(HNM) - Nhà văn trẻ Chu Thị Minh Huệ (sinh năm 1981, hiện công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Giang) là một trong số ít tác giả trẻ giành giải thưởng tại cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2011-2013).
Vui, nhưng là cũng có ý nhận định!
Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Chu Thị Minh Huệ nhân dịp chị chuẩn bị ra mắt tập truyện ngắn đầu tay "Bông dẻ đẫm sương".
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ. |
- “Hồng Trần” vừa đoạt giải cũng như một số truyện ngắn trong tập truyện sắp xuất bản của chị luôn có sự trở đi trở lại nỗi day dứt về thân phận đàn bà, nhất là đàn bà miền núi. Thậm chí hình ảnh “hòn đá kê chân cột” cũng lặp lại trong nhiều tác phẩm?
- Đúng là hầu hết các truyện của tôi đều xoay quanh chủ đề thân phận đàn bà, đặc biệt là đàn bà khổ, khổ vì đủ đường: Vì tiền khổ, vì quyền khổ, vì chồng khổ, vì con khổ, vì không con càng khổ… Đàn bà miền núi càng khổ, vì đời sống vật chất và tinh thần còn hạn chế, lại nhiều hủ tục lạc hậu. Tôi là đàn bà nên dễ đồng cảm với họ qua từng trang viết. Qua thân phận đàn bà miền núi, tôi cũng mong muốn chuyển tải tới bạn đọc nhiều vấn đề thời cuộc, bối cảnh lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của vùng cao. Bằng cách nhìn “đàn bà”, đôi khi tôi thấy vấn đề gần gũi, giản đơn hoặc nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhiều số phận đàn bà trong truyện của tôi bi đát quá khiến tác phẩm mang không khí buồn. Một trong những chi tiết làm nên số phận buồn của nhân vật là “hòn đá kê chân cột nhà”. Đây là một hình ảnh khá phổ biến trong quan niệm của người Mông. Có bạn thắc mắc với tôi, hòn đá kê chân cột thì chắc chắn và tốt chứ sao lại ví với thân phận đàn bà? Nhưng phải đặt nó trong bối cảnh văn hóa dân tộc Mông thì mới lý giải được. Đàn bà được ví là hòn đá kê chân cột nhà tức là đàn bà không đẻ được con và sẽ không có giá trị gì với cuộc sống gia đình nhà chồng cả…
|
- Hà Giang một lần nữa đã thể hiện là “miền đất hiện thực đầy cảm hứng” cho các cây bút nữ ở đây. Gia đình, quê hương Hà Giang, phong tục, đời sống của đồng bào dân tộc ở đây đã bước vào trang viết của chị như thế nào? Liệu có một “nguyên mẫu” nào của đời sống ảnh hưởng nhất đến nhân vật trong các truyện ngắn của chị?
- Hà Giang là một miền đất đẹp, ai cũng công nhận. Tôi chuyển tải miền đất của mình vào truyện ngắn chưa xứng với vẻ đẹp thực tiễn của thiên nhiên và con người quê hương tôi. Về điểm này chị Đỗ Bích Thúy làm tốt hơn tôi. Là người viết, tôi muốn hiện thực đời sống bước vào trang viết một cách tự nhiên nhất. Và truyện cần tự thân bộc lộ chứ không phải tác giả muốn nói gì cứ nói, theo cách của người đứng ngoài nhìn vào.
Mỗi truyện tôi cóp nhặt một vài điểm của một vài người, ở một vài điểm trên quê hương tôi. Một nguyên mẫu cụ thể thì chưa có, nhưng người cung cấp những nhân vật, sự kiện cho tôi thì có nhiều, đặc biệt là người bà - vợ hai của ông ngoại tôi. Bà là một người Mông và tôi lớn lên cùng gia đình mình bên cạnh bà. Nhiều nhân vật khác là do tôi gặp khi đi thực tế. Những điều thấy được tôi cũng chưa chuyển tải hết vào tác phẩm.
- Văn học đề tài miền núi là một mảng sống động và đẹp của văn học nước nhà nói chung. Theo chị, các nhà văn trẻ sống ở miền núi hiện nay có nặng lòng với những buồn vui gần gũi quanh mình không? Có cây bút văn xuôi về đề tài miền núi nào mà chị hâm mộ?
- Đúng là văn học đề tài miền núi là một mảng sống động và đẹp của văn học nước nhà nói chung. Vì thế mà các nhà văn trẻ sống ở miền núi rất đắm đuối và nặng lòng với quê hương của mình, nặng lòng với hiện thực của miền núi và đồng bào các dân tộc ít người. Đơn cử như tôi, nếu không có miền núi và đồng bào các dân tộc thì tôi không thể viết được. Những cây bút văn xuôi về đề tài miền núi mà tôi hâm mộ là Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân... Các anh chị ấy tài hơn tôi về cách cảm, cách nghĩ và khả năng chuyển tải thành tác phẩm.
- Được biết chị sắp cho ra mắt bạn đọc một tập truyện ngắn. Xin chị chia sẻ đôi điều về tác phẩm?
- Tập truyện ngắn đầu tay của tôi mang tên “Bông dẻ đẫm sương” được NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Tôi tập hợp khoảng 10 truyện ưng ý nhất tính đến thời điểm hiện nay để ra mắt bạn đọc với hy vọng không làm hổ danh giải Ba của cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ vừa qua.
- Tác phẩm ra đời ở thời điểm này vì lẽ việc sáng tác đã đến độ chín cần công bố, hay vì lúc này cái tên Chu Thị Minh Huệ cũng đã ít nhiều được chú ý trên văn đàn?
- Tác phẩm ra đời thời điểm này vì nhiều lẽ: Thứ nhất là tôi viết chậm nên viết ít và tự khắt khe với chính mình; thứ hai là vì có một nhà xuất bản mà tôi ưng ý mời cộng tác. Tôi tin vào chất lượng được bảo đảm bởi NXB Quân đội nhân dân.
- Xin cảm ơn Chu Thị Minh Huệ, chúc chị nhiều thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.