(HNM) - Từ ngày 1-7-2019, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 chính thức có hiệu lực. Để kịp thời hướng dẫn thi hành luật này, ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP (Nghị định 59) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2019.
Như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được trang bị thêm "vũ khí" cụ thể để nhận diện từng hành vi tham nhũng và qua đó có các biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời.
Thực tiễn 6 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng được thành lập năm 2013, cho thấy cuộc chiến này liên tục được đẩy mạnh. Hàng loạt "đại án" kinh tế, tham nhũng đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản giá trị lớn cho Nhà nước và nhân dân.
Điều đó cũng khẳng định rằng, cuộc chiến này không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Song, thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm xảy ra ở không ít cơ quan, đơn vị. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được thực hiện nghiêm, đã tạo “kẽ hở” cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vụ lợi bất chính...
Trước thực trạng trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định 59 cùng lúc với việc Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực đã tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng và đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý. Đây là những quy định rất chi tiết, có tính định lượng rõ ràng chứ không còn định tính như trước đây để người đứng đầu đơn vị, cán bộ công chức có vị trí dễ dàng lợi dụng và trục lợi cá nhân.
Một điểm đáng chú ý nữa trong Nghị định 59 là quy định cảnh cáo, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí người nhà giữ các chức vụ quản lý có thể lợi dụng để vụ lợi...
Trong bối cảnh hàng loạt đại án kinh tế được phanh phui thời gian qua - được xác định có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn, qua đó lộ diện tình trạng “sân sau”, "lợi ích nhóm" - thì Nghị định 59 cùng với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 sẽ là hành lang pháp lý quan trọng giúp nhận diện đúng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này.
Nhìn rộng ra, những quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59 là nhằm tạo ra hành lang pháp lý để bảo đảm sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan công quyền, từ đó người có chức vụ, quyền hạn "không dám" và "không thể" lợi dụng để tham nhũng.
Vì vậy, để đồng bộ với Luật Phòng, chống tham nhũng, các đơn vị cũng cần rà soát các quy định, chuẩn hóa quy trình làm việc theo hướng minh bạch, công khai, không có những "khoảng mờ" để bị lợi dụng và là cơ hội cho tham nhũng. Đồng thời, sớm hoàn thiện, ban hành quy chế giám sát, nhất là sự giám sát của đoàn thể, nhân dân theo hướng thực chất, hiệu quả, bởi trong tình hình hiện nay đây là cách tốt nhất để cán bộ "không dám", "không thể" tham nhũng.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, song soi chiếu vào từng vị trí công việc, nhất là những việc dễ nảy sinh tham nhũng, có thể thấy vai trò của cán bộ, đảng viên vô cùng quan trọng. Một trong những nhiệm vụ của người đảng viên là phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Trong đó, người đứng đầu cần nêu gương sáng, vừa không tham nhũng, vừa lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở đơn vị; thông qua các quy chế, quy định tăng cường sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, của đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân…
Để làm tốt những việc trên, không thể thiếu vai trò của công tác tuyên truyền. Từ việc hiểu về bản chất, ý nghĩa của phòng, chống tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; củng cố đạo đức, hành vi chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Hiểu về công tác phòng, chống tham nhũng, mỗi người dân sẽ là kênh giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức; không tiếp tay cho tham nhũng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc chủ động tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng là cách hiệu quả tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Nhận diện đúng để có giải pháp đấu tranh hiệu quả là “chìa khóa" góp nên thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng, vốn luôn phức tạp và cam go.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.