Văn nghệ

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi: Người kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc

Nguyễn Văn Học 10/09/2023 - 19:03

Nếu Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ghi vào lịch sử dân tộc như là một con đường huyền thoại, thì các ca khúc viết về Trường Sơn là kho tàng vô giá, góp phần kể lại những năm chiến đấu hào hùng của quân và dân ta. Đào Hữu Thi là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp vào kho tàng ấy.

nhac-si.jpg
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi.

Từ những chất liệu hào hùng

Tôi đến thăm nhạc sĩ Đào Hữu Thi, hiện đang sống ở phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) vào một ngày thu nhàn nhạt nắng. Khi cuộc trò chuyện dần trở nên rôm rả, nhạc sĩ cao hứng hát cho tôi nghe bài hát “Tình em gửi trọn con đường” do ông sáng tác, viết về những cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi đi mở đường Trường Sơn: “... Trăng lên trăng soi tỏ, nhớ cánh đồng năm tấn quê ta/ Trăng lên bao ước hẹn khi xuân về, xuân thắm tương lai/ Lòng vui khi những chuyến xe hàng đưa ra tiền tuyến/ Tình em gửi trọn con đường, con đường Hồ Chí Minh”.

Đó là bài hát đáng nhớ nhất của người nhạc sĩ hết lòng với đồng đội, được viết trong hoàn cảnh đầy xúc động mà cho đến giờ mỗi khi nhắc lại ông vẫn thấy nghẹn ngào. Ông kể, mùa khô năm 1971, Đoàn văn công xung kích của ông đến phục vụ hai tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong công binh, phần lớn quê ở Thái Bình. Những cô gái mở đường khi ấy tuổi chỉ mười tám, đôi mươi, hồn nhiên, yêu đời, họ rất háo hức ngồi xem chương trình biểu diễn của Đoàn. Kết thúc buổi biểu diễn, các cô gái lại tiếp tục với công việc san lấp hố bom trên tuyến đường. Rồi một trận bom điên cuồng của máy bay Mỹ ào ạt trút xuống, đồng đội khiêng về gần hai mươi thi thể đầy máu. Ngay đêm đó, bên ngọn đèn dầu thắp bằng ống bơ, ông đã viết bài hát “Tình em gửi trọn con đường”. Sáng hôm sau, khi đến thăm những cô gái bị thương đang điều trị, ông hát tặng các cô gái dũng cảm bài hát mình vừa sáng tác. Đang kể, giọng nhạc sĩ nghẹn lại: “Sự hy sinh, gian khổ trong những năm tháng chiến đấu đó chẳng tác phẩm âm nhạc nào có thể nói hết được. Nhưng, người trực tiếp sống, chiến đấu ở chiến trường có thể cảm nhận được. Và từ nơi bom rơi đạn nổ, tưởng chỉ có máu và nước mắt, vẫn ngời sáng nụ cười”.

Người ta thân mật gọi Đào Hữu Thi là “nhạc sĩ Trường Sơn”. Hơn 100 ca khúc về đề tài Trường Sơn cùng rất nhiều giải thưởng là gia tài sau những năm tháng sống, làm việc và chiến đấu của ông. Trong đó, phải kể đến: “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Niềm vui em đón xe qua”, “Em đi qua A Pông”, “Tình em gửi trọn con đường”, “Hát mãi với Trường Sơn”, “Đường ống Trường Sơn”...

Khi sáng tác, nhạc sĩ Đào Hữu Thi cố gắng kể câu chuyện về chiến trường một cách chân thực, sinh động, với những niềm vui, nỗi buồn cũng như tình cảm của người lính. Ca khúc “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Những mùa trăng chờ mong” viết trong lúc cuộc chiến giữa ta và địch đến hồi ác liệt, cam go nhất. Ông kể: “Trên tuyến đường 14, ta và địch giành giật với nhau từng mét đường, cứ nhích thêm một bước thì đạn bom lại cày xới tung lên, mất mát và hy sinh nhiều lắm”.

Ở Trường Sơn, có một con đường vô cùng quan trọng, đó là đường ống dẫn xăng dầu từ Bắc vào Nam. Khi chứng kiến cảnh đường ống bị trúng bom, các chiến sĩ liều mình lao vào khóa van để ngăn xăng tràn ra, có người bị cháy đen cả người... khiến ông rất xúc động, đó cũng là lý do để ông viết bài hát “Đường ống Trường Sơn”. Nhạc sĩ bồi hồi: “Song hành với đường Hồ Chí Minh, đường ống xăng dầu vào Nam cũng là kỳ tích của cả dân tộc góp phần chiến thắng đế quốc. Nhờ tinh thần và cảm hứng ấy, ca khúc tôi viết trở nên hào hùng, phấn chấn, đi vào lòng người”.

Sống xứng đáng với những hy sinh của đồng đội

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh năm 1944, tại phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Ông nhập ngũ ngày 30-6-1965, là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1969 ông được cử vào chiến trường, làm nhiệm vụ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi là quân của Đoàn văn công xung kích, thuộc Sư đoàn 343, Đoàn 559. Nhờ năng khiếu về âm nhạc và văn chương, tranh thủ những lúc rảnh rỗi tôi tự soạn nhạc. Trường Sơn chính là nguồn cảm hứng trong những sáng tác của tôi. Chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của các lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là tinh thần quả cảm của các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường này, tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Phải làm một điều gì đó dành tặng những người con gái kiên cường ấy là điều tôi thường ấp ủ”.

Từ năm 1984 - 1987, ông về công tác tại Nhà Văn hóa Binh đoàn Trường Sơn. Sau đó, ông học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông chia sẻ, những năm tháng dạy ở trường cho ông nhiều thứ, đó là được truyền lại cho các học trò những gì mình trải qua ở chiến trường. Truyền lan tinh thần Trường Sơn quyết thắng, sự dũng cảm của một thế hệ anh hùng, với ông đó là một trong những cách giáo dục hiệu quả.

Nhạc sĩ cho biết, quan điểm sống của ông là không bao giờ dừng lại. Phải sống cho xứng đáng với các thế hệ cha anh, nhân lên những điều tốt đẹp, tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập nước nhà. Ông vẫn về thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ, dành thời gian, tâm huyết để viết nhạc. Ca khúc “Nỗi nhớ cựu chiến binh” viết năm 1999, ra đời ngay tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Hôm đó Đào Hữu Thi vừa hát vừa khóc. Cả hội trường lặng đi, ai cũng rưng rưng. Sao ca từ giản dị mà chân thật đến thế! Ca khúc như thay các cựu chiến binh giãi bày tâm sự. Nhạc sĩ xúc động: “Ca khúc này được hát đi hát lại nhiều lần, nhất là trong các buổi hội họp của các cựu chiến binh. Tôi còn nhớ, trong một lần họp mặt, có cựu chiến binh đã để lại mặt trận cả hai chân và một tay, đồng đội phải bế lên tầng hai ngồi vào xe lăn và họ hát bài hát này trong nước mắt. Khi hát đến câu: “Ai còn? Ai mất?” giọng của họ nghẹn lại vì xúc động. Được sự động viên của các thương, bệnh binh, tôi đã bật ra ý tưởng và viết tiếp lời hai của bài hát”.

Nhạc sĩ cũng sáng tác nhiều về các đơn vị quân đội, về Hà Nội và nhà giáo. Ca khúc “Em là cô giáo vùng cao” được nhạc sĩ sáng tác năm 2018, với sự trình bày của ca sĩ Vi Hoa, đã được trao giải thưởng cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhạc sĩ Đào Hữu Thi cho biết, ca khúc về giáo dục, về thầy cô, mái trường luôn là niềm cảm hứng của nhiều nhạc sĩ. Hình ảnh những thầy cô giáo vùng cao vượt qua khó khăn gian khổ để dạy học trò, chấp nhận thiệt thòi, xứng đáng được ngợi ca.

Còn nhớ, vào tối 16-5-2019, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Đào Hữu Thi - nhạc sĩ Trường Sơn”. Đó là một chương trình xúc động và sâu lắng. Suốt chương trình, người nhạc sĩ đã kể nhiều điều về con đường Trường Sơn, con đường tâm tưởng, con đường sống và cống hiến của ông. Ông tâm sự, những năm tháng gắn bó với Trường Sơn, tuy gian khổ nhưng cũng là khoảng thời gian thật ý nghĩa, thật đẹp, bởi đây chính là thời gian giúp ông thành một nhạc sĩ của Trường Sơn như ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi sinh năm 1944, tại phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã đạt nhiều giải thưởng. Trong đó, tác phẩm “Nỗi nhớ Cựu chiến binh” đoạt Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998; tác phẩm “Mái trường em yêu” đoạt Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2005; Bản fantaisie “Huyền thoại con đường” đoạt Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999; Bản fantaisie “Nhớ về Trường Sơn” đoạt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Bộ Quốc phòng (1999 - 2004); Tác phẩm “Em là cô giáo vùng cao” đoạt Giải nhất cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Đào Hữu Thi: Người kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.