(HNMO)- “Nghi án” NXB Giáo dục in sai thơ của Trần Đăng Khoa trong câu “Trăng bay như quả bóng/Đứa nào đá lên trời” đã sáng rõ khi chính tác giả của bài thơ lên tiếng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Gần đây, trong trang 5, cuốn “Vở bài tập tiếng Việt nâng cao”- tập một - in năm 2012 của NXB Giáo dục có in bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Câu cuối của bài thơ: “Trăng bay như quả bóng/Đứa nào đá lên trời” khiến nhiều học sinh và phụ huynh thắc mắc, cho rằng NXB đã in sai bởi trong các bản in khác và trong trí nhớ của nhiều người về bài thơ đã trở nên quen thuộc này phải là “Trăng bay như quả bóng/Bạn nào đá lên trời”.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn ngắn dành cho HNMO về tính đúng-sai của câu thơ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khẳng định NXB Giáo dục đã khôi phục đúng câu thơ nguyên gốc: “Trước đây nguyên bản đầu tiên của bài thơ là “Trăng bay như quả bóng/ Đứa nào đá lên trời”. Khi bài thơ được đăng báo, qua khâu biên tập đã bị chữa lại thành “Trăng bay như quả bóng/Bạn nào đá lên trời”. Sau đó, nhiều bản đã in lại như thế, cụm từ “bạn nào” được dùng suốt một thời gian dài.
“Tôi cho rằng chữ “đứa” hay hơn chữ “bạn” bởi nó sinh động, chuẩn mực và đúng với không khí của bài thơ hơn. “Đứa” là cách gọi thân mật, suồng sã của đám trẻ con khi chơi đùa chứ không có gì là xấu. Còn cách gọi khi bị sửa lại là “bạn nào” không hợp, bởi khá khô cứng. Phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể của bài thơ là một sân chơi bóng trẻ con thì mới thấy sự hợp lý chứ cách xưng hô không đến nỗi trang trọng như trong buổi sinh hoạt đội” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa phân tích thêm.
|
Chính bởi sự khác nnhau giữa hai văn bản này nên đã dẫn đến sự thắc mắc, nghi vấn của các học sinh và phụ huynh. Tác giả của bài thơ cũng đã nhiều lần có ý kiến lên các nhà xuất bản nhưng đến tận bây giờ, khi cuốn sách này được xuất bản năm 2012 thì mới được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
Được biết, đây cũng không phải là trường hợp duy nhất thơ của Trần Đăng Khoa bị “chữa” lại. Nhà thơ kể đã có nhiều ý thơ bị những người biên tập thay đổi câu chữ, ngôn từ mà phần lớn là làm cho ý thơ “dở” đi.
Ví dụ trong bài thơ “Thôn xóm vào mùa”, nguyên gốc ban đầu có hai câu “Sân kho máy tuốt lúa mở miệng cười ầm ầm/Thóc mặc áo vàng óng thở hý hóp trên sân”, bị chữa thành “Thóc mặc áo vàng óng nhảy nhót mãi trên sân”. Bài “Hạt gạo làng ta”, văn bản ban đầu là “Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay” bị sửa lại thành “Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay”.
Một bài thơ khác là “Khi mẹ vắng nhà”, nguyên gốc nhà thơ viết: “Không mẹ ơi, con chửa ngoan đâu/Áo mẹ mưa bạc màu/Đầu mẹ nắng cháy tóc/Mẹ ngày đêm khó nhọc/Con chưa ngoan chưa ngoan ”… Nhưng sau đó bị chữa thành: “Không mẹ ơi, con đã ngoan đâu/Áo mẹ mưa bạc màu/Đầu mẹ nắng cháy tóc?Vì giặc Mỹ mẹ còn khó nhọc/Con chưa ngoan chưa ngoan”. Bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân sau này phổ lại vẫn là “Vì giặc Mỹ mẹ còn khó nhọc”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.