Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà N03 Khu tập thể Đại học Công đoàn: Rủ nhau vi phạm tập thể?

Trung Dũng| 22/12/2015 07:01

(HNM) - Cho rằng nhiều người cùng thực hiện hành vi vi phạm giống nhau sẽ khiến chính quyền địa phương khó xử lý nên 5 hộ dân nhà N03 Khu tập thể (KTT) Đại học Công đoàn (Ngách 37, Ngõ 167 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa) nhất loạt tiến hành đua dầm sắt dài 3-4m, quây

“Chuồng cọp” mới của các hộ dân đang được tháo dỡ từng phần.


Nhà N03 là một trong những dãy nhà 5 tầng cũ của KTT Đại học Công đoàn, hiện đang do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, phân cho cán bộ công nhân viên. Quá trình sinh sống, một số hộ gia đình đã cơi nới "chuồng cọp" để tăng diện tích sinh hoạt. Tháng 11-2015, có thông tin rằng, quỹ nhà tập thể này sẽ bàn giao về TP Hà Nội nên người dân cho rằng lúc chuyển giao đơn vị quản lý là thời điểm thích hợp nhất cho việc cơi nới thêm diện tích nhà ở mà ít có nguy cơ bị xử lý.

Có lẽ, với "phân tích" này, 5 hộ dân từ tầng 2 đến tầng 5 đã tháo bỏ "chuồng cọp" cũ để cơi thêm "chuồng cọp" mới với diện tích lớn hơn trước, trung bình khoảng 12-14m2, rồi quây vách kín với mục đích biến thành phòng ở. Chẳng mấy chốc, những chiếc "chuồng cọp" nặng nề và nguy hiểm đập ngay vào mắt người dân sở tại lẫn người đi đường khiến ai cũng thấy bức xúc. Tại sao vi phạm diễn ra trắng trợn như vậy, điều kiện an toàn cho những thiết kế "chuồng cọp" đến đâu, nếu không may xảy tai nạn cho người ở phía dưới thì ai là người chịu trách nhiệm… đã được nhân dân địa phương kiến nghị lên phường.

Trong biên bản xử lý vi phạm của Đội thanh tra xây dựng quận Đống Đa khẳng định, các hộ dân có hành vi tự cơi nới, chiếm dụng diện tích không gian kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư N03 là vi phạm Luật Xây dựng, Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Tổ Thanh tra xây dựng địa bàn đã báo cáo, đề xuất UBND phường Quang Trung xử lý theo thẩm quyền.

Việc vi phạm tập thể này khiến ông Chủ tịch UBND phường Quang Trung Nguyễn Anh Tuấn phải ký cùng lúc 5 quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị kèm các quyết định cắt điện, cắt nước và cuối cùng là quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, những người vi phạm lại thể hiện sự "đoàn kết" cùng tồn tại bằng cách không chấp hành các quyết định xử lý của phường. Buộc chính quyền địa phương phải đề nghị cơ quan chủ quản cùng vào cuộc phối hợp xử lý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Nếu cơ quan chủ quản tòa nhà không tích cực phối hợp tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định pháp luật tại địa phương, chính quyền sẽ gửi công văn thông báo sự việc tới cơ quan người vi phạm đang làm việc đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ và xử lý trách nhiệm đảng viên (nếu có).

Trước sự cương quyết của chính quyền phường Quang Trung, trong số hộ dân vi phạm đã có nhà nhúc nhắc động thái tháo dỡ thu gọn công trình trở về nguyên trạng ban đầu, nhưng còn có nhà vẫn cố trì hoãn nhằm xem có tận dụng được cơ hội tồn tại hay không nên quá trình tháo dỡ còn chậm chạp và khiên cưỡng.

Thiết nghĩ, vi phạm đồng loạt cần phải có các quyết định và thái độ xử lý như nhau, không thể nhẹ người này nặng người kia tạo sự mất công bằng. Vậy nên đề nghị chính quyền phường Quang Trung thường xuyên giám sát việc tự tháo dỡ của người dân bảo đảm an toàn, đúng quy định pháp luật. Hộ nào không nghiêm túc thực hiện tự tháo dỡ trong thời hạn cho phép cần được xử lý cưỡng chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà N03 Khu tập thể Đại học Công đoàn: Rủ nhau vi phạm tập thể?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.