Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Phục chế tranh đòi hỏi cả tâm và tầm

Thúy Đinh| 01/10/2020 10:43

(HNMCT) - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến có nhiều năm gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong vai trò người sưu tầm, nghiên cứu tác phẩm của thế hệ họa sĩ “vàng” của Trường Mỹ thuật Đông Dương, nghiên cứu về phục chế tranh - một lĩnh vực đòi hỏi cả tâm và tầm của người thực hiện để nối dài sức sống cho các tác phẩm. Bà đã chia sẻ với độc giả Hànộimới Cuối tuần những thông tin thú vị xung quanh lĩnh vực này.

- Thưa bà, gần đây có một số việc “dở khóc dở cười” xoay quanh câu chuyện phục chế tác phẩm hội họa. Thực tế, công tác phục chế ở nước ta hiện nay như thế nào?

- Khi mở các viện bảo tàng về nghệ thuật tạo hình, bao giờ cũng phải có bộ phận phục chế. Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, tác phẩm hội họa bị ảnh hưởng rất nhiều. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngay khi thành lập đã có các phòng chuyên môn như sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, bảo quản..., trong đó vấn đề phục chế được đặt lên hàng đầu.

Phần trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi mới hình thành được bố trí trong hai phòng: Mỹ thuật cận đại và Mỹ thuật hiện đại. Phần lớn tranh của phòng Mỹ thuật cận đại được vẽ từ năm 1930 - 1945 nên việc bảo quản là rất quan trọng. Bao giờ trong những cuộc họp giao ban, bộ phận phục chế cũng phải báo cáo với ban lãnh đạo về “sức khỏe” của những tác phẩm đó, chia làm 3 mức độ: Hỏng nặng, hỏng vừa và hỏng nhẹ.

Trong gần nửa thế kỷ qua, với tranh lụa và tranh sơn mài, các chuyên gia trong nước có thể sửa chữa được, nhưng với tranh sơn dầu thì cần có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Thực tế, đã có nhiều tác phẩm quý phải đưa ra nước ngoài để phục chế.

- Có người cho rằng, việc phục chế tranh ở nước ta mới chỉ dựa vào kinh nghiệm bởi còn thiếu các viện nghiên cứu, các khoa đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Điều này có đúng không, thưa bà?

- Tôi cho rằng nhận định đó chưa hẳn chính xác. Ví dụ, ngay cả với chất liệu truyền thống đặc trưng của Việt Nam là sơn mài thì để sửa chữa một tác phẩm sơn mài thành công, các chuyên gia phục chế cũng đã phải học hỏi, dày công nghiên cứu, học hỏi nghệ nhân. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không có nghiên cứu, đúc rút bài bản thì khó có thể làm thành công.

- Với những tác phẩm bị hư hại quá nặng thì Bảo tàng thường có phương án gì, thưa bà?

- Chúng tôi phải tách tác phẩm ra khỏi không gian trưng bày, cho vào một phòng riêng phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm... để tìm cách tu sửa. Tùy theo chất liệu, mức độ hư hại để quyết định gửi ra nước ngoài hay để chuyên gia giỏi trong nước thực hiện. Năm 2012, chuyên gia Nhật Bản đã giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và gia đình phục chế ba bức tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh là Hun thuyền, Đốn củi, Cô gái cưỡi bò qua sông và được giới chuyên môn đánh giá cao. Còn với những tác phẩm tranh sơn dầu bị hư hại nặng nề thì trong những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có những cuộc làm việc và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Đức.

Tu sửa ảnh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

- Tuy nhiên, bên ngoài phạm vi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã xảy ra những câu chuyện khá đáng tiếc xung quanh việc phục chế tranh. Chẳng hạn việc bức sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng dưới bàn tay của những người không có chuyên môn...

- Công việc phục chế rất cần những người có chuyên môn giỏi, những nhà quản lý giỏi, có sự hiểu biết, có tâm với nghề. Các tác phẩm đều cần được phân loại, không thể tùy tiện giao cho người khác phục chế, sửa chữa bởi những tác phẩm mà chúng ta sưu tầm không phải loại mới sáng tác. Đó là những tác phẩm của một giai đoạn đã qua, ghi lại một chặng đường sáng tác của cả một thế hệ họa sĩ “vàng” của Trường Mỹ thuật Đông Dương - mở đầu cho nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Do đó, chúng ta phải tuyển chọn những chuyên gia phục chế có sự am hiểu kỹ về từng công đoạn sửa chữa những tác phẩm đó. Đặc biệt, với những bức tranh quý thì cần có một hội đồng khoa học thẩm định. Sau khi được thẩm định, mỗi một centimet cũng cần phải tính toán giải pháp tu sửa. Bảo tàng Mỹ thuật đã thực hiện điều đó với rất nhiều bức tranh quý. Chúng tôi đã chuyển nền một số tranh sơn mài bị cong, vênh, nứt, nở sang một nền khác tốt hơn. Và những bức tranh ấy tới giờ đã có thể trưng bày được rồi.

Với tác phẩm sơn dầu cũng vậy, chúng tôi đã chia ô để tu sửa rất tỉ mỉ và đầy trách nhiệm. Chúng ta phải tìm các chuyên gia mẫu mực hay đưa ra nước ngoài để hồi phục lại một tác phẩm đã bị hư hại chứ không thể làm qua loa, bởi như thế là hủy hoại tài sản quốc gia.

- Chân thành cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: Phục chế tranh đòi hỏi cả tâm và tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.