Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhằm tối ưu hóa hạ tầng giao thông

Tuấn Lương| 01/03/2018 06:24

(HNM) - Việc đề xuất cho xe buýt thường và xe cá nhân được đi chung làn đường của xe buýt nhanh BRT là giải pháp đang được Sở GT-VT Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, nhằm tối ưu hóa mạng lưới hạ tầng giao thông.


Như Báo Hànộimới số ra ngày 26-2 đã đưa tin, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đang phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu ý tưởng cho phép xe buýt thường và các phương tiện cá nhân được sử dụng làn đường riêng của tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người dân ủng hộ chủ trương này song cũng có những ý kiến lo ngại về tính khả thi.

Ông Phạm Hưởng (đường Thanh Bình, quận Hà Đông) cho rằng, trong bối cảnh tuyến BRT01 chưa sử dụng hết công suất hạ tầng và các làn đường khác trên tuyến phải chịu cảnh ùn tắc, đặc biệt vào khung giờ cao điểm thì việc thành phố nghiên cứu cho các phương tiện giao thông khác chạy chung làn là hợp lý. Tuy nhiên, phải có phương án cụ thể nhằm vừa bảo đảm giảm áp lực giao thông trên tuyến, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt nhanh.

Tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã. Ảnh: Thái Hiền


Trước câu hỏi, xe buýt nhanh BRT có điểm dừng đỗ đón trả khách ở dải phân cách giữa trong khi xe buýt thường đón trả khách ở hè bên phải, liệu có gây xung đột giao thông? Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc cho xe buýt thường đi chung làn buýt nhanh BRT mới chỉ là ý tưởng nghiên cứu và chưa có đề xuất chính thức.

Song, Trung tâm đã xem xét, tổ chức giao thông trước và sau nút đều có điểm mở, xe buýt thường chỉ đi chung trên các đoạn rất ngắn, không phải chạy chung trên toàn tuyến. Buýt nhanh và buýt thường được ưu tiên qua các nút giao thông nhanh nhất, theo chủ trương ưu tiên tối đa cho vận tải công cộng. Buýt thường ở đây là những tuyến buýt gom cho buýt nhanh. Khi có dịch vụ tốt, chạy nhanh thì khách gom sẽ tăng, từ đó kéo theo khách đi buýt BRT tăng. Cách làm này nhằm tối ưu hóa hạ tầng giao thông sẵn có.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, sau 1 năm đưa buýt nhanh BRT vào khai thác, nhận thức của người dân đã có chuyển biến tích cực. Những người đi xe BRT đa phần ủng hộ và thấy rằng loại hình này xứng đáng được đầu tư, phát triển. Ý kiến không ủng hộ chủ yếu đến từ những người đi xe cá nhân, khi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng thành phố đã dành đường cho BRT quá nhiều, thiếu sự công bằng.

Vì sao không triển khai tuyến BRT02 Kim Mã - Hòa Lạc?

Từ những kinh nghiệm của tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa, TP Hà Nội đã lên kế hoạch mở tuyến BRT02 Kim Mã - Hòa Lạc, phục vụ cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực thi. Giải thích lý do, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ban đầu, Sở GT-VT Hà Nội tính toán sẽ dùng 8 xe dự phòng của tuyến BRT01 để mở tuyến BRT02.

Thời điểm đó, lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đề nghị thành phố hỗ trợ mở tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên từ trung tâm thành phố tới Khu công nghệ cao và ngược lại. Theo đó, thành phố đầu tư phương tiện, điểm đầu và nhà chờ trên tuyến, Khu công nghệ cao sẽ đầu tư hạ tầng điểm cuối. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, tuyến BRT01 tăng tần suất nên phải giữ xe để tăng cường vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, trên hành lang Đại lộ Thăng Long hình thành hàng loạt khu đô thị, khu công nghiệp nên nếu chỉ bố trí 8 xe buýt nhanh sẽ không thể đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở tuyến xe buýt thường chất lượng cao (tuyến số 107) từ trung tâm Hà Nội lên Khu công nghệ cao Hòa Lạc và kéo dài tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Khu du lịch Đồng Mô - thị xã Sơn Tây).

Việc mở tuyến buýt này vừa là kết nối hỗ trợ Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, đô thị sinh thái và thông minh lớn nhất cả nước; vừa góp phần thu hút khách du lịch, phát triển cụm du lịch văn hóa nổi bật khu vực phía Tây thành phố. Đến thời điểm này, căn cứ phản hồi của hành khách cũng như kết quả sản lượng vận chuyển, có thể khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhằm tối ưu hóa hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.