Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà mạng “lấn sân” cung cấp dịch vụ tài chính

Việt Nga| 13/11/2017 07:19

(HNM) - Tại Việt Nam, fintech mới chủ yếu được áp dụng trong các hoạt động thanh toán và đây chính là thế mạnh của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Không đứng ngoài cuộc chơi, các nhà mạng đã lần lượt gia nhập thị trường sôi động này...


Có thể nói, các nhà cung cấp dịch vụ di động hiện sở hữu số lượng khách hàng lớn nhất cả nước và để phát triển kinh doanh, nhà mạng đang cung cấp nhiều công cụ thanh toán tiện lợi nhất cho thuê bao. Cụ thể, ngoài thu cước tại các cửa hàng giao dịch, thu tại địa chỉ với thuê bao trả sau, bán thẻ cào điện thoại (cho trả trước, trả sau) còn có thanh toán cước trực tuyến. Trong đó, thuê bao của các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone đều có thể vào trang web của nhà mạng đang dùng, đăng ký tài khoản đăng nhập; mở tài khoản tại ngân hàng để thanh toán cước. 

Từ nhiều năm trước, Viettel đã ra mắt ứng dụng Bankplus liên kết với 12 ngân hàng trong nước. Đây được coi là ngân hàng di động giúp khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử gồm: Chuyển tiền (bất kể thời gian), nạp tiền điện thoại và thanh toán cước phí. Tất nhiên, để dùng Bankplus, thuê bao phải đăng ký dịch vụ này, phải mở tài khoản tại 1 trong 12 ngân hàng liên kết với dịch vụ này của Viettel.

Mới đây nhất, ngày 9-11, MobiFone công bố hợp tác với VPBank để cung cấp dịch vụ tài chính di động cho thuê bao của nhà mạng này. Nếu thuê bao có nhu cầu sử dụng, căn cứ vào mức chi dùng cước, thẻ hội viên, MobiFone (hoặc VPBank) sẽ cấp thẻ đồng thương hiệu MobiFone - VPBank và cấp hạn mức tiêu dùng lên đến 60 triệu đồng, lưu ý khách hàng được miễn giảm giấy tờ chứng minh thu nhập. Ngoài ra, khách hàng còn được ưu đãi với lãi suất trả góp 0% khi mua máy đầu cuối hoặc được miễn tiền đặt cọc tại các cửa hàng của MobiFone; đặc biệt được ưu đãi khi thanh toán cước...

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho biết, việc hợp tác với VPBank không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng mà MobiFone còn hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu hàng chục triệu thuê bao của mình.

Hiện nay thị trường thanh toán trong nước, theo ước tính có khoảng 50 doanh nghiệp công nghệ tham gia cung cấp dịch vụ tài chính. Song lĩnh vực này cũng đang chịu sức ép lớn từ các hãng công nghệ nước ngoài. Đó là Samsung (Hàn Quốc) đã cung cấp công cụ thanh toán SamsungPay, Google (Mỹ) có GooglePay...

Mới đây nhất, trong chuyến sang tham dự Diễn đàn thanh toán Việt Nam và một số hoạt động khác của tỷ phú Jack Ma cũng được các chuyên gia nhận định là hoạt động “mở đường” để đưa các dịch vụ thanh toán điện tử Alipay, Grabpay - là các hãng mà tỷ phú này đầu tư...

Vì vậy, việc cả 3 nhà mạng lớn - vốn có lợi thế về tài chính và công nghệ - lần lượt hợp tác, liên kết với các ngân hàng trong nước để tham gia cung cấp dịch vụ liên quan tài chính, cho thấy sự phát triển và tác động của công nghệ đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng “lấn sân” cung cấp dịch vụ tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.