Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà vệ sinh tại bệnh viện: Nỗi kinh hoàng khó nói

Bài và ảnh: Trần Hiệp| 23/11/2011 07:04

(HNM) - Sử dụng nhà vệ sinh (NVS) công cộng tại bệnh viện (BV) luôn là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà, đặc biệt NVS tại khoa khám bệnh của các BV, nơi mỗi ngày tiếp đón hàng trăm tới hàng nghìn lượt người...

Đến BV, không dám vào NVS

Khoa Khám bệnh BV Phụ sản Hà Nội rộng, thoáng và sạch sẽ. NVS được thiết kế rộng rãi, lát đá chống trơn, sàn nhà khô ráo. Chỉ có điều, dù có hai NVS liền nhau nhưng một nhà luôn khóa cửa. Nhà mở cửa có vòi nước, có lavabo nhưng không có nước chảy. Gần như sản phụ nào khi đi khám cũng được chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm, nhưng xem ra khâu giữ vệ sinh cho họ chưa được BV chú trọng.

Lavabo thành nơi chứa đồ (Bệnh viện Thanh Nhàn).

Cũng được trang bị lavabo nhưng tại Khoa Khám bệnh BV Thanh Nhàn, thiết bị vệ sinh này lại được chuyển đổi công năng thành nơi chứa các dụng cụ và chai lọ làm vệ sinh nên người bệnh chỉ có thể lấy nước sạch từ chiếc vòi nước cách mặt sàn NVS 40cm.

Hạ tầng cơ sở đầy đủ hơn, BV Thanh Trì trang bị đầy đủ lavabo, vòi cấp nước cho NVS công cộng của Khoa Khám bệnh nhưng lại thiếu mất ống dẫn nước thoát, thành thử khi ai đó mở nước rửa tay, nước bẩn chảy thẳng từ lavabo xuống... chân và sàn nhà.

Tại BV Bắc Thăng Long (thị trấn Đông Anh), hai lavabo có vòi cấp nước sạch được lắp đặt hai bên lối vào Khoa Khám bệnh và Cấp cứu nhưng NVS công cộng lại không hề có thiết bị tối thiểu này. Đặc biệt, trong khuôn viên BV Bắc Thăng Long còn có một con mương nước thải chạy ngang qua. Dù đã được xây kè hai bên bờ nhưng mương nước này vẫn lộ thiên, không có nắp đậy. Hàng chục miệng dẫn nước thải từ các khoa, phòng của BV, kể cả nước thải từ NVS công cộng đều chảy thẳng vào đây.

Đó là các BV đã được trang bị hố xí tự hoại, lavabo, vòi cấp nước sạch, còn nhiều nơi, NVS công cộng trong BV chỉ được xây dựng đơn sơ với mấy cái bệ gạch, bể chứa nước dội và hệ thống cống dẫn nước thải lộ thiên như BV Đa khoa Đống Đa. Hoặc vừa thiếu các thiết bị vệ sinh tối thiểu, vừa dùng chung cho bệnh nhân nam và nữ như NVS công cộng của Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm, BV Đa khoa Đông Anh.

Vì thiếu điều kiện giữ vệ sinh tối thiểu nên những NVS này luôn bốc mùi hôi thối, thiết bị ẩm mốc, bể chứa nước mọc rêu. Vì lẽ đó, phần lớn người bệnh khi đến khám tại các BV đều cố gắng "nhịn", không sử dụng NVS công cộng. Khi buộc phải sử dụng hoặc lấy mẫu bệnh phẩm theo chỉ định của bác sĩ, họ phải mang theo nước hoặc mua nước khoáng để rửa tay. Theo ông Trần Giáp Ngọ (Ngũ Hiệp, Thanh Trì), chỉ riêng việc chạm tay vào cửa hay các thiết bị ở đây đã thấy mất vệ sinh, lo nhiễm dịch bệnh rồi. Còn bà Hoàng Thị Bích Tâm (phố Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) cho biết, tốt nhất là vào các khoa, phòng điều trị để sử dụng nhờ NVS vì ở đó thường sạch sẽ, đầy đủ thiết bị hơn.

Mương nước thải lộ thiên trong khuôn viên Bệnh viện Bắc Thăng Long.

Văn bản nhiều, thực thi yếu

Ngày 11-3-2005, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh đối với các loại nhà tiêu (kèm theo Quyết định số 08/2005/QĐ-BYT), buộc NVS trong các BV và cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ các điều kiện về xử lý chất thải, nước thải, vệ sinh, khử khuẩn... Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này thiếu hẳn quy định về việc cấp nước sạch và chất tẩy rửa cho người sử dụng. Ngày 14-10-2009, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, theo đó, các BV phải xây dựng quy trình và hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân quy trình rửa tay, cách ly và tránh nhiễm khuẩn. Thông tư này cũng quy định "các khoa phải có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh, nước sạch, phương tiện rửa cho người bệnh, người nhà và nhân viên y tế", "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được trang bị đủ phương tiện rửa tay gồm bồn rửa tay, phương tiện sát khuẩn tay, khăn lau tay sạch dùng một lần và hóa chất rửa tay".

Để bảo đảm điều kiện vệ sinh tốt nhất cũng như khả năng duy trì, bảo dưỡng các thiết bị vệ sinh, các BV như Xanh Pôn, Nhi trung ương, Phụ sản TƯ, Bạch Mai... đã chọn phương thức dịch vụ vệ sinh. Mỗi lần sử dụng NVS công cộng, người bệnh và người nhà phải nộp phí. Những NVS này được trang bị thiết bị tự hoại, có vách ngăn khoang sử dụng riêng, có nước nóng, lạnh cấp đầy đủ, thậm chí còn có cả dịch vụ tắm nước nóng. Luôn có nhân viên trực để dọn rửa, giữ vệ sinh và cung cấp giấy, nước rửa...

Ông Nguyễn Viết Thắng (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm) đưa người nhà đi khám tại BV Xanh Pôn cho biết: "Phí vệ sinh ở các BV được niêm yết công khai nên dù mất phí nhưng được sử dụng NVS sạch sẽ, không lo nhiễm khuẩn, lây bệnh vẫn thấy thoải mái hơn sử dụng NVS miễn phí nhưng không bảo đảm vệ sinh".

Vậy là các quy định của ngành y tế về việc bảo đảm vệ sinh và điều kiện vệ sinh tối thiểu cho người bệnh, người nhà đã có, song, việc tổ chức và duy trì những điều kiện tại nhiều BV này xem ra còn chưa được quản lý chặt chẽ. Không biết khi nào người dân mới hết nỗi lo đến BV nhiễm bệnh từ các NVS... mất vệ sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà vệ sinh tại bệnh viện: Nỗi kinh hoàng khó nói

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.