(HNM) - Hiệu sách Quốc doanh nằm giữa trung tâm nhưng chuyện sắp xếp sách có khá nhiều chi tiết hài hước.
Cách đây vài năm, khi cuốn "Hội thề" của Nguyễn Quang Thân được giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, có độc giả vào hiệu sách này tìm mua với mong muốn tránh mua phải sách lậu. Tìm hết hơi ở giá sách "Văn xuôi Việt Nam" không thấy, nhưng với kinh nghiệm dày dạn, độc giả này tìm sang giá sách "Lịch sử". Lật đi lật lại, bên cạnh những "Sử ký toàn thư" và các công trình nghiên cứu sử khác đã thấy cuốn "Hội thề". Mừng thì mừng đấy vì mất công tìm rồi cũng thấy cái mình cần, nhưng có cái gì cứ lấn cấn mãi. Xếp thế này chả hóa đánh đố bạn đọc và hoàn toàn có khả năng có nhiều cuốn sách cần tìm sẽ bị bỏ qua…
Đầu tháng 7 vừa qua, người viết cũng vào hiệu sách này tìm mua cuốn "Xuyên Mỹ", tác phẩm văn học mang tính chất tự truyện của nhà văn trẻ Tiến sĩ Phan Việt thì thấy được bày trang trọng ở phía trên cùng của… giá "Du lịch"! Ngẫm mãi không thấy có căn cứ gì để xếp "Xuyên Mỹ" vào khu vực sách du lịch cả, trừ cái tên nghe hao hao giống sách du ký bởi đây hoàn toàn là tác phẩm văn học đề cập tới những vấn đề xã hội. Những địa danh, những con người có yếu tố nước ngoài mà tác giả đề cập đến chỉ là nền cho câu chuyện chính ấy mà thôi. Đem chuyện "nhầm nhà" này ra hỏi thì tác giả bức xúc bảo: Trước đây cuốn "Nước Mỹ, nước Mỹ" của mình cũng bị xếp nhầm như thế! "Nước Mỹ, nước Mỹ" là tập truyện ngắn của Phan Việt nói về cuộc sống của những người trẻ tuổi xa xứ, tuyệt không thể nói là sách du lịch. Lại hỏi Phan Việt: "Thế ở nước ngoài có chuyện sách nằm không đúng chỗ thế không?", nhà văn bảo: "Không đâu, họ phải đọc sách chứ và có phân loại rõ ràng".
Lộ rõ mười mươi một khoảng trống của phát hành sách ở ta. Đành rằng chuyện giao thoa về nội dung, thể loại của tác phẩm cũng là bình thường, và sách giờ đây thì nhiều vô kể, nhưng những lỗi xếp sách kiểu quá ư "tréo ngoe" thế này làm tủi thân tác giả và phần nào thiếu tôn trọng độc giả. Trong khi đó khối nhà sách tư thì khác hẳn. Cuốn nào mới, "hot" là chễm chệ ngay mặt tiền nhà sách. Hỏi đến cuốn gì, cuốn gì là nhân viên biết tìm ở đâu, bạn đọc còn chưa kịp nhớ ra tên thì nhà sách đã "nhớ hộ"… Không chỉ tiện lợi mà cảm giác được phục vụ và được chia sẻ khi mua sách sẽ kéo bạn đọc quay lại lần sau.
Thế nên, nhầm một hai lần, chứ có nên nhầm mãi thế không, nhất là ở một nhà sách lớn như thế?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.