Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà giàu tung tiền thuê thám tử "trị" con hư

Theo Vietnamnet| 01/11/2010 14:27

Chuyện chửi cha mẹ như cơm bữa, bỏ nhà ra đi, dắt bạn trai vào nhà nghỉ để níu giữ tình yêu hay đánh nhau vỡ đầu với bạn ngoài đường đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất lực.


Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc hoặc đi công tác nước ngoài liên tục đã tìm đến dịch vụ chăm sóc và giám sát con (thường gọi là thám tử) để “cầu cứu” với giá từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Phóng viên đã thâm nhập vào nhiều chuỗi hành trình "giải cứu" con hư với sự cho phép của các bậc cha mẹ và thám tử.

Bài 1: Nhà giàu tung tiền thuê thám tử "trị" con hư


Khi con chửi "tay đôi" với cha

Thắng mắt trợn ngược nhìn bố, nó gầm lên: “Con mẹ mày…” rồi gào toáng: “ Tao đ… có bố.” Bố nó bê cái phích điện định đập nó, nhưng có lẽ trong ông có gì đó kiềm chế, nên ngồi phịch xuống ghế, choáng váng, bất lực.

Người mẹ tên Vân nước mắt lưng tròng, ngồi tâm sự tại Văn phòng thám tử hỗ trợ gia đình Việt (TTV). Đây không phải lần đầu Thắng đối mặt với bố như vậy, nhưng là lần gay cấn nhất.

Thắng nhìn mẹ rồi lững thững lên tum đóng chặt cửa, mặt tím ngắt lại. Cả nhà được phen hoảng hồn, sợ nó làm điều gì dại dột. Cuống cuồng, mẹ nó gọi khắp nơi cầu cứu…

16 tuổi, Thắng vốn không phải là đứa hư, bình thường, vẫn yêu quý và chan hòa với mọi người. Tuy nhiên, chị Vân cũng thừa nhận là cả hai vợ chồng đều có tính cách gia trưởng, cái gì cũng ra lệnh, cái gì cũng gắt gỏng.

Thi thoảng ông bố cho Thắng cái bạt tai để con nó có nề có nếp, nhưng kỳ thực ông rất thương và kỳ vọng ở Thắng nhiều.

Người mẹ muốn nhờ thám tử “bám đuôi” xem con đi đâu, làm gì, gặp ai suốt mấy ngày qua, hòng trả lời thấu đáo cho lý do con chị đến nông nỗi này.


Quán trà chanh là nơi ưa thích của giới trẻ Hà Nội , cũng là nơi xả stress về chuyện bản thân, học hành. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Tú Uyên


Thám tử Minh Chiến trong vai một teen ăn mặc bụi bụi, ra chiều lãng tử, bất cần, la cà gần các quán trà chanh gần Nhà thờ lớn, nơi tụ tập yêu thích của bọn trẻ.

Hóa ra, Thắng cũng không giận bố lắm, nhưng tìm mọi cách tránh mặt, cứ bố ở nhà là Thắng biến, nửa trốn tránh, nửa trêu ngươi…Thám tử Chiến cho biết, cậu chàng vẫn tới trường và đi học thêm đầy đủ. Thắng chia sẻ với bạn ở quán trà chanh rằng “chiều nào cũng lên tum tự kỷ cho ông bà già vãi linh hồn…” (“tự kỷ” là cách nói lóng của teen, ám chỉ việc ngồi hàng giờ ở một chỗ, ví dụ ngồi nửa ngày ở quán cà phê gọi là “đi tự kỷ ở quán cà phê”- PV)

Chị Vân sau khi nghe đoạn băng ghi âm về cách ăn nói của con với các bạn mà “choáng” với ngôn ngữ của tụi trẻ. Thám tử Minh Chiến giải thích, có thể với người lớn, cách ăn nói này khó chấp nhận, nhưng rất tiếc, với bọn trẻ, chúng thấy hết sức “bình thường”.

Sau một tháng theo dõi, chị Vân nhận được kết quả báo cáo hàng ngày về “lịch hoạt động” không có gì đặc biệt của Thắng nên đã yên tâm con không tiếp xúc với “bọn xấu”. Tuy nhiên, chị vẫn không thể nói chuyện được với nó.

Chị Vân cũng nhận được sự tư vấn về cách giáo dục Thắng, không áp đặt hay chửi mắng và đè nén con quá như chị kể, là nguyên nhân căn bản khiến Thắng phản ứng tiêu cực. Chị cũng đồng ý rằng mình lo cho nó quá, suốt ngày sợ nó hư, thấy nó thay đổi là cuống cà kê dạy bảo, ngăn chặn, đe nẹt…

Sau khi được thám tử bày cách, chị đã lên tum tâm sự với con hàng giờ. Chị cũng cố tình dùng một số ngôn ngữ mà con và các bạn hay nói với nhau làm Thắng tròn mắt. Nó còn phá lên cười khi chị Vân đùa: “Bà già này lên tum tự kỷ cho bố con mày nhịn đói bữa tối luôn”.

"Ông ra sân đánh nhau với tôi!"

Chuyện xảy ra đã 7 năm. Thám tử Hùng, Văn phòng thám tử Hoàng Nhân kể: “Gia đình thân chủ ở đầu cầu Thăng long, huyện Mê Linh, lúc đó còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Thân chủ là ông Phú, bộ đội về hưu, nhà có cơ sở làm mộc vào loại lớn. Ông có thằng con trai ngỗ ngược, tên “cúng cơm” là Túc, to, khỏe, đen trũi. Ông là sỹ quan, quê ở miền Trung và trưởng thành trong quân ngũ nên coi trọng kỷ luật, mỗi lần về nhà ông mang con ra rèn…”

Hai thằng con trai, suốt ngày đánh nhau, thằng anh hay già mồm nhưng yếu người, bị Trọc đập cho nhiều lần. Hai anh em chạnh chọe chuyện nấu cơm, rửa bát, ra đồng, đùn đẩy nhau và kết quả là đánh nhau, ông nhiều lần cho con ăn đòn, nhất là thằng em, nhưng nó không chừa.

Ông về hưu, oai phong cũng giảm, thằng thứ hai học lớp 11, trộm cắp vặt cùng lũ trẻ, các vụ đánh nhau trong làng nó tham gia đủ cả, ông nói câu nào nó chửi lại ông câu đó.

Lần đó ông kể: “Nó rủ bác ra sân, mắt nó trợn trừng, sắn tay áo, giọng đầy thách thức, lỳ lợm, nó bảo: Ông ra sân đánh nhau với tôi”. Ông kể, nếu ông ra là nó đánh ngay, không chừng nó vứt cả ông xuống giếng. Kinh nghiệm đầy mình, ông lặng lẽ vào bếp ngồi. Vợ ông cầm ống thổi chạy ra sân đập nó hai cái vào đầu, tóe máu, nó vẫn nghênh nghênh: “Ông chả là cái đếch gì trong nhà này”.

Lúc đó thám tử Hùng có quen biết ông, nên ông nhờ giải phóng nó ra khỏi nhà và tuyên bố từ con.

Tuy nhiên, khi hỏi han cặn kẽ thì hóa ra cu cậu cũng không đến nỗi mất dạy hoàn toàn. Hùng tham gia các trò quậy phá và được lòng Túc nên Túc tâm sự chuyện gia đình. Về cái tính nóng nảy, nó là bản sao của bố. Thám tử Hùng bảo ông Phú: “Thằng này lớn lên sẽ khác, tốt nhất là đừng đối đầu với nó”. Quả thật, cũng phải sau vài năm, hai cha con không "đẩy mọi thứ lên cao trào" nữa, đến năm thứ hai đại học, Túc mới “tha thứ” hoàn toàn cho bố, sau một thời “lăn lộn” kiếm sống ở Hà Nội. Ông Phú cũng hết chấp nhặt chuyện xưa, và Túc cũng hết quậy.

Bây giờ, Túc đã vừa làm học lớp cao cấp nào đó ở Hà Nội, nghe đâu có năng lực, được cơ cấu lên làm lãnh đạo và chuyện xưa chẳng qua là “trẻ con trót dại…”

Chia sẻ của thám tử lành nghề


Kết luận câu chuyện, thám tử Hùng nói: “Kinh nghiệm tại Văn phòng Hoàng Nhân cho thấy, qua mốc 19 tuổi và 23 tuổi, bọn trẻ trở về con đường mà cha mẹ chúng mong muốn. Điều quan trọng khi ở tuổi mới lớn là phải quan sát để hướng chúng đi trong hành lang an toàn. Khắt khe, không hiểu gì về tâm lý và trò quậy của trẻ thì khó có được sự cảm thông cũng như cách giáo dục hiệu quả”.

Lý do thuê thám tử đa phần bởi lo ngại con bỏ đi và tham gia vào tệ nạn, chơi với bạn xấu hay làm gì đó dại dột… sau những va chạm tại gia đình.

Việc cãi (theo cách là cãi láo) cha mẹ mức độ nặng, nhẹ thế nào tùy thuộc vào quan điểm hay khả năng chịu đựng của cha mẹ. Nó còn thể hiện ở dạng khác, đó là chống đối.

Việc chống đối cha mẹ rất phổ biến, mang đặc trưng lứa tuổi. Thám tử đã chứng kiến có em giải tỏa uất ức khi bị mẹ mắng bằng cách ghi ra vở H ( tên bố) + V ( tên mẹ) = 2 con chó. Có em chống đối bằng cách xu nịnh bố mẹ bằng ngôn từ, có em lại chống đối bằng cách thỏa hiệp, bảo gì cũng vâng, nhưng hành động ngầm chống đối, điều đó dẫn đến cảnh ở nhà tưởng ngoan, ra ngoài "hóa giặc".

Nhiều em chuyển sang tìm kiếm tình cảm từ quan hệ bên ngoài như yêu đương tha thiết một ai đó và coi đó là duy nhất, tận cùng. Có bạn thể hiện sự giải tỏa qua game hay tham gia vào những trò chơi nguy hiểm như dùng “đá”( một dạng ma túy), dùng thuốc lắc…

Tuổi vị thành niên luôn chống lại những gì là khuôn phép. Đó là đặc tính tâm lý mà khi giáo dục con phụ huynh phải tính đến, thám tử của Văn phòng Hoàng Nhân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà giàu tung tiền thuê thám tử "trị" con hư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.