(HNMO) - 17 năm kể từ khi UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt và đã qua tới 8 lần được gia hạn tiến độ, nhưng đến nay, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án chậm tiến độ đã khiến một số hạng mục xuống cấp, khu tái định cư ngập cục bộ do mưa…, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân trong và ngoài khu vực.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Xuân Canh được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 529/QĐ-UBND ngày 25-1-2006, do Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn (nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố) làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài và một số dự án khác; tạo quỹ đất đấu giá sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư các dự án theo chỉ đạo của thành phố…
Theo đó, dự án gồm các hạng mục như san nền, hoàn trả hệ thống kênh mương tưới, tiêu trong khu vực, đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cấp điện, sân, đường nội bộ, bãi đỗ xe… đấu nối với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Thời gian thực hiện năm 2006-2007, gia hạn lần thứ 8 đến quý I-2022. Thế nhưng, sau 17 năm triển khai, dự án vẫn dở dang.
Chiều 18-5, phóng viên Báo Hànộimới đã đến thực tế tại khu tái định cư Xuân Canh. Hạ tầng của khu như đèn chiếu sáng, hệ thống điện, cấp nước sạch, cây xanh… đã cơ bản hoàn chỉnh. Tuyến đường chính, hè đường và đường nội bộ rộng rãi. Nhiều hộ dân trong khu tái định cư đã xây nhà ở khang trang, sinh sống ổn định... Tuy nhiên, lác đác vẫn còn những diện tích chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khiến chủ đầu tư chưa thể hoàn thành khớp nối hệ thống thoát nước và một số hạng mục khác.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Thực hiện dự án 1 (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố) Tô Linh cho biết, toàn bộ dự án có 33 gói thầu, đến nay có 25 gói thầu hoàn thành, giá trị thực hiện đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Còn 8 gói thầu (gồm tư vấn, xây lắp, phá dỡ) vẫn dở dang. Nguyên nhân chính khiến dự án thi công kéo dài là do chưa giải phóng xong mặt bằng.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Phạm Văn Duân, thực hiện dự án, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi 155.600m2 đất tại các xã: Xuân Canh, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Đến nay, đơn vị đã phối hợp với huyện Đông Anh hoàn thành 343/343 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, di chuyển xong hơn 400 ngôi mộ. 58/75 hộ có đất ở bị thu hồi đã được UBND huyện Đông Anh phê duyệt phương án bồi thường; còn 4 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, 12 hộ không nhận tiền đền bù vì cho rằng phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư không thỏa đáng. Hiện còn 17 hộ có đất thổ cư và 4m2 đất cùng 12m tường rào trạm biến áp bưu điện chợ Dâu chưa được phê duyệt phương án đền bù.
Mặc dù các hạng mục hạ tầng đã đầu tư cơ bản và phù hợp với quy hoạch được duyệt nhưng việc dự án bị kéo dài đã và đang gây ra không ít khó khăn, vướng mắc như hệ thống hạ tầng xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời vì chưa được bàn giao; các ô đất đã giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng chưa được bàn giao cho các đơn vị để quản lý, triển khai dự án thành phần nên bị tái lấn chiếm, đổ phế thải xây dựng…
Được biết, để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án, ngày 18-4-2023, Văn phòng UBND thành phố có Văn bản số 4147/VP-ĐT gửi các sở, ngành, chủ đầu tư dự án và UBND huyện Đông Anh. Theo đó, UBND thành phố giao chủ đầu tư chủ động phối hợp với huyện Đông Anh giải quyết dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoàn thành trong quý III-2023; tiếp tục thực hiện các công việc còn lại của dự án, hoàn thành trong quý I-2024.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, đề nghị các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ để dự án sớm về đích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.