đại, cả ở chiều sâu của tư duy siêu thực hay những mộng mê cuồng nhiệt. Đó đây, Thiên cũng tỏ bày về hành trình thơ ca của mình, những thể nghiệm và dự định. Tôi không tin lắm vào những tuyên ngôn ngoài thơ. Thế nên, tôi đi tìm Thiên trong thi giới của anh. Và rồi, tôi gặp Thiên tự tình cùng lục bát, cầm đôi nhịp sáu tám mà đi, tựa đôi vần lưng chân mà bước.
Đôi dòng cảm nhận ban đầu chẳng nên và cũng chẳng thể thổ lộ hết những dư vị, sắc hương còn phong nguyên trong nhung gấm. Nâng niu cảm xúc của người đọc, cầu mong cho những hình bóng giai nhân, những tình thơ ấp iu, những trắc ẩn từ tâm sẽ nảy mầm trong miền thi cảm của ai kia một lần nào ghé xuống những trang thơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.