(HNM) - Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nhãn, đặc biệt là nhãn chín muộn, Hà Nội hình thành nhiều vùng nhãn chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu... Không chỉ tạo hiệu quả kinh tế cho nông dân, nhãn an toàn còn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Bảy ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), chủ vườn nhãn chín muộn hơn 1ha chia sẻ, 2 năm gần đây nhãn chín muộn của gia đình đều được thu mua để xuất khẩu. Năm nay tuy sản lượng giảm, song chất lượng nhãn tốt. Với hơn 1ha, nếu bán tại thị trường trong nước, gia đình dự kiến thu gần 1 tỷ đồng…
Tại vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Huy Hạnh ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), dù chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng đã thấy dấu hiệu chất lượng nhãn tốt. Anh Hạnh cho hay: Năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, sản lượng nhãn giảm so với mọi năm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội từ khâu bón phân, cắt tỉa, chăm sóc quá trình ra hoa, đậu quả… nên vườn nhãn vẫn sai quả và chất lượng khá tốt.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay: Nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống: HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch khoảng từ 20-8 đến 30-9, không trùng với khung thời vụ các loại nhãn khác. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 600ha nhãn chín muộn, sản lượng 8.000-10.000 tấn, bình quân đạt 300-400 triệu đồng/ha, nhiều nhà vườn đạt từ 700 đến 1 tỷ đồng/ha. So với nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, diện tích nhãn của Hà Nội không lớn, song những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt, bán được giá cao... Tuy nhiên, ngoài diện tích nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao, Hà Nội còn hơn 2.000ha nhãn giống cũ sản xuất theo quy mô hộ và chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật. Bởi vậy, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nhà vườn thay đổi phương pháp sản xuất, giống, kỹ thuật…
Với định hướng này, tới đây, vùng trồng nhãn chất lượng cao của Hà Nội sẽ tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, từ năm 2016, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật I cấp 2 mã vùng trồng nhãn chín muộn cho 2 xã: Song Phương, An Thượng (huyện Hoài Đức); năm 2019 bổ sung mã vùng trồng cho xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Qua phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nhãn được quy hoạch, 100% mẫu quả đạt chuẩn. Nhờ đó, năm 2016, 5 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội đã xuất khẩu thành công sang Malaysia; năm 2018, 18 tấn sang Mỹ, 1 tấn sang Ba Lan…
Theo nhận định của Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Nguyễn Quốc Hùng, tuy sản lượng nhãn xuất khẩu của Hà Nội chưa lớn song đã khẳng định vị thế, có thể chiếm lĩnh nhiều thị trường kỹ tính trên thế giới. Mặt khác, việc hình thành những vùng nhãn xuất khẩu đã góp phần chuyển biến nhận thức của các nhà vườn trong áp dụng các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP… đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ những nông sản an toàn, chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.