(HNM) - Nhiều ngành đã triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Và vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất là chính sách tiền tệ.
Việc điều chỉnh tỷ giá làm CPI tăng 1,1%, xăng làm tăng 0,54% còn giá điện làm tăng 0,71%, cộng lại các mặt hàng tăng giá làm CPI tăng hơn 2,2%. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tăng giá cũng có yếu tố giảm giá. Năm 2011, dự báo giá lương thực giảm giúp CPI sẽ giảm 2,5-3%, bù vào khoản tăng giá của điện, xăng dầu, tỷ giá. Như vậy, lạm phát năm nay phụ thuộc rất nhiều vào cung tiền. Chính phủ đã điều chỉnh từ 28% năm ngoái xuống dưới 20%, tín dụng cũng đưa từ 30% xuống dưới 20% trong năm nay. Cũng theo các chuyên gia, lạm phát có tính tâm lý, nên trong quý II, quý III, ngành chức năng phải kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Như vậy, phải từ quý III trở đi lãi suất mới hy vọng giảm. Năm nay, Chính phủ cũng sẽ giảm mạnh đầu tư công để thúc đẩy lượng vốn trên thị trường. Năm ngoái, mặc dù lượng cung tiền khá mạnh, nhưng dồn vào khu vực công, công trình trọng điểm, một phần trong đó có thể dùng cho việc đảo nợ từ gói kích thích kinh tế... Năm nay, lượng vốn cho các khu vực trên sẽ giảm và doanh nghiệp có cơ hội được vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, ngoài sự điều chỉnh linh hoạt các chính sách của Nhà nước, trong bối cảnh lãi suất vay còn cao, nguồn vốn thu hẹp, các doanh nghiệp cũng cần phải điều chỉnh định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ví dụ giảm sản lượng ở mức hòa vốn hoặc có lãi ít để duy trì lao động, duy trì khấu hao, chi phí vật tư thiết bị. Lấy hòa vốn làm trọng tâm để điều chỉnh, mục tiêu là làm thế nào để giữ ổn định trong ngắn hạn và phát triển trong dài hạn.
Có thể nói, việc giữ lạm phát ổn định như mục tiêu đã đề ra không dễ thực hiện khi giá một số nguyên, nhiên liệu "đầu vào" chủ chốt của nền kinh tế như điện, xăng dầu tăng. Nhưng thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát liên tục được ngành chức năng phát đi và khẳng định đây là mục tiêu "hàng đầu, kiên quyết và xuyên suốt" cả năm. Quyết tâm này được thể hiện bằng gói giải pháp 7 nhóm, trong đó tập trung vào thắt chặt tiền tệ, giảm chi và bội chi ngân sách, hạn chế nhập siêu, tăng cường sản xuất và thực hiện giá thị trường...
Đây là bước đi cần thiết với Việt Nam trong bối cảnh lạm phát đang là vấn đề "nóng" với hầu hết các nền kinh tế mới nổi tại châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.