Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nghèo lãng phí

Tuấn Kiệt| 20/07/2012 06:18

(HNM) - Có một thông tin rất đáng chú ý được Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 18-7, hơn 50% doanh nghiệp nhà nước có hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, còn Bộ Tài chính thì đang ngày càng phải ứng ra nhiều hơn để trả nợ thay cho các dự án, đơn vị được Chính phủ bảo lãnh, con số năm 2009 là 1.300 tỷ đồng, hai năm sau (2011) đã lên gần gấp đôi, với 2.400 tỷ đồng. Và hầu hết các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đến nay vẫn chưa có phương án trả nợ.



Vậy là thêm một lần nữa vấn đề hiệu quả đầu tư ở "mảng" nhà nước lại được điểm tên. Thực tế thì từ khá lâu rồi dư luận báo chí, cũng như giới chuyên gia đã bàn thảo khá nhiều về những bất cập, sự kém hiệu quả trong đầu tư công của nước ta. Mẫu số chung là "dàn trải và kém hiệu quả". Nhiều người ví von rằng chúng ta thuộc diện "nhà nghèo lãng phí". Điển hình như vụ bê bối ở Vinashin, Vinalines, rồi ở nhiều địa phương có những con đường, những cây cầu hay bệnh viện được đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng bị chậm tiến độ, ngưng dở dang gây lãng phí nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến những dự án với suất đầu tư quá cao đến mức thế giới cũng phải "ngả mũ bái phục" như dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa của Hà Nội hay đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây của TP Hồ Chí Minh, được gọi là "những con đường đắt nhất hành tinh".

Theo báo cáo, đầu tư công ở Việt Nam chiếm một tỷ lệ rất cao trong nền kinh tế - khoảng 38,9% năm 2011. Nhưng nếu xét hiệu quả từ tổng vốn đầu tư, để tăng một đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn, trong khi hiệu quả ngày càng giảm, tình trạng lãng phí, thất thoát lên đến 20-30%. Đáng nói là trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho tốc độ tăng GDP của khu vực nhà nước khoảng hơn 10 lần thì ở khu vực ngoài nhà nước chỉ dưới 4 lần. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên chính việc cắt giảm này nếu không được thực hiện nghiêm túc, bài bản cũng lại rất dễ dẫn đến những lãng phí khi phải ngưng các dự án.

Từ thực trạng trên cho thấy việc quản lý, điều hành vĩ mô trong đầu tư công của ta còn có những lỗ hổng, phần nào bị buông lỏng. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, quy mô đầu tư công sẽ ngày càng lớn kéo theo sự phình ra của "nợ công" vì thế đã đến lúc đòi hỏi phải có sự tái cấu trúc đầu tư công, thay đổi mạnh mẽ về tư duy, tập trung vào "chất" thay vì "lượng", đặc biệt cần thiết phải sớm ban hành Luật Đầu tư công để tăng quản lý, giảm bớt thất thoát, lãng phí, nếu không thì đầu tư công sẽ tiếp tục dàn trải và còn nhiều hệ quả xấu. Loại bỏ hay ít nhất có biện pháp chế tài phù hợp sẽ là chìa khóa để cải thiện nghịch lý "nhà nghèo lãng phí" trong đầu tư công ở nước ta hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghèo lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.