Văn hóa

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-2023): Danh nhân xứ Nghệ

Nguyễn Văn Thạc 17/08/2023 - 14:06

Ba lần được vua Quang Trung viết thư cầu hiền tài song đều từ chối, phải đến lần thứ tư ông mới đổi ý. Ông là Nguyễn Thiếp, nổi tiếng học rộng, tài cao ở xứ Nghệ, người được vua Quang Trung tặng mỹ hiệu “La Sơn Phu Tử”.

dentho.jpg
Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tại làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nguyễn Thiếp sinh ngày 24-9-1723 tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), trong một dòng họ khoa bảng nối tiếng. Gia phả họ Nguyễn xã Nguyệt Ao chép, thủy tổ dòng họ là một võ tướng có công lớn trong việc đánh bại quân Chiêm Thành đời vua Lê Thánh Tông (1472), lại có công trong việc bắt con voi trắng thường phá hoại mùa màng và sát hại dân ở vùng núi Trà Sơn. Ông là Quận công Nguyễn Lưu, nguyên gốc là người làng Tiền, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhà vua giao, ông tổ chức lễ mừng công tại làng Nguyễn Xá cùng xã Nguyệt Ao, rồi kết hôn cùng người con gái họ Võ trong làng và dựng nhà ở phía Bắc làng này.

Dòng họ Nguyễn Nguyệt Ao tồn tại ở đó đến nay đã gần 600 năm với 22 thế hệ. Đến các đời sau, dòng họ này xuất hiện những nhân vật khoa bảng khác như Hoàng giáp Nguyễn Bật Lượng (khoa thi năm 1577) làm quan đến Thái thường Tự Khanh; Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Hành (chú ruột Nguyễn Thiếp; khoa thi năm 1733) làm quan đến Thái Nguyên tỉnh Hiến sát sứ...

Sinh ra trong gia đình truyền thống khoa bảng lại được sự dạy dỗ của thầy Nguyễn Nghiễm và sự kèm cặp của chú Nguyễn Hành, từ bé Nguyễn Thiếp đã nổi tiếng học rộng, biết nhiều. Năm 1743, ông đậu Hương Cống (cử nhân) khi mới 20 tuổi. Ông đi thi Hội ở Thăng Long nhưng chỉ đậu tứ trường. Năm 1756, ông được bổ làm Huấn đại Anh Đô (Nghệ An); năm 1762 được bổ làm Tri huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tuy ra làm quan nhưng Nguyễn Thiếp vẫn nuôi chí ẩn dật và sở thích dạy học, do vậy khi làm Tri huyện Thanh Chương ông đã dựng nhà trên núi Bùi Phong để chuẩn bị về ở ẩn và dạy học. Đương buổi nhà Lê suy hèn, nhà Trịnh chuyên chế, dân tình ly tán, năm Mậu Tý (1768) ở tuổi 45, ông làm đơn xin thôi quan rồi đưa cả gia đình lên núi Bùi Phong ở ẩn, chuyên khảo cứu sách thánh hiền và dạy học.

Nguyễn Huệ - vua Quang Trung là người coi trọng việc thu phục hiền tài. Những nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích... đều phục vụ triều Tây Sơn.

Theo gia phả họ Nguyễn Huy - Trường Lưu thì Nguyễn Huệ sai quan đại thần thân cận là Trần Văn Kỷ đến yết kiến Thái tử Thái bảo Nguyễn Nghiễm (cha của Đại thi hào Nguyễn Du) để hỏi về nhân tài xứ Nghệ, Nguyễn Nghiễm trả lời: "Đạo học sâu xa thì Lạp Phong cư sĩ (tức Nguyễn Thiếp); văn chương phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, thiếu niên đa tài thì có Nguyễn Huy Tự".

Nguyễn Huệ sau đó đã 3 lần viết thư mời Nguyễn Thiếp cộng tác. Lần thứ nhất vào ngày 18-12 năm Thái Đức thứ 9 (1786), Nguyễn Huệ sai một viên quan bộ Binh và một viên quan bộ Hộ mang thư mời và quà tặng đến nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn. Nguyễn Thiếp viện lẽ viết thư từ chối và trả lại lễ vật. Lần thứ hai là ngày 10-8 năm Thái Đức thứ 10 (1787), Nguyễn Huệ sai Lưu thủ Danh phong hầu Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Giác lý hầu Lê Tai mang thư đến, lời lẽ trong thư thống thiết: "Nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ cực như thế này mà Phu Tử nhất định ở ẩn không ra thì sinh dân và thiên hạ làm sao... Ví như Chu Văn Vương chờ đón Thái Công, như Lưu Bị đón Khổng Minh vậy...". Nguyễn Thiếp vẫn viết thư khước từ với lý do già yếu, bệnh tật. Trong thâm tâm Nguyễn Thiếp vẫn xem nhà Lê là chính triều còn nhà Trịnh, nhà Tây Sơn đều là ngụy triều muốn chiếm đoạt ngôi báu nhà Lê.

Ngày 13-9 năm Thái Đức thứ 10 (1787), Nguyễn Huệ lại sai quan Hình bộ Thượng thư Thuyên quan hầu Hồ Quang Thuyên mang thư đến. Bức thư có lời lẽ chân thành thống thiết, lý luận chặt chẽ, lập ngôn khéo léo. Nguyễn Huệ viện 3 lẽ khiến Phu Tử từ chối, đó là: "Anh em quả đức chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng nổi lên ở phương Tây, may mà đánh được kẻ yếu, dứt được kẻ hèn, gây dựng nên bá nghiệp, chưa ắt đã là bậc chân nhân... Từ lúc dấy binh đến nay, thân trải trăm trận, sùng chuộng võ uy, chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội... Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón... Nay trông lên thành Lục niên có người tài đang ở đó. Ấy là trời đang để dành Phu Tử cho Quả đức vậy...".

Chưa kịp nhận thư trả lời của Nguyễn Thiếp thì tháng 4 năm Mậu Thân (1788) trên đường từ Phú Xuân ra Thăng Long diệt trừ Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ lại sai Cẩn tín hầu Nguyễn Quang Đạt mang thư mời Nguyễn Thiếp ra đại doanh đóng ở núi Nghĩa Liệt (gần thành phố Vinh bây giờ) để được gặp mặt. Thư viết: "Mời Phu Tử tới, ngõ hầu được nghe lời Phu Tử dạy bảo... Thế là may cho Quả đức và cho thiên hạ lắm...".

Trong lần gặp mặt đầu tiên này, sau khi vấn an tình hình sức khỏe, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ trách Nguyễn Thiếp đã 3 lần mời mà không chịu ra. Nguyễn Thiếp thẳng thắn trả lời: "Hơn 200 năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo, Vương mới đưa quân ra một lần mà đã dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính, thì anh hùng ai chẳng theo, nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng thì hóa ra một kẻ gian hùng...". Nguyễn Huệ đứng dậy đáp rằng: "Người ta đồn tiên sinh là kẻ sĩ của thiên hạ, tiếng ấy không ngoa". Cũng trong cuộc gặp này, Nguyễn Huệ có nhờ Nguyễn Thiếp xem đất để lập đô ở núi Dũng Quyết, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô (gần thành phố Vinh).

Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Thanh xâm lược nước ta. Ngày 25-11, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi kéo quân ra đánh giặc Thanh. Ngày 29-11, quân Tây Sơn đã đến Nghệ An. Vua Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp đến và hỏi: "Quân Thanh lại đây, ta muốn đem quân ra đánh. Mẹo đánh và giữ, cơ được hay thua, tiên sinh nghĩ xem ra làm sao?". Nguyễn Thiếp trả lời: "Quân Thanh từ xa tới đây, không biết tình hình quân ta hèn - mạnh thế nào, thế nên chiến - thủ ra sao mà nó lại có bụng khinh địch. Chúa công ra đó, không quá 10 ngày sẽ bình được, nếu trì hoãn một chút thì khó lòng được nó. Việc quân quý ở thần tốc...". Quang Trung mừng rỡ trả lời: "Ý tiên sinh rất hợp với ý ta".

Sau khi đánh tan quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung viết thư cho Nguyễn Thiếp: "Trẫm 3 lần xa giá Bắc thành, tiên sinh chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời tiên sinh hẳn có thế thật".

Tháng 3 năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung về đến Nghệ An liền cho mời Nguyễn Thiếp đến gặp và khen ngợi những ý kiến của Nguyễn Thiếp. Cũng trong thời gian này, nhà vua cho lập Sùng Chính viện với mục đích dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm, trông coi việc học hành thi cử và lựa chọn nhân tài cho đất nước. Vua Quang Trung giao cho Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng.

Ngày 10-7 năm Quang Trung thứ 4 (1791), nhà vua lại viết chiếu mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để bàn quốc sự. Tại đây, ông đã dâng bài tấu bàn về quân đức, nhân tâm và học pháp. Vua Quang Trung rất tâm đắc với những ý kiến ông đã nêu ra... Nhưng, tiếc thay, đêm 29-7 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà.

Sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn gặp nhiều khó khăn còn lực lượng chúa Nguyễn phát triển mạnh, đã áp sát Phú Xuân. Trước tình hình đó, vua Quang Toản mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân tìm kế chống đỡ. Ông khuyên nhà vua: "Xin sớm dời đô ra Thăng Long, cố kết nhân tâm, dự bị thi hành phép tắc...".

Chưa kịp bàn bạc được nhiều thì ngày 3-5 năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Ánh đánh vào Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, còn Nguyễn Thiếp mắc kẹt lại ở kinh thành. Sách "Lê mạt tiết nghĩa lục" chép rằng: "... mọi người sợ hãi nhưng tiên sinh vẫn ngồi đứng như thường, cư xử thản nhiên". Lính vệ sĩ về tâu với Nguyễn Ánh có một người như thế, Nguyễn Ánh vốn biết tiếng ông nên bảo người hầu cận rằng: "Chắc đó là ông Lục niên", rồi triệu Nguyễn Thiếp vào, tiếp đãi rất có lễ và mời ông cùng hợp tác xây dựng triều Nguyễn. Tuy nhiên Nguyễn Thiếp lấy cớ tuổi cao, sức yếu để từ chối. Sau đó ông trở về sống ẩn dật trên núi Bùi Phong đọc sách thánh hiền và dạy học dù sức khỏe ngày một yếu.

Nguyễn Thiếp mất ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (dương lịch là ngày 6-2-1804), hưởng thọ 82 tuổi. Mộ ông táng tại xã Nam Hoa, huyện Nam Đàm, tỉnh Nghệ An, năm 1994 được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đền thờ Nguyễn Thiếp xây tại quê nhà (làng Mật Thiết, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994, năm 2016 được trùng tu và dựng bức tượng đồng Nguyễn Thiếp nặng 200kg.

Hiện đã có nhiều đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai... mang tên Nguyễn Thiếp. Riêng ở đại nội Huế có đường La Sơn Phu Tử... Gần đây, huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lập hồ sơ báo cáo các cấp có thẩm quyền trình lên UNESCO đề nghị công nhận La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là Danh nhân văn hóa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-2023): Danh nhân xứ Nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.