Văn hóa

Thăm “ngôi đền văn chương” Việt Nam

Mỹ An 18/08/2024 - 13:06

Hà Nội có hơn 20 bảo tàng công lập trong đó có nhiều bảo tàng chuyên ngành như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam... Trong số đó, không thể không nhắc tới Bảo tàng Văn học Việt Nam, nơi được coi là “ngôi đền văn chương” của nước nhà.

638590132994556619-z5721680838549_86d8e4d0cdf645d584895e753de7dca7.jpg
Du khách tham quan bảo tàng nghe các nhà thơ kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Một địa chỉ văn hóa độc đáo

Bảo tàng Văn học Việt Nam tọa lạc tại địa chỉ 275 Âu Cơ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đây là nơi nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật của các danh nhân, các tác phẩm văn học tiêu biểu của nước nhà tới công chúng. Với di sản quý là 3.454 tài liệu, hiện vật tiêu biểu chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, Bảo tàng Văn học Việt Nam giúp công chúng hiểu hơn về giá trị của các tác phẩm và cuộc đời, sự nghiệp của các tác giả bên cạnh những giai đoạn phát triển của đất nước.

Bảo tàng gồm 2 phần trưng bày lớn: Trưng bày ngoài trời và trưng bày trong nhà. Trưng bày ngoài trời giới thiệu về văn học dân gian Việt Nam với các truyền thuyết, cổ tích, sử thi... được tái hiện qua các bức phù điêu bằng gốm trang trí xung quanh bảo tàng và 20 pho tượng danh nhân văn học.

Phần trưng bày trong nhà được chia làm 3 tầng. Tầng 1 mang chủ đề: “10 thế kỷ văn học cổ - trung đại Việt Nam” với các phần trưng bày về văn học thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng các danh nhân văn hóa. Nhiều hiện vật quý của các danh nhân thời kỳ này được giới thiệu như chiếc bàn gỗ có niên đại hơn 200 năm Nguyễn Du thường ngồi viết; bộ ván khắc của dòng họ Nguyễn Huy; bộ từ điển Quốc ngữ thời kỳ đầu; các bản Kiều cổ năm 1906, 1916... Ngoài ra, ở đây còn có các trưng bày: “Chữ viết Việt Nam” và “Học hành, thi cử và khoa bảng trong thời kỳ phong kiến”, tái hiện không gian một lớp học bình dân, cảnh lều chõng, vinh quy bái tổ, giúp người xem cảm nhận được không khí đèn sách, khoa cử náo nhiệt thời xưa.

Tầng 2 trưng bày hàng ngàn hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Tản Đà... Tiêu biểu phải kể đến phần trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ bàn ghế gỗ gụ Người từng tiếp vua Bảo Đại năm 1946; chiếc ba toong của nhà văn Nguyễn Tuân khắc năm và địa danh nơi ông từng đến; hay góc nhỏ về câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ...

Tầng 3 là nơi giới thiệu các nhà văn, nhà thơ đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cùng các nội dung như “Những thành tựu văn học ở miền Bắc trong thời kỳ Xã hội chủ nghĩa”, “Văn học trong kháng chiến chống Mỹ”, “Sự ra đời và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam qua các kỳ Đại hội”...

Những kỷ vật, câu chuyện về các danh nhân, nhà văn, nhà thơ là điểm khác biệt tạo nên sức hấp dẫn cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Đổi mới hoạt động bảo tàng

Sau 13 năm xây dựng và phát triển (2011 - 2024), Bảo tàng Văn học Việt Nam dần trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng yêu văn học trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Được thành lập từ năm 2011, trải qua quá trình nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, trưng bày hiện vật... đến năm 2015, Bảo tàng Văn học Việt Nam chính thức mở cửa đón công chúng. Tuy nhiên, lượng khách đến tham quan chủ yếu là các nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ và những người yêu thích văn học Việt Nam. Đến tháng 12-2022, sau đại dịch Covid-19, trong xu hướng nỗ lực đổi mới hoạt động để thu hút khách tham quan giống như các điểm đến khác trên địa bàn thành phố, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã mạnh dạn xây dựng chương trình tour đêm “Chữ Tâm, chữ Tài”.

Tour diễn này kéo dài 90 phút, bao gồm các trải nghiệm như tìm hiểu về các tác giả và văn học Việt Nam qua các thời kỳ, biểu diễn trích đoạn hoạt cảnh “Chí Phèo” dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, nghe các nhà thơ kể chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và câu chuyện tình cảm động của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tham gia trò chơi giải đố ô chữ... Nhờ sự thay đổi này, từ tháng 12-2022 đến nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã đón tiếp gần 19 nghìn lượt khách với 78 đoàn; riêng năm 2023 đón 11.466 lượt khách với 50 đoàn, trong đó có 1.700 khách tham gia tour “Chữ Tâm, chữ Tài”. 6 tháng đầu năm 2024, bảo tàng đã đón 1.597 lượt khách, trong đó có 11 đoàn với 441 khách tham gia tour đêm.

Từ góc độ của một doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch quốc tế Btour Mai Xuân Thảo cho rằng: “Đây là một tour đêm đặc sắc, bổ ích không chỉ riêng đối với du khách Việt Nam mà còn cả du khách nước ngoài. Tới đây, công ty tôi sẽ đưa chương trình này vào gói sản phẩm kết hợp với các điểm đến khác để du khách có thể khám phá những điểm thú vị khi đến Hà Nội”.

Chia sẻ về việc làm mới hoạt động của bảo tàng, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết: “Hệ thống tư liệu, hiện vật về các nhà văn, nhà thơ và các tác phẩm văn học là những di sản vô giá cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là chất liệu để xây dựng tour “Chữ Tâm, chữ Tài” trở thành sản phẩm khác biệt của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Thông qua đó mang đến cho công chúng yêu văn học những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời thu hút khách du lịch nội thành và các địa phương đến với bảo tàng và góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch đêm của thành phố Hà Nội”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăm “ngôi đền văn chương” Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.