Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà đầu tư và giấc mơ tỷ phú!

Thanh Nga| 08/02/2010 06:56

(HNM) - Năm Kỷ Sửu sắp qua, nhưng với giới đầu tư trong nước, đây là một năm đáng nhớ. Bên thềm Xuân Canh Dần 2010, thử cùng ngẫm lại những được, mất, hay đơn giản chỉ là chuyện buồn, vui của giới đầu tư…


Năm 2009, sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã giúp nhiều nhà đầu tư trở nên giàu có, nhưng cũng khiến không ít người trắng tay vì lao vào đúng lúc thị trường nổi "cơn sóng dữ". Những biến động đầy kịch tính không thể lường trước của thị trường vàng đã làm cho nhiều nhà đầu tư tưởng mình có lãi, song lại ăn nhầm "quả đắng". Hay sự sôi sục của người người vào bất động sản đã khiến thị trường này trở lại với thời kỳ "bong bóng", nhiều nhà đầu tư thiếu hiểu biết lâm vào cảnh "cười ra nước mắt" với những mảnh đất giá cao mà không có tính thanh khoản. Ngay cả với loại ngoại tệ được coi là ổn định và mạnh như đô la Mỹ, người ta cũng khó có thể tưởng tượng nổi giá lại thay đổi nhanh đến thế…

Giàu nhờ chứng khoán?

Nhà đầu tư chứng khoán nên nghiên cứu kỹ các loại cổ phiếu để tránh những rủi ro đáng tiếc.   Ảnh: Hồng Vĩnh


Năm Kỷ Sửu, thị trường chứng khoán đã có một "bước nhảy" thần kỳ. Từ ngưỡng dưới 300 điểm, VN-Index đã leo lên 400, 500, rồi hơn 600 điểm (phiên 22-10, đạt 624,1 điểm) trước sự ngỡ ngàng, mừng rỡ của nhà đầu tư. Sự hồi phục của thị trường này mang lại niềm tin của giới đầu tư đối với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Nhiều nhà đầu tư dự đoán trước được tương lai của thị trường từ ở mức "đáy" để gom cổ phiếu, kiếm tiền tỷ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để chờ đến lúc thị trường lên hơn 600 điểm mới "đẩy" cổ phiếu đi, phần lớn đã bán khi chỉ số VN-Index ở 400-500 điểm, sau đó lại ngẩn ngơ tiếc. Song, không phải ai cũng có lãi. Đầu tư cổ phiếu là kênh nhiều may rủi, bởi thị trường không phải lúc nào cũng dự đoán được. Nhà đầu tư trong nước giờ đây đã có vẻ chuyên nghiệp hơn, nhưng không tránh khỏi có lúc thua lỗ cũng vì không thể chế ngự được lòng tham, lao vào mua cổ phiếu lúc giá cao bằng mọi giá, kể cả vay nợ, ký quỹ… để khi thị trường trượt dài, bị đẩy đến chỗ không còn đường lui vì đã đến hạn trả nợ, phải bán tháo.

"Chết điếng" vì vàng, méo mặt với "đô"

Chuyện giá vàng gây ra không ít bàn cãi đối với cả cơ quan chức năng lẫn nhà đầu tư. Sự trôi nổi của giá vàng trước những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ tới nhà đầu tư trong nước. Ai cũng biết biên độ dao động của giá vàng lớn, nhà đầu tư có thể có lãi lớn nếu mua lúc giá thấp, bán lúc giá cao. Song, lãi lớn luôn đi kèm với độ rủi ro cao. Có lẽ nhà đầu tư sẽ không thể nào quên được cái ngày "đen tối" của giá vàng khi giá được đẩy lên đỉnh 2,93 triệu đồng/chỉ (ngày 11-11), cao hơn giá thế giới vài trăm nghìn đồng/chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Bài học lớn đã được nhiều nhà đầu tư rút ra là không nên chạy theo đám đông, tin vào những lời đồn đoán của giới đầu cơ. Sự leo thang vô lý của giá vàng đã khiến không ít người thua lỗ vì trót mua lúc giá lên mức đỉnh, để ngày hôm sau xếp hàng đi bán. Nhiều người vẫn tưởng mình có lãi khi bán được vàng với giá chênh vài trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng so với giá mua, nhưng phải mếu dở vì tiếc khi giá ngày hôm sau lại phá vỡ đỉnh của ngày hôm trước.

Không "ăn thua" với vàng, chứng khoán, nhiều nhà đầu tư quay ra buôn "đô" trong khi giá "đô" thế giới rớt giá, thì giá trong nước lại tăng. Trên thị trường tự do, có thời điểm giá "đô" vượt mức trần tới 10-20%, không phải 5% hay 3% như quy định của cơ quan chức năng. Tuy không lãi nhanh như vàng, nhưng theo nhiều nhà đầu tư, buôn "đô" chắc chắn hơn. Có những người không kinh doanh, nhưng lại nghe theo tin đồn "đồng tiền Việt Nam mất giá", cũng tích trữ "đô" khiến thị trường tự do nóng lên từng giờ một cách vô lý. Sau đó, khi cơ quan chức năng lên tiếng, giá "đô" tự do giảm, nhiều người lại lo sợ và đổ xô đi bán nên bị thua lỗ…

"Đau đầu" vì đất…

Chạy theo "cơn sốt" bất động sản năm 2009, không ít nhà đầu tư đã phải dở khóc dở cười. Có người sau nhiều năm lăn lộn ở nước ngoài, mang ít vốn liếng về nước đã dồn hết vào đất. Nhưng, thay vì tự mình tìm hiểu thông tin, nhà đầu tư lại giao túi tiền của mình cho mấy anh "cò", nhờ chỉ nơi mua, nơi bán. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ, "cò" đã dùng chiêu lừa khá ngoạn mục là nhờ chính người nhà mình giả vờ đi tìm nhà, rồi mách nhà đầu tư kia mua giá cao với lý do có người đang cần mua nhà gấp. Với cách làm này, chênh lệch giá mà "cò" bán được so với mức thống nhất với chủ nhà tới vài trăm triệu, có khi đến cả tỷ đồng. Còn nhà đầu tư kia thì không bán được nhà như mức giá mà "cò" hứa vì người mua đã cao chạy xa bay. Lại có người chạy theo đám đông, tìm mọi cách đi vay tiền, vàng để mua đất. Khi đi vay, giá vàng mới ở mức 20 triệu đồng/lượng, cuối năm là hạn phải trả nợ, giá đã lên ngưỡng gần 30 triệu đồng/lượng. Vậy là lãi chưa thấy đâu, chỉ thấy nhà đầu tư còng lưng trả nợ, giấc mơ tỷ phú mãi vẫn chỉ là giấc mơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư và giấc mơ tỷ phú!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.