Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhắm tới “vùng biển mới”

Quang Huy| 05/01/2017 06:09

(HNM) - Kể từ khi Thị trưởng TP Davao - Luật sư Rodrigo Duterte - nhậm chức Tổng thống Philippines (tháng 6-2016), quan hệ giữa quốc đảo này với đồng minh lâu đời là Mỹ đã giảm sút đáng kể. Bối cảnh đó đã trao cơ hội tốt để Nga thúc đẩy sự hiện diện ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến hạm Đô đốc Tributs của Nga đến "vùng biển mới" Philippines.



Biểu hiện rõ nhất về quan hệ Nga - Philippines là sự kiện tàu hải quân Nga lần đầu tiên tới thăm, giao lưu với hải quân Philippines. Tàu hải quân Nga tới thăm Philippines lần này, gồm chiến hạm săn ngầm Đô đốc Tributs và tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma, đã cập cảng phía Nam thủ đô Manila, Philippines. Theo Phát ngôn viên của hải quân Philippines, chuyến thăm là lần giao lưu hải quân chính thức đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống R.Duterte nhậm chức. Theo tờ Ngôi sao Philippines, các tàu của Nga sẽ phối hợp huấn luyện với hải quân Philippines. Phía Philippines sẽ được lính thủy đánh bộ trên chiến hạm Đô đốc Tributs giới thiệu chiến thuật và nhiều loại vũ khí trên chiến hạm. Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, Phó Chỉ huy trưởng Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga, thông báo Mátxcơva muốn trong một vài năm tới sẽ tổ chức tập trận trên Biển Đông gồm “không chỉ Nga và Philippines mà còn Trung Quốc, thậm chí cả Malaysia”. Ông khẳng định an ninh khu vực là mối quan tâm hàng đầu của Nga; trong đó có chống khủng bố và cướp biển. Và, các cuộc tập trận giữa hai nước trong tương lai sẽ là cách để đối phó với các thách thức đó. Đáng chú ý, vị Đô đốc Nga cho rằng: “Các bạn có thể chọn… hợp tác với Mỹ, nhưng từ phía chúng tôi có thể trợ giúp các bạn trong mọi cách mà các bạn cần”.

Đây dường như là một hành động tức thời của Nga khi quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines đang có dấu hiệu "sứt mẻ". Với Nga, mở rộng mối quan hệ với Philippines là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nga luôn coi Philippines là một đối tác tiềm năng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước thời Tổng thống R.Duterte, bất chấp những nỗ lực từ Mátxcơva và những cuộc tiếp xúc cấp cao kết cục dường như Manila không mấy mặn mà để mở rộng quan hệ với Nga. Nguyên nhân là Philippines luôn chọn Mỹ là đồng minh ưu tiên. Nhưng, bối cảnh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có sự thay đổi. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống R.Duterte đã có quan hệ không “xuôi chèo mát mái” với Mỹ khi đưa ra những chỉ trích đồng minh một thời và rằng muốn thúc đẩy quan hệ với cả Trung Quốc và Nga. Đây chính là cơ hội để Nga theo đuổi chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn với Philippines.

Chuyến thăm của chiến hạm Nga khẳng định sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng; là sự đáp ứng lợi ích an ninh của mỗi nước. Quan hệ với Nga sẽ giúp Philippines giảm phụ thuộc vào Mỹ, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Hồi tháng 9 năm ngoái, một phái đoàn cao cấp của Bộ Quốc phòng Philippines đã đến Nga để thăm dò khả năng hợp tác quân sự giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí. Còn với Nga, Philippines hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng, có thể thúc đẩy xuất khẩu vũ khí để cạnh tranh với đối thủ Mỹ trên thị trường "tỷ đô" này. Phía Nga đã không chỉ một lần đề nghị giúp Philippines đào tạo chuyên gia biết tiếng Nga, kể cả chuyên gia quân sự. Đây là một lĩnh vực rất tế nhị. Nhưng với những bước phát triển trong quan hệ, hợp tác quân sự Nga - Philippines được nhìn nhận là có triển vọng lớn trong tương lai.

Không chỉ quân sự, các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai quốc gia cũng hứa hẹn phát triển. Hiện kim ngạch thương mại Nga - Philippines mới đạt mức dưới 2 tỷ USD - một con số rất thấp so với tiềm năng của hai nước. Tuy nhiên, hai bên đang có điều kiện thuận lợi để gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Trong nhiều cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao và giới doanh nhân, hai nước đã lưu ý rằng có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ dầu mỏ, lao động, du lịch, công nghệ đến cơ sở hạ tầng...

Hẳn còn những thông tin không thể tiết lộ nhưng chuyến đi của chiến hạm Nga đến "vùng biển mới" Philippines hứa hẹn nhiều cơ sở hợp tác Nga - Philippines. Sự hiện diện của Nga ở khu vực đang lấp một "khoảng trống" do Mỹ từng bỏ ngỏ. Và nếu không có một đối sách thích hợp, Washington rất có thể sẽ là người đến sau trong "cuộc chơi" ngay tại vùng biển truyền thống của chính họ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhắm tới “vùng biển mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.