(HNMCT) - Tên tuổi nhạc sĩ Duy Thái trở nên quen thuộc với giới trẻ bắt đầu từ ca khúc “Lời của gió” - sáng tác năm 1985. Chính Duy Thái, diễn viên của Đoàn kịch nói Hải Phòng lúc ấy cũng không ngờ “Lời của gió” đã thành động lực đưa ông đến với sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Hiện ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hải Phòng. Mới đây, ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2022.
- Người ta nói rằng ông đẹp trai, ga lăng, sống phóng khoáng và yêu nhiều... Ông nghĩ sao về lời đồn đại ấy?
- Lắm khi dư luận cứ thêu dệt thêm cho hấp dẫn. Họ nói tôi đẹp trai, chứ thực ra tôi công khai tự đánh giá bản thân trong ca khúc “Lời của gió”: “Cơn gió nào bên tai thì thầm/ Nói với em rằng tôi rất xấu huh... huh...”. Tuổi trẻ nếu thiếu tình yêu chắc sẽ nhạt lắm. Vấn đề là yêu như thế nào thôi. Ví như tôi viết ca khúc "Lời của gió" khi là diễn viên Đoàn kịch nói Hải Phòng, thầm yêu một cô gái nhưng không biết phải bắt đầu ra sao. Tôi đánh bạo sáng tác bài hát như lời tỏ tình riêng thầm kín. Viết xong, tôi gửi tặng cô gái, coi đó như một kỷ niệm thời trai trẻ. Không ngờ, sau đó Hồng Nhung và Quang Vinh đã giúp cho “Lời của gió” bay cao, bay xa.
Với người nghệ sĩ nói chung, nếu không yêu mãnh liệt thì không thể có cảm xúc sáng tạo được. Xin lưu ý là tình yêu tôi nói ở đây không chỉ là tình yêu nam nữ, đó còn là tình yêu gia đình, quê hương, con người, nét văn hóa truyền thống...
- Ông nói rằng sáng tác “Lời của gió” để tỏ tình với một cô gái, còn đối với người vợ yêu thương, ông có viết riêng một ca khúc nào?
- Vợ tôi không làm nghệ thuật, hết lòng vì chồng vì con, hiểu và cảm thông với tính khí nghệ sĩ thất thường, tâm hồn bay bổng, nhiều khi lơ mơ của chồng. Đối với tôi, đó là một tình yêu sâu sắc, nặng nghĩa nặng tình, gắn bó suốt đời. Khi xa nhà, tôi thường nhớ vợ và bài “Phố vắng” tôi viết trong nỗi nhớ nhung ấy.
Sau đêm biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi lang thang trên phố Lê Thánh Tông trong cái lạnh giá và mưa rơi nhẹ đầu mùa. Chân bước mà lòng khắc khoải nhớ về người vợ hiền dịu, tần tảo: "Anh lang thang một mình trên phố vắng/ Nghe trong đêm đường lạnh lẽo mưa rơi/ Nơi đôi chân cùng với bao tháng ngày/ Trong đêm nay anh quên lạnh vì ai?...". Ca khúc này ít nhiều in dấu tình yêu với Hà Nội. Những gốc cây già, mái ngói cổ kính, đường phố thân quen trong đêm khuya vắng. Yêu và nhớ lắm chứ nếu ai đã từng đến và lại xa Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà Ngọc Tân cứ xin được hát bài “Phố vắng”.
- Còn đối với những người khác? Hay những sự kiện nào làm ông yêu mãnh liệt, dâng trào cảm xúc rồi viết nhạc?
- Bạn nghe bài “Em về Paris” sẽ thấy đó không chỉ là lời chia tay tiễn bạn gái ra nước ngoài, mà gửi gắm trong đó là tình yêu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đó là những bình gốm đất, tranh Đông Hồ, “Truyện Kiều”, ánh trăng, biển lúa vàng, tiếng ru ầu ơ của mẹ... Bài “Trăng vào phố thị” cũng cùng một chủ đề như vậy.
Hoặc ca khúc “Hãy đến với em”. Tôi viết khi Ái Vân yêu cầu viết riêng cho cô một bài. Một ca sĩ trẻ tài năng, xinh đẹp, chuyện tình không mấy suôn sẻ, cuộc đời thăng trầm... Trăn trở và vật lộn với suy ngẫm về số phận người nghệ sĩ, về hạnh phúc của họ, tôi đã viết: “Hãy đến với em, dù chỉ một lần nữa thôi/ Hãy đến với em trong nỗi cô đơn/ Trên con đường về lạnh lẽo đầy sương/ Trong trái tim em, tình yêu vẫn cháy...”. Ái Vân đã khóc khi thể hiện bài hát này vì dường như giai điệu và lời ca da diết, khắc khoải nói trúng nỗi lòng thầm kín của mình.
- Hải Phòng với những con người cần cù, dũng cảm, là mảnh đất mà ông sinh ra và lớn lên. Ông có suy nghĩ gì về âm nhạc viết về thành phố biển xinh đẹp này?
- Thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng là nơi sinh ra những cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc Việt Nam như Hoàng Quý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn, Văn Cao... Sau này, nhiều ca khúc viết về Hải Phòng được cả nước yêu thích như “Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta” của Hoàng Vân, “Thành phố Hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh... Tôi có bài hát “Hải Phòng giữa trái tim tôi”, cũng được giới trẻ Hải Phòng mến mộ. “Những dòng sông giữa trái tim tôi/ Những dải lụa quanh thành phố/... Ta yêu những con người đất cảng/ Những con người từ biển đi lên...” (Duy Thái lập tức ôm guitar say sưa hát cho tôi nghe). Tôi cũng sáng tác một số ca khúc nhân kỷ niệm 70 năm Cảnh sát hình sự Hải Phòng; dịp kỷ niệm 95 thành lập Trường THPT Ngô Quyền...
- Kể từ khi chính thức là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1993, cho đến nay ông đã sáng tác bao nhiêu ca khúc?
- Khoảng gần 100 bài. Tôi cũng vui vì đã tổ chức được hơn mười đêm nhạc riêng ở những trung tâm ca nhạc lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng... Tôi cũng đã xuất bản “Tuyển tập ca khúc Duy Thái” và ra những album tình khúc. Hiện nay, Hội Nhạc sĩ Hải Phòng chúng tôi đã và đang tạo mọi điều kiện để các nhạc sĩ trẻ phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa, làm giàu cho kho tàng âm nhạc của thành phố Cảng anh hùng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.