(HNMCT) - Bộc trực, thẳng thắn, kỹ càng nhưng cũng rất nhiệt tình, cởi mở..., đó là ấn tượng ban đầu về nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên. Cuộc sống thường ngày của anh đong đầy những thứ bình dị: Thích nuôi chim, nuôi gà, thích ăn nước mắm nhĩ... Còn trong nghệ thuật lại là một Lê Đình Nguyên miệt mài đi đến tận cùng đam mê.
- Mọi người thường gọi anh với tên thân mật “Nguyên Trâu”. Con trâu gắn bó với anh, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ khi nào?
- Với một nghệ sĩ, được bạn bè, đồng nghiệp đặt cho cái tên gắn liền với tác phẩm của mình thì đó là một vinh hạnh. Tôi không phải là người nông dân, không thể ca tụng “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Tôi chỉ đơn giản thấy nó đẹp, đẹp trong tạo hình, đẹp trong cả sự có ích với đời sống. Con trâu như người bạn của người nông dân. Tôi không làm con trâu tả thực mà làm con trâu trong tôi, với những suy tưởng và những ám ảnh về nó. Tôi rất ghét sự tả thực trong nghệ thuật. Mình nhìn những hình tượng nghệ thuật đều phải thông qua lăng kính cá nhân. Anh sẽ không nói câu chuyện của anh nếu như anh sao chép.
- Con trâu đối với nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên có sự gắn bó mật thiết, thân tình như thế nào từ thuở bé?
- Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng đã từng lăn lóc ở quê trong những ngày đi sơ tán. Những ngày tháng đó, tôi được sống với những người nông dân, được đi chăn trâu, cắt cỏ. Hồi ấy là năm 1964, tôi mới 4 tuổi nhưng những hình ảnh đó đọng lại trong tôi đến tận bây giờ!
- Triển lãm đầu tiên của anh vào năm 2010. Từ lúc anh “trình làng” những tác phẩm trâu đến bây giờ, anh đã có sự chuyển mình như thế nào?
- Họa sĩ Lê Thiết Cương là người động viên tôi làm triển lãm ấy. Tôi giới thiệu 36 tác phẩm về trâu. Sau triển lãm thì mọi người mua hết. Hồi ấy, tôi tạo hình con trâu từ chất liệu gỗ. Nhưng sau đó, tôi thấy chất liệu gỗ không đáp ứng được nhu cầu điêu khắc đương đại nên đã chuyển sang thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác như sắt, gốm, kim loại kết hợp. Nhưng có lẽ thành công nhất và cho đến giờ nhiều nhà sưu tập vẫn đặt hàng tôi làm chính là thạch cao nha khoa đẽo. Đây là loại thạch cao mà trong nha khoa người ta dùng làm khuôn răng, chịu được nước. Tôi trộn thêm trấu và rơm, tạo thêm độ bền cho tác phẩm. Từng nhát đẽo của tôi lộ ra vỏ trấu và rơm, làm cho màu thạch cao trông ấm cúng hơn. Riêng chất liệu gốm, tôi chỉ mới theo đuổi gần đây. Tôi tự điều chế men gốm chứ không dùng men có sẵn. Tôi đã thêm quỳ vàng thật vào gốm (dát vàng vào gốm). Đây là một quá trình khá phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
- Gần đây anh có tác phẩm “Trâu nhà” gây nhiều chú ý...
- Tác phẩm “Trâu nhà” tôi sáng tác cuối năm ngoái, khi chúng tôi có dự án tổ chức triển lãm gốm cho năm Tân Sửu. Tôi đã cùng các nghệ sĩ sang làng gốm Bát Tràng. Trong khi các anh em miệt mài làm việc, tôi lại không có cảm hứng nên “bỏ đi chơi”. Sau đó một hôm, khi chúng tôi đi phượt, dừng lại trên đỉnh đèo, nhìn xuống bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình, thấy những mái nhà của người Thái đỏ lửa. Những người bạn của tôi ký họa hình ảnh đó, còn tôi lại nhìn thấy những nếp nhà ấy là những con trâu. Tôi mường tượng đó là cả một đàn trâu có ánh sáng. Tôi đã lấy bút ra phác thảo để thực hiện tác phẩm “Trâu nhà”. Đối với tôi, ánh sáng ấy chính là sự sống. Chỉ là một tích tắc thôi nhưng nếu không đi, không trải nghiệm thì sẽ không có ý tưởng.
- Những con rối đã gắn bó với anh khá lâu, khi còn công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam có ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của anh không?
- Có thể nói, hầu hết họa sĩ tại Nhà hát Múa rối Việt Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật múa rối nước cổ truyền. Riêng tôi lại không. Tôi muốn tìm ra hình tượng nghệ thuật của riêng tôi. Nhìn những tác phẩm trâu của tôi sẽ thấy không có một chút ảnh hưởng nào từ con trâu trong rối nước truyền thống. Nhiều năm công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, tôi chỉ nhận làm những vở mang tính chất đổi mới. Tất nhiên nghệ thuật cổ truyền là vốn quý đối với người nghệ sĩ, nhưng người nghệ sĩ phải sáng tạo chứ không thể bê nguyên xi của các cụ vào đời sống hôm nay.
Tôi thường làm trâu với chất liệu gốm, nung nặng lửa (nhiệt độ cao). Như với tác phẩm “Trâu nhà”, tôi còn cho thêm một chi tiết rất nhỏ, khi cắm điện vào người ta sẽ hình dung vừa là ánh trăng, vừa là con chim. Với phần ánh sáng của tác phẩm, tôi luôn cảm thấy rất khó. Nhưng thiếu ánh sáng cũng giống như thiếu sự sống. Một tạo hình khác của “Trâu nhà” là tác phẩm “Trâu đôi” - hai con trâu chập vào làm một. Con trâu nào cũng có ánh sáng. Các nhà khoa học có lý tưởng, có mục đích thì mới ra được phát minh lớn. Người nghệ sĩ cũng thế thôi. Nếu không đau đáu về con trâu thì tôi cũng không thể làm về nó được.
- Cuối năm nay anh có dự định gì?
- Tôi đang làm các tác phẩm về con hổ bằng nhiều chất liệu: Thạch cao đẽo, đồng, sắt kết hợp với lắp các thiết bị mô tơ chuyển động. Tôi sẽ tham gia triển lãm theo lời mời của họa sĩ Lê Thiết Cương vào cuối năm nay. Nếu như con hổ trong đời sống, trong nghệ thuật truyền thống là hổ 4 chân thì tôi, tôi làm hổ của Lê Đình Nguyên!
- Cảm ơn nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.