Văn hóa

Mượn văn chương kể chuyện lịch sử: Xu hướng của nhiều cây viết trẻThêm "cầu nối" giữa quá khứ với hiện tại

Vân Hạ 11/08/2024 10:07

Viết về lịch sử đã lùi xa là điều không dễ dàng, nhất là lại họa lịch sử bằng một sáng tác văn chương. Vậy mà, đã và đang có nhiều cây bút trẻ chọn lối đi đầy thử thách ấy.

Nhưng sự ủng hộ “không hề nhẹ” của bạn đọc đồng lứa tuổi đang trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho xu hướng văn học này.

sach-1.jpg
Một số truyện lịch sử của các tác giả trẻ đã xuất bản. Ảnh: Hạ Yến

“Ngàn lẻ một” đường đến với lịch sử

So với các đề tài khác, hiện nay, truyện lịch sử của tác giả Việt còn quá ít ỏi với các tác giả lớp trước như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Ngô Văn Phú, Hoàng Công Khanh..., hay gần đây là Phùng Văn Khai, Lưu Sơn Minh, Thiên Sơn, Nguyễn Thế Quang, Lý Lan, Uông Triều... Các tác giả kể trên, dẫu thường xuyên hay lần đầu “chạm ngõ” lịch sử bằng văn chương thì đa số đều đã không còn trẻ. Có lẽ, phải có đủ trải nghiệm để lắng lại một độ “đằm” trong sáng tác cũng như cần có khoảng thời gian đủ nhiều để nghiên cứu tư liệu một cách sâu sắc, kỹ càng, các nhà văn ấy mới sẵn sàng viết về đề tài lịch sử. Phải chăng, vì thế mà có ý kiến cho rằng, “tiểu thuyết lịch sử không phải là cuộc chơi của người trẻ”. Thế nhưng, một “làn sóng” truyện lịch sử ra mắt trong thời gian gần đây của các tác giả trẻ dường như đang phản biện ý kiến này.

“Vén mây ngàn năm cũ/ Họa một thuở vàng son/ Dấu người xưa để lại/ Hòa cùng lời nước non” - những câu thơ trong tập truyện ngắn lịch sử “Mây khói vàng son” của Đào Thu Hà như một sự khẳng định cho xu hướng “mượn” lịch sử để sáng tác câu chuyện văn chương của nhiều cây bút trẻ hiện nay.

Tác giả Cổ Nguyệt Quang đã chia sẻ rằng, tiểu thuyết dã sử “Con voi thành Phật Thệ” là một nét chấm nhỏ bé của tác giả “để nối chút chuyện xưa vào hiện thực hôm nay, để voi đá không còn cô đơn khi nhớ về người cũ”, với hy vọng “đem đến cho độc giả một góc nhìn mới về sự kiện hào hùng của dân tộc, cùng với đó là câu chuyện về những phận người “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng đã đem sức sống, máu xương và linh hồn góp phần làm nên 4.000 năm lịch sử”. Với Cổ Nguyệt Quang, những sự kiện, tên các nhân vật lịch sử được sử dụng trong sách chỉ là chất liệu, nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác cốt truyện.

Con đường đến với truyện lịch sử của các tác giả trẻ là khác nhau, không phải ai cũng trưởng thành từ cái nôi đào tạo về sáng tác. Có tác giả viết truyện sử khi đang còn là sinh viên trường kinh tế, như Đặng Hằng với truyện dài “Nhân gian nằm nghiêng”; Hoàng Yến viết nhiều truyện sử trong khi lại tốt nghiệp chuyên khoa về răng hàm mặt; Hà Thủy Nguyên trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp đã bắt đầu viết “Điệu nhạc trần gian” khi mới 14 tuổi... Nếu tác giả Đặng Hằng viết truyện sử xuất phát từ mong muốn dùng câu chữ tái hiện hào khí một thời vang bóng, phỏng dựng phần nào nét đẹp trong văn hóa cổ truyền dân tộc và thể hiện tình yêu, lòng mến mộ của bản thân với những người từng sống và tạo nên lịch sử dân tộc, thì tác giả Trường An cho rằng “tìm hiểu lịch sử cũng là cách để nhìn nhận được chân xác bản thân và cuộc sống, và viết là cách để đối thoại, phản biện, hiểu sâu hơn các vấn đề”.

su-1.jpg
Một buổi trò chuyện về lịch sử thu hút đông độc giả trẻ tham dự. Ảnh: Linhlanbook

Chia sẻ về lý do sáng tác “Trăng trong cõi”, tác giả Phạm Thúy Quỳnh cho biết, trong một lần đọc lại cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” chị đã “bị ám ảnh không thôi” về cuộc đời của Lê Long Đĩnh - vị hoàng đế với thân phận mờ mịt. Tác giả Đồng Lạc viết “Trần triều nhàn thoại” khi tình cờ được một độc giả giới thiệu thông tin tấm bia về công chúa Phụng Dương, cảm thấy “lịch sử không chỉ là những thăng trầm của một dân tộc, mà còn là thăng trầm của cuộc đời vô số con người đã sống và tạo nên thời kỳ ấy”.

Còn tác giả Hoàng Yến thì viết “Dưới cánh đại bàng” bởi “cảm thấy mắc nợ Nhật Tôn và Thường Kiệt. Mối quan hệ giữa họ khăng khít tới mức người này sẵn sàng giao trọn hoài bão, lý tưởng và thậm chí là cả sinh mạng vào tay người kia. Hai chàng trai ấy cần phải được sánh vai cùng nhau nhiều hơn nữa”.

Đến với lịch sử bằng nhiều lý do khác nhau, song đích đến của các tác giả trẻ viết truyện lịch sử đều mong muốn “góp phần nào dù rất nhỏ, khiến bạn đọc có thêm niềm yêu thích, hứng thú tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nước nhà”.

Xu hướng viết mới

Chưa bao giờ số lượng tác giả, tác phẩm văn học về đề tài lịch sử lại phong phú như hiện nay. Cách đây khoảng hơn chục năm, rất khó để tìm thấy một cuốn truyện sử của tác giả trẻ bởi dường như đã có những “chuẩn mực vô hình” được đặt ra khiến người viết e ngại. Nhiều tranh luận đã nổ ra về giới hạn giữa lịch sử và hư cấu văn chương.

Lịch sử thực sự chỉ là “cái đinh để nhà văn treo lên đó bức tranh của mình”, như tiểu thuyết gia người Pháp Alexandre Dumas đã khẳng định, hay việc viết tiểu thuyết là để bù đắp vào những chỗ còn bị phủ mờ, khuất lấp, khuyết thiếu của lịch sử? Khác với thế hệ “tiền bối” thường viết truyện sử “đậm chất sử” với nhiều dữ kiện thì với các tác giả ngày nay, lịch sử chỉ là cái cớ để sáng tác. “Mượn” tên nhân vật, “mượn” vài chi tiết, hành động trong lịch sử và khoác lên đó tấm áo văn chương.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, tuy nhân vật lịch sử không phải là tượng đài, nhưng khi tác giả muốn “gán” một điều gì cho nhân vật thì phải thật cẩn trọng. Thực tế, hầu hết các cuốn truyện sử của các tác giả trẻ đều cho thấy sự nghiên cứu chính sử một cách tỉ mỉ, dày công, thông tin khá chi tiết về các nguồn tư liệu tham khảo.

sach-2.jpg
Truyện lịch sử của một tác giả trẻ. Ảnh: Hạ Yến

Không kể đến những trang viết chất lượng thấp, ngôn từ vụng về, lắp ghép chi tiết lịch sử ngô nghê, sai sự thật, thậm chí xuyên tạc lịch sử, thì rõ ràng, lối viết mềm mại để xuyên qua màn sương và bước vào câu chuyện hư hư thực thực mà nhiều tác giả trẻ đang thực hiện đã mở ra một cánh cửa truyện lịch sử với nhiều gam màu tươi sáng. Các tác giả trẻ dường như được truyền cảm hứng viết dã sử, ngày càng mạnh dạn dấn thân với đề tài lịch sử và đưa các nhân vật lịch sử bước ra khỏi bức màn quá khứ; độc giả ngày càng cởi mở hơn, bớt “ném đá” khi đứng trước những mô típ truyện lạ như kỳ ngộ, xuyên không, giấc mộng...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, lịch sử cũng chỉ có tính tương đối, và vì thế cả người sáng tác, nhà nghiên cứu và độc giả Việt Nam đều cần giải phóng chính mình khi đọc truyện về đề tài lịch sử.

Có thể nói, nhiều cây viết về đề tài lịch sử trong vài năm qua còn được tạo động lực bởi một cộng đồng bạn đọc trẻ yêu thích truyện sử. Theo nhà văn Đức Anh, các tác phẩm khai thác bối cảnh lịch sử hiện khá được ưa chuộng trên thị trường, trong đó có nhiều cuốn thuộc hàng “best-seller”. Như tập truyện ngắn “Trăng tan đáy nước” của Hoàng Yến mới ra mắt đã "cháy hàng" và tái bản chỉ sau một tháng. Để có được thành công như thế, đội ngũ truyền thông của đơn vị xuất bản, phát hành, và đặc biệt là bản thân tác giả đã có những nỗ lực lớn trong việc xây dựng cộng đồng bạn đọc của mình. Đăng trước một số chương nội dung lên mạng xã hội, lập các trang fanpage, dựng video ngắn, thường xuyên tương tác, nhận góp ý của độc giả, thậm chí tranh luận cùng độc giả là cách mà các tác giả trẻ đã thực hiện. Bởi vậy, ngay từ khi còn chưa xuất bản, tác phẩm của họ đã có lượng độc giả nhất định. Như trường hợp tác giả Thành Châu, tiểu thuyết “Hỏa Dực” hay “Tây Sơn phụng thần ký” của anh ngay khi chào đời đã được độc giả đón nhận rất nhiều bởi trước đó anh đã lập fanpage Sử Văn Các, hiện có tới 58 nghìn lượt người theo dõi.

sach-3.jpg

Một lý do để "say" lịch sử Việt Nam

Chưa bàn đến sự hay - dở của các tác phẩm truyện sử mới xuất hiện gần đây, bởi đôi khi điều đó còn phụ thuộc vào “khẩu vị” của độc giả. Qua thời gian, mỗi tác phẩm sẽ tự chứng minh được sức sống bền lâu hay “sớm nở chóng tàn”. Điều quan trọng là trào lưu viết truyện sử cho thấy sự trở lại tất yếu của việc tìm kiếm những gì thuộc về cái - của - mình của giới trẻ, ở cả người đọc và người viết. Lịch sử Việt Nam còn nhiều khoảng trống, nhiều bí ẩn để văn chương có thể len vào đó mà bắc chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, để những nhân vật, những chi tiết, những sự kiện không ngủ yên trong sách sử mà một lần nữa được “sống lại”. Và bạn đọc yêu văn chương, qua đó, thêm một lần được tìm hiểu về lịch sử nước nhà.

Văn học sử không phải là sử, mà chỉ mang đến một cách tiếp cận khác với lịch sử. Bản thân các nhà văn cũng chỉ viết những chuyện có thể xảy ra trong lịch sử mà thôi. Qua lớp bụi thời gian phủ lên năm tháng, vô số kiếp người đã bị quên lãng và chính văn chương đang góp phần giúp cho lịch sử không bị mai một, lãng quên bằng những câu chuyện có thể lay động trái tim con người.

Như tác giả Hoàng Yến đã chia sẻ: “Tôi không có tham vọng chạm tay vào sự thật lịch sử. Điều tôi muốn là cho bạn một lý do để bắt đầu say với lịch sử Việt Nam”. Mong rằng, ngày càng có nhiều tác giả, tác phẩm đưa độc giả trẻ đến với đam mê lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mượn văn chương kể chuyện lịch sử: Xu hướng của nhiều cây viết trẻ Thêm "cầu nối" giữa quá khứ với hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.