(HNM) - Tống Ngọc Hân, hiện sinh sống và kinh doanh tại Lào Cai, là một trong những nhà văn trẻ vừa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây cũng là một trong những gương mặt viết về miền núi với chất giọng đẹp, thâm trầm, nhiều day dứt. Dịp đầu năm, nhà văn Tống Ngọc Hân có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới.
- Chúc mừng chị vừa chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng dịp đầu năm mới 2014. Xin bắt đầu từ câu hỏi: Chị đến với văn chương từ khi nào và điều đó có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của chị?
- Tôi làm quen với văn chương từ khi học chữ và biết yêu thích những bài văn, bài thơ hay trong sách giáo khoa. Tôi bắt đầu viết truyện khoảng 8 năm trước đây, sau khi có hai tập thơ. Văn chương là một phần cuộc sống của tôi. Nó khiến tôi sống kỹ hơn, chậm hơn và biết cách chia sẻ với mọi người. Tôi có thể hình dung ra cuộc sống của mình nếu một ngày nào đó thiếu đi hạnh phúc, tình yêu hoặc tiền, nhưng lại không hình dung được nếu dừng viết, dừng đam mê văn chương thì mình sẽ thế nào.
- Một vùng biên cương, miền núi phía bắc của đất nước hiện rõ trong nhiều trang viết của chị, không chỉ trong không gian cảnh sắc, mà trong cả suy nghĩ, tâm tư của nhân vật… Chị có thể chia sẻ với bạn đọc về vùng đất đã mang lại cho chị cảm hứng sáng tác ấy?
- Lào Cai là một miền biên cương đẹp về cảnh sắc, đa dạng phong phú về bản sắc văn hóa và ấm áp về tình đất, tình người. Tôi có cảm giác một lần nữa được sinh ra từ đây. Chính những cảm xúc đẹp đẽ nhất về đất và người Lào Cai khiến tôi cầm bút viết và phát hiện ra mình có một chút năng khiếu văn chương. Tôi muốn qua tác phẩm của mình, bạn bè trên khắp mọi miền Tổ quốc biết đến một cộng đồng văn hóa đa sắc, đa âm của Lào Cai. Mặt khác, Lào Cai được tạo hóa ban cho nhiều tài nguyên quý giá, có thể làm nền tảng vững chãi cho một công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hóa, giáo dục… Thế nhưng, thực tế là đồng bào các dân tộc Lào Cai vẫn chưa thể thoát nghèo, thoát khổ. Căn nguyên vì đâu? Văn chương của tôi mong mỏi lý giải một phần điều đó.
- Câu chữ trong truyện của chị rất chặt, dồn nén nhưng giọng điệu lại thủ thỉ, tâm tình khiến người đọc theo nhịp ấy phải nín thở theo dõi. Với chị, giọng điệu sẽ quyết định câu chữ hay câu chữ đã được chắt lọc để thành giọng điệu?
- Thế mạnh của tôi là tự sự và tôi đã kể những câu chuyện theo cách của riêng mình. Thế nên, giọng điệu được hình thành từ trong tâm tưởng với suy nghĩ làm sao để diễn đạt cho thật cuốn hút, sau đó câu chữ sẽ tự khắc tuân thủ giọng điệu. Vì tôn trọng độc giả nên tôi cố gắng chắt lọc câu chữ.
- Nhiều nhà phê bình, bạn văn đều nhận thấy truyện của chị mạnh về chi tiết, hình ảnh có sức gợi, sức khái quát. Trong "Song mã" là "triết lý" cái ổ rơm của lão Sếnh; trong "Lời đêm" là tiếng ho khan… Chị đã chắt lọc những chi tiết ấy như thế nào từ đời sống?
- Cuộc sống đã tặng tôi nguồn vốn quý giá để nuôi sống văn chương. Những chi tiết ấy nhiều vô kể trong những nơi ta từng đến, từng qua, từng ước mơ được đến trong mỗi ngày. Chỉ có điều ta có đủ nhạy cảm để nhận ra nó hay không, có biết cách tìm cho chi tiết ấy một chỗ đắc địa trong câu chuyện hay không mà thôi. Làm được như vậy thì chi tiết mới "sống" và truyện mới có hồn, mới ám ảnh. Để cuộc sống ban tặng cho mình những điều quý giá ấy, mình cũng phải trả ơn cuộc sống rất nhiều thứ, trong đó có lòng chân thành. Chân thành học hỏi, tiếp thu và chân thành với chính bản thân mình.
- Con người và thân phận con người luôn là tâm điểm của tác phẩm văn học. Theo chị, khía cạnh nào của con người hiện đại hôm nay mà văn học cần soi rọi?
- Con người thương trường có tỳ vết của thương trường; con người trí thức có tỳ vết của trí thức. Cái tỳ vết ấy có thể là lòng tham, sự đố kị hoặc thói ích kỷ. Ngọc cũng còn có vết, con người cũng thế. Không cầu toàn đối với nhân vật trong truyện, vì thế, nhân vật của tôi rất thật, rất thoải mái. Mỗi câu chuyện giống như một sự cố gắng làm dịu đi, làm mờ đi cái "vết" trong mỗi con người mà thôi. Văn chương không phải là đòn roi, mà là tiếng chuông, đôi khi chỉ là tiếng chuông gió.
Tống Ngọc Hân (sinh năm 1976), quê Phú Thọ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đã giành giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan Si Păng của UBND tỉnh Lào Cai; các giải chính thức của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một số tác phẩm đã xuất bản: "Những nét vân tay", "Khu vườn yên tĩnh", "Đêm không bóng tối", "Sợi dây diều"… |
- Nhà phê bình Nguyên An có kể trong một bài viết rằng "bà con vùng cao ngạc nhiên khi nói về chị: Cô ấy mà là nhà văn á…, nhà văn phải như mấy ông đeo kính, đi đâu có xe đưa đón chứ. Cô ấy đến đây cũng làm, hay hỏi, còn dạy chị em chăn gà, nuôi lợn, giữ vệ sinh". Vậy, thật ra công việc của chị hiện nay là gì?
- Hiện nay tôi làm kinh doanh dịch vụ du lịch. Công việc này cho tôi một cái đầu tỉnh táo khi viết, để tự mình nhận biết cái ranh giới mỏng manh trong văn chương, dừng lại ở đâu là đúng mức. Còn viết văn khiến cho việc kinh doanh trở nên nhân văn hơn. Vì nhân văn trong kinh doanh mà từ hai bàn tay trắng tôi đã có chút vốn liếng và niềm tin để tiếp tục bước đi trong thời buổi vô cùng khó khăn hiện nay.
- Trong năm 2014 chị có dự định xuất bản tác phẩm mới?
- Tôi sẽ in tập truyện ngắn thứ tư tại NXB Văn nghệ quân đội. Tên tập truyện sẽ do các anh chị trong Ban biên tập đặt. Đôi khi bạn bè, người thân, thậm chí người quen đặt tên cho đứa con tinh thần của mình cũng rất thú vị!
- Xin chân thành cảm ơn chị và chúc chị thành công trong sự nghiệp!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.