(HNMCT) - Là người con của quê hương Kinh Bắc, nhưng gần như cả cuộc đời mình nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Xuân Ba đã sống, gắn bó và hoạt động âm nhạc sôi nổi tại Thủ đô. Ông bộc lộ tài năng ở hai lĩnh vực đàn bầu và đàn nguyệt, đặc biệt ông đã vận dụng kiến thức âm nhạc dân tộc để sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như Tình quân dân (độc tấu đàn nguyệt), Khúc tùy hứng (độc tấu đàn nguyệt), Nước non ngàn dặm (độc tấu đàn bầu), Trăng Tây Hồ, Tìm người giữa hội Lim, Mai em đi rồi...
1. Nhắc đến nhạc sĩ, NSƯT Xuân Ba có lẽ phải nói đến người anh rất nổi tiếng của ông là nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) - người đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 2001. Với nghệ sĩ Xuân Ba, nhạc sĩ Xuân Khải là một người anh, đồng thời là một người thầy, một tấm gương lao động nghệ thuật mẫu mực bởi ông vừa biết biểu diễn nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau, vừa sáng tác nhiều tác phẩm viết cho các nhạc cụ dân tộc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, được biểu diễn trong suốt nhiều năm qua, như: Chung một niềm tin (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Xuân quê hương (hòa tấu đàn tranh), Cảm xúc quê hương (độc tấu đàn nguyệt), Thu sang (độc tấu đàn tam thập lục), Quê ta (độc tấu đàn nguyệt)... Chính sự ảnh hưởng lớn của người anh trai cùng năng khiếu âm nhạc bẩm sinh mà thầy giáo làng Xuân Ba đã quyết định rời xa trang giáo án và những học trò thân thương để theo học âm nhạc tại nơi người anh trai của mình đang giảng dạy.
Sau 4 năm học tập chăm chỉ, say mê, Xuân Ba đã thu nạp được nhiều kiến thức cơ bản về âm nhạc dân tộc, để rồi từ khi được tuyển dụng vào Đoàn Ca múa Hà Nội năm 1963, ông đã khẳng định được tên tuổi trong cả lĩnh vực sáng tác lẫn biểu diễn. Gần 40 năm công tác tại “ngôi nhà” này, ông đã cùng các nghệ sĩ biểu diễn phục vụ đồng bào, khán giả Thủ đô và nhiều vùng quê từ khi đất nước vẫn còn chiến tranh. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông lại cùng các nhóm nghệ thuật nước nhà đến nhiều nước trên thế giới để giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
2. Thực ra cái tên Xuân Ba được công chúng cả nước biết đến từ năm 1962, khi ông mới học năm thứ 2 đã sáng tác tác phẩm độc tấu cho đàn nguyệt Tình quân dân, để rồi sau đó 6 năm tác phẩm này đã đem đến cho ông Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp. Tác phẩm mang một dấu ấn lịch sử và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nghệ sĩ Xuân Ba khi đã khắc họa được rõ nét tình cảm gắn bó yêu thương của những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương lớn với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Bản nhạc có giá trị không chỉ ở giai điệu mà còn ở sự tìm tòi thể hiện sáng tạo trên cây đàn nguyệt. Ông đã đưa ngôn ngữ âm nhạc hiện đại vào cây đàn nguyệt, khai thác triệt để cách lên dây quãng bảy thứ (gọi là dây tố lan) nhờ đó mà kỹ thuật cũng như nghệ thuật diễn tấu được nâng lên một bước quan trọng.
Nhớ lại thời điểm viết tác phẩm này, nghệ sĩ Xuân Ba cho biết: “Bộ đội về làng, người dân nô nức, hồ hởi ra đón, tiếng hát tiếng cười rộn ràng khắp làng quê. Khung cảnh làng quê khi ấy dường như cũng đổi thay theo: Bầy chim bay lượn chào đón các anh, cánh đồng lúa tỏa hương thơm, trẻ em trong làng tíu tít kéo nhau đi theo anh bộ đội, các cô thôn nữ ngỡ ngàng vui mừng, người già hoan hỉ. Rồi các anh bộ đội về làng gặt lúa, sửa nhà, gánh nước giúp dân, tình yêu bất chợt nảy nở giữa cô gái làng với anh bộ đội... Tất cả những kỷ niệm ấy tạo thành dòng cảm xúc âm nhạc mãnh liệt để giúp tôi viết được tác phẩm này”.
Có điều thú vị là khi mới ra đời tác phẩm Tình quân dân được đặt tên là Tiếng quê hương nhưng khi nghe tiếng đàn nguyệt độc tấu của tác giả, nhà thơ Cù Huy Cận đã đề nghị ông đổi tên như hiện nay. Tác phẩm đã không chỉ được khán, thính giả trong nước yêu mến mà ở Pháp và các nước Đông Âu nó cũng chiếm được tình cảm của bạn bè quốc tế qua tiếng đàn của NSƯT Bá Phổ. Tiếng đàn nguyệt điêu luyện của nghệ sĩ Bá Phổ đã giúp công chúng quốc tế hiểu thêm về con người, đất nước Việt Nam cũng như bản chất của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam. Những năm sau đó, các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ Xuân Khải, NSƯT Cồ Huy Hùng, NSƯT Anh Tấn... cũng đã mang tác phẩm này đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.
3. Nghệ sĩ Xuân Ba cũng còn được công chúng biết đến là người đã biểu diễn rất thành công tiết mục đàn bầu Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đó là bản nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã chuyển thể lại và phát triển tiết tấu thành bản nhạc hoàn chỉnh cho đàn bầu để Xuân Ba biểu diễn cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Điều đặc biệt là khi ấy ông chưa được học đàn bầu mà chỉ là nghệ sĩ chơi đàn nguyệt, nhưng nhờ sự cố gắng, quyết tâm cộng với lời động viên của nhạc sĩ Hoàng Vân, ông đã hoàn thành xuất sắc công việc này. Người nghệ sĩ già nhớ lại thời điểm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một lần vào rạp Kim Đồng xem bộ phim Chiến thắng Mậu Thân 1968, khi phim chiếu đến hình ảnh của Huế, Sài Gòn thì bản nhạc độc tấu đàn bầu Hà Nội - Huế - Sài Gòn vang lên khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Cũng từ ấy mỗi khi nghe đài, bản nhạc ấy vang lên thì trong lòng ông dâng trào niềm cảm xúc tự hào và ông cảm thấy mình đã đóng góp được chút gì đó cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Những luyến láy cùng tiết tấu nao lòng của ngón đàn bầu, đàn nguyệt của nhạc sĩ Xuân Ba đã gây ấn tượng với không chỉ khán, thính giả là người bình thường, mà ngay cả Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng khi ấy cũng thường mời ông vào Ủy ban biểu diễn mỗi dịp đón khách quốc tế. Ông đã có vinh dự được biểu diễn cho những chính khách nước ngoài rất thân thiết với Việt Nam như Tổng thống Indonesia Suharto, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, nhà chỉ huy quân sự và chính trị Liên Xô (cũ) Vorosilov, Hoàng thân Lào Xuphanuvong...
Trong lịch sử phát triển suốt 59 năm qua của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - đơn vị được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội giao nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc, sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, chắc chắn không thể không nhắc đến công sức đóng góp của thế hệ nghệ sĩ gạo cội như Xuân Ba. Nhưng không dừng ở đó, với mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, ông đã có một sáng tác đầy triết lý sâu sắc mang tên Trăng Tây Hồ. Mở đầu ca khúc, ông đã “vẽ” lên một khung cảnh Tây Hồ thơ mộng khi màn đêm buông xuống, ánh trăng lên cao: “Trăng trong mơ, mênh mang Hồ Tây/ Đường Cổ Ngư rì rào dương liễu/ Mà hương sen bay bay trong gió/ Sóng dập dờn sắc nước trời mây/ Trăng ngân nga ngân nga Hồ Tây/ Đường Quảng An, Nghi Tàm, Bách Thảo/ Mà lời âu ca vang vang trong gió/ Sóng ngập ngừng nhè nhẹ thuyền trôi...”.
Gặp ông, ngồi nghe ông say sưa kể về những chuyến đi mà mình đã và sắp đi trong hành trình rong ruổi đem âm nhạc dân tộc đến với công chúng, mới thấy, ở tuổi 79 nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn còn rất sung sức, bận rộn với những chuyến đi và dự định biểu diễn, sáng tác. Có lẽ Xuân Ba sinh ra là dành cho công việc và sự sáng tạo không ngừng.
Nhạc sĩ - NSƯT Xuân Ba sinh năm 1940 tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988. Hiện nay, ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.