(HNM) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”… Thế nhưng, trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đang phải đối mặt với những lực cản, trong đó có biểu hiện lạm dụng quyền lực nhân dân - thực chất là biến quyền lực tập thể, quyền lực nhân dân thành quyền lực cá nhân.
Thời gian qua, vẫn còn một số cán bộ thuộc các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng và đề xuất dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thường đưa vào những điều khoản có lợi cho lĩnh vực mình quản lý, nhất là những lĩnh vực có điều kiện để trục lợi về kinh tế và phục vụ lợi ích nhóm. Cử tri rất dễ nhận ra biểu hiện này khi một số đại biểu còn vận động hành lang (lobby) để hợp pháp hóa một số ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm trái với thuần phong, đạo đức dân tộc, trái với giá trị của chủ nghĩa xã hội và không đồng ý thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia! Thậm chí có đại biểu nhân danh việc phản ánh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đã tuyệt đối hóa, thổi phồng những khó khăn, bức xúc của đơn vị, địa phương và của cử tri nơi mình công tác để được ưu tiên giải quyết trước hoặc “tô hồng” tình hình đơn vị, ngành, địa phương mình để tạo uy tín giả cho bản thân, cho nhóm lợi ích...
Trong thực thi công vụ, biểu hiện lạm dụng quyền lực nhân dân thể hiện ở việc để bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình, một số ít cán bộ, đảng viên giữ vị trí quản lý đã chậm cắt giảm những thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp. Mặt khác, lại “đẻ” thêm các quy định, rào cản mới làm cho nhân dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ công... Cũng có trường hợp cán bộ đi cơ sở, tranh thủ phát biểu, úy lạo tinh thần cấp dưới, nói bằng giọng “dân túy” đánh vào tâm lý vốn đang bức xúc của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để vận động hành lang, tranh thủ sự ủng hộ. Trong khi đó lại có người sẵn sàng “xắn tay vớt bèo”, làm sạch môi trường “trống dong, cờ mở”, kéo theo hàng loạt các phóng viên báo chí để đánh bóng tên tuổi…
Tất cả đều để mị dân, tạo uy tín giả và để khỏa lấp đi những hạn chế về phẩm chất, năng lực cũng như những sai phạm trước đó của bản thân…
Trong công tác cán bộ, vì tư tưởng cục bộ, bản vị, một số cán bộ nhân danh sự tín nhiệm của nhân dân địa phương đối với mình, tìm mọi cách để “kéo dài” vị trí công tác nhằm mục đích đưa người nhà, người thân vào các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp hay trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Không những vậy, họ tìm cách để gây khó khăn, cản trở cán bộ từ địa phương, ban, ngành và đơn vị khác được các cấp có thẩm quyền điều động đến. Có cán bộ chủ trì nhân danh tập thể hoặc là áp đặt ý kiến của cá nhân bắt tập thể phải thông qua các quyết định thiếu dân chủ về công tác cán bộ. Vì vậy, trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vừa qua đều chỉ ra khuyết điểm là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của cán bộ chủ chốt và cấp ủy.
Trong giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, một số “công bộc”, “đầy tớ” của dân, chẳng những không “lấy dân làm gốc” mà còn “lấy gốc làm thớt” khi kê khai khống thiệt hại của bà con lúc giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh để trục lợi các gói an sinh xã hội của Nhà nước. Qua đó làm méo mó chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, gây bức xúc trong nhân dân. Đó còn là những cán bộ hứa vô tội vạ, khi thực hiện quyền vận động bầu cử nhưng khi trúng cử thì "thất hứa"...
Những biểu hiện trên thực chất là tha hóa quyền lực, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân bằng hình thức này hay hình thức khác. Quyền lực đó được nhân dân ủy quyền cho đội ngũ cán bộ để bảo đảm quyền làm chủ của mình theo luật định. Thế nhưng, họ lại bị chính người được ủy quyền đó biến quyền lực nhân dân thành quyền lực cá nhân và sử dụng sai mục đích, làm biến dạng bản chất của chế độ dân chủ ở ta. Đó là trở lực lớn để xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các biểu hiện lạm dụng quyền lực nhân dân trong đội ngũ cán bộ được nhận diện ở trên không phải là phổ biến, là bản chất của chế độ ta mà chỉ rơi vào một số cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp và ở một số lĩnh vực nhất định. Mặc dù chỉ là hiện tượng, nhưng nếu không nhận diện đúng và trúng để kịp thời có phương cách khắc phục thì rất dễ để xảy ra vi phạm quyền làm chủ của nhân dân trên diện rộng. Vì vậy, từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu mà Đảng đúc rút là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bài học đó vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời điểm hiện nay cũng như lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.