(HNMCT) - Tôi không ngạc nhiên lắm khi năm 2019 nghe tin nhà văn Trần Thị Trường có triển lãm tranh riêng tại Hà Nội, bởi tôi biết chị đã học vẽ khá kỹ lưỡng. Hơn nữa, đã có những nhà văn, nhà thơ dấn thân vào lĩnh vực hội họa đầy gian nan này và gặt hái thành công nhất định, như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Thiều, Bàng Ái Thơ..., thì việc có thêm một Trần Thị Trường nhà văn xông pha mảng hội họa cũng không còn gì lạ nữa.
1. Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại “miền gái đẹp” Tuyên Quang. Trong làng văn, chị được liệt vào dạng top người đẹp cầm bút. Nữ sĩ được độc giả biết đến từ những năm 1990 nhờ những trang viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật nữ, những góc buồn khổ, khó nói, nhưng văn của chị tế nhị, gợi cảm mà thâm trầm, nhiều ẩn ý. Tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" của Trần Thị Trường do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1990, lập tức đã làm nên tên tuổi của chị. Tuy 40 tuổi mới bắt đầu nghiệp viết, nhưng ngay khi xuất hiện, chị khẳng định một phong cách giàu màu “nam tính” trên văn đàn. Chị chọn cho mình quan điểm sáng tác riêng, hướng về phía người yếu thế. Đọc văn của Trần Thị Trường, ngay cả trong những câu chuyện ngột ngạt, vẫn thấy đó đây nụ cười cảm thông.
Ngay cả khi chị viết về “Tắc đường”, một vấn nạn giao thông đô thị, thì con người trong cuộc sống bế tắc, bấn loạn đó, vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng cảm thông. Chị nói về tác phẩm của mình: “Tắc đường có chứa đựng sự hài hước, sâu cay của một người vì yêu mà đanh đá”. Truyện ngắn của Trần Thị Trường tuy đứng bên những người mất mát, tổn thương nhưng không chung thủy với lối kết thúc “tối đen như mực” hay “ngày mai sẽ khác” (tên một truyện ngắn của chị), mà chị chọn lối kết như... bản tin thời tiết, lúc nắng, lúc mưa, khó đoán biết. Lối kết này thể hiện triết lý về tính hai mặt của cuộc sống, luôn xoay vần cuộc đời con người trong vòng xoáy bất tận của nó. Và, chính vì thế mà luôn bất ngờ, luôn hấp dẫn.
2. Năm 2019, Trần Thị Trường có triển lãm tranh đầu tiên. Nhưng, phải đến triển lãm tranh thứ hai của chị, chung với một họa sĩ khác là Lê Thiếu Ngân, diễn ra vào tháng 3 vừa qua thì tôi mới có cơ hội tham dự. Lúc ấy là cuối chiều, tôi cùng nhà thơ Thụy Anh đến phòng tranh trên phố Ngô Quyền. Chị hồ hởi kể: “Hôm khai mạc triển lãm (19-3-2022), người tham dự đông đúc, không còn chỗ chen chân, và chị đã bán được 20 bức tranh ngay trong hôm đó". Cho đến ngày 24-3, Trần Thị Trường đã bán được 30 bức tranh trong tổng số 40 bức trưng bày trong triển lãm này. Tôi ngắm nhìn những bức tranh vẫn treo trên tường nhà triển lãm, nhưng đã được đánh dấu son, cho biết tranh đã có chủ, mà vui cùng chị. Tỷ lệ bán tranh như vậy là khá cao trong một triển lãm chung thế này.
Khi tranh của mình được đông đảo người xem yêu thích và mua rất nhanh, hẳn tác giả phải mừng lắm? Nhưng nữ sĩ Trần Thị Trường lắc đầu bảo, vui thì có vui, nhưng cũng buồn. Hồi đầu, khi người ta mua tranh rồi mang đi mất, chị đã bật khóc vì tiếc nhớ. Quả vậy, vẽ được một bức tranh đẹp, rồi thương yêu bức tranh như người bạn thân của mình, thuộc về mình như máu thịt, vậy mà bỗng dưng lại phải chia xa, không khóc sao được!
Trần Thị Trường vẽ tranh theo phong cách hội họa hiện thực. Do đó, tranh của chị dễ cảm, dễ thấu và dễ được yêu. Hai năm qua, sáng tác gần trăm tác phẩm, tranh của chị đã được đông đảo người chơi tranh và bạn hữu sưu tầm. Chị vẽ chân dung các nhà ngoại giao và các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà văn hóa mà chị trân quý, ngưỡng mộ. Trong lần triển lãm riêng vào năm 2019, chị vẽ chân dung nhiều nhà ngoại giao, trong đó có bà Kamala Harris nay là Phó Tổng thống Mỹ. Bức tranh này đã được mua ngay và hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Hà Nội. Chị cũng vẽ đồng nghiệp báo chí, văn chương và người thân, bạn bè. Các bức tranh chân dung chị vẽ nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc trưởng Lê Phi Phi, ca sĩ Ngọc Tân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Đoàn Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn... đều chinh phục "ngay tắp lự" đông đảo công chúng và chính nhân vật được vẽ. Ngoài mảng chân dung, chị tập trung vào tranh tĩnh vật, phong cảnh, hoa. Nếu như tranh chân dung của chị lột tả vẻ đẹp độc đáo riêng, thần thái của nhân vật thì tranh tĩnh vật giàu nữ tính, truyền cảm, dồi dào năng lượng tích cực. Đặc biệt, những bức vẽ bếp lửa, đèn dầu... được bán rất nhanh.
Trần Thị Trường chia sẻ, chị vẽ tranh rất nhanh, mỗi tuần vẽ một bức, không cần chờ cảm hứng đến rồi mới vẽ. Sống tràn đầy, sôi nổi từng phút giây, từng bôn ba đây đó, làm ăn ở cả trong nước và nước ngoài, trải nghiệm sống giàu có, chị chỉ cần vung bút là có tranh. Không chỉ vẽ, chị còn viết và tham gia biết bao việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Tay năm tay mười, bận không kịp thở. Nhưng cũng nhờ dồi dào năng lượng thế, cộng thêm tài năng và ý thức học hỏi, rèn giũa mình không ngừng nghỉ nên chị có nhiều tác phẩm cả văn học và mỹ thuật cống hiến cho đời.
Nói về tranh Trần Thị Trường, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Trần Thị Trường thật giỏi khi tả cái “chất” của ánh sáng trong ánh sáng. Nó rất rõ ràng đấy mà sao ta cứ thấy như mờ mờ đâu đó. Tôi đảo qua, đảo lại xem hết lượt, xem từng cái. Tôi ca ngợi các nét vẽ êm dịu và khe khẽ, nhẹ nhàng, không có dấu vết, kể cả cái bóng của hình cũng lẹ làng lẩn khuất đi đâu. Xem cả phòng tranh tôi không thấy tác giả lúc nào vội vã, hớt hải, thậm chí không có chút trạng thái bối rối ngập ngừng như của một số cây cọ là nhà thơ vẽ tranh. Trần Thị Trường tự tin vẽ với một tình cảm sâu và chín. Xem tranh của Trần Thị Trường vừa cho ta tâm trạng yên ả, lắng đọng như nghe một bản nhạc nhẹ với những giai điệu dịu dàng, thư thả”.
3. Dù đã trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng trong câu chuyện với chúng tôi ngay tại phòng triển lãm tranh của chị, Trần Thị Trường chỉ mê mải nói về thơ, về văn. Chị có thể đọc vanh vách những bài thơ của bạn đồng nghiệp, tán thưởng và phân tích thấu đáo từng câu thơ giàu tính triết lý của Đồng Đức Bốn, Đoàn Lam Luyến...
Có thể nhận ra một cuộc sống có những mảng màu rất khác nhau của chị, nhưng đã được chị khéo léo hòa thành một bức tranh đẹp, hấp dẫn. Cuộc đời của Trần Thị Trường cũng chính là một bức tranh cuốn hút, mà bất cứ màu sắc nào trên toan cũng đều đậm sắc, đều khiến ta tò mò. Vẻ đẹp bức tranh cuộc đời chị có được chính bởi niềm đam mê cộng thêm tài năng trời phú. Khi đã đam mê “món” gì, chị sẽ thực hiện cho bằng được. Và thật may mắn khi công chúng yêu nghệ thuật không chỉ được thưởng thức những tác phẩm văn chương của cây bút tài hoa Trần Thị Trường, mà còn được thưởng lãm những bức tranh đẹp nhuần nhị, lãng mạn mà thật ma mị trong đường nét, trong cách phối màu của họa sĩ Trần Thị Trường. Người phụ nữ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn chưa khiến công chúng hết ngạc nhiên vì tài năng và năng lượng phi thường trong cống hiến nghệ thuật.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Trần Thị Trường đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc biết đến như "Lời cuối cho em" (tiểu thuyết, 1990), "Kẻ mắc chứng điên" (tiểu thuyết, 1991), "Bâng khuâng" (tập truyện ngắn, 1993), "Tình câm" (1996), "Truyện ngắn Trần Thị Trường" (tập truyện ngắn, 1999), "Thời gian ngoảnh mặt" (tập truyện ngắn, 2003), "Tình như chút nắng" (tập truyện ngắn, 2006)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.