Nhiều khả năng chính khách hàng đã chấp nhận tham gia tài khoản “liên thông” để “chơi” chứng khoán. Với quy định nếu tài khoản liên thông âm thì khách hàng tham gia nhóm liên thông không được rút tiền, song trong trường hợp này khách hàng vẫn đòi rút tiền khi tài khoản liên thông đã âm và Cty chứng khoán buộc phải thực hiện giải chấp
Bỗng dưng bị… kiện
Đầu tháng 12/2010, bà Hoàng Kiều Trang yêu cầu rút tiền trong tài khoản số 083C00900 mà bà mở tại công ty chứng khoán Artex. Số tiền trong tài khoản theo bà Trang là hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài khoản của bà đã bị phong tỏa. Sau đó, bà Trang đã khiếu nại tới Thanh tra UB chứng khoán và cơ quan công an.
Theo biên bản điều tra PC 46 thực hiện tại công ty chứng khoán Artex thì tài khoản số 083C00900 mang tên bà Hoàng Kiều Trang nằm trong một nhóm tài khoản do bà Đặng Thị Mai - nhân viên công ty chứng khoán Artex - làm người đại diện giao dịch. Trong đó có 3 tài khoản có tiền mặt là tài khoản 083C009000 của bà Hoàng Kiều Trang, tài khoản 083003060 của bà Đường Thị Quy (mẹ chồng bà Mai), tài khoản 083C009000 của bà Đặng Thị Mai sử dụng để đối ứng giao dịch mua nợ ở tài khoản khác.
12 tài khoản thuộc nhóm tài khoản nói trên do bà Đặng Thị Mai đại diện giao dịch thực hiện liên thông tài khoản trong giao dịch (có giấy xác nhận việc liên thông tài khoản do các chủ tài khoản ký ngày 22/9/2010). Theo thỏa thuận này, các chủ tài khoản Hoàng Kiều Trang, Đường Thị Quy, Đặng Thị Mai chuyển tiền vào tài khoản làm đối ứng cho các chủ tài khoản trong nhóm thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán và 3 tài khoản này được đem làm bảo lãnh cho các tài khoản khác trong nhóm mua chứng khoán dưới hình thức thấu chi.
Tuy nhiên, đến ngày 17/11/2010 tổng số nợ của nhóm tài khoản do bà Mai đại diện lên tới hơn 24 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền mặt là hơn 12 tỷ đồng. Tổng giá trị chứng khoán là trên 10 tỷ. Công ty chứng khoán Artex nhận định sự việc đã đến mức báo động bởi nếu bán hết chứng khoán thì tổng số tiền nhóm tài khoản cho bà Mai làm đại diện vẫn còn thiếu nợ hơn 1,5 tỷ đồng.
Theo các điều khoản trong hợp đồng hỗ trợ tiền mua chứng khoán thì các khách hàng này phải nộp đủ tiền theo tỷ lệ, tuy nhiên họ đã không thực hiện theo yêu cầu, nên buộc Artex phải giải chấp thu hồi khoản nợ về cho công ty. Do đó công ty đã phong tỏa tài khoản số 083C000900 là tài khoản của bà Hoàng Kiều Trang.
Bà Mai cho biết các tài khoản trong nhóm giao dịch bình thường cho đến đầu tháng 11/2010 một số mã cổ phiếu khách hàng mua chốt quyền nên giá trị chứng khoán giảm. Thêm vào đó một tuần liền thị trường lao dốc mạnh, tất cả các cổ phiếu đều giảm sàn trong vài phiên nên giá trị danh mục giảm mạnh.
“-Tôi có yêu cầu khách hàng nộp tiền bổ sung, nhưng vì thị trường quá xấu nên mọi người trở tay không kịp...”, - bà Mai cho biết như vậy trong một văn bản gửi cho Artex. Ngày 18/11/2010 công ty Artex đã giải chấp toàn bộ danh mục chứng khoán của các tài khoản trong nhóm mà bà Mai đại diện.
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Artex cho biết công ty đã báo cáo HĐQT và UB chứng khoán nhà nước về sự việc này.
“Dàn dựng” hay không?
Mặc dù mới đây, bà Mai tự nhận đã giả mạo chữ ký của chủ tài khoản (bà Trang) để liên thông tài khoản, đồng thời khẳng định “không có ràng buộc gì với khách hàng”. Tuy nhiên, trên thực tế, bản chất mối quan hệ giữa bà Trang và bà Mai lại không đơn giản chỉ là quan hệ khách hàng và nhân viên CTCK, như những gì trên giấy tờ thể hiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mẹ chồng của bà Mai lại chính là chị em ruột với chồng bà Trang (ông Đường Ngọc Vân) và ông Đường Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Artex tại thời điểm đó). Phải chăng đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lạm dụng tài khoản khách hàng (dưới dạng tài sản bảo lãnh) kéo dài khá lâu mà không bị phát giác.
Trưởng phòng môi giới một CTCK nhận xét: không thể ngoại trừ khả năng chính bà Trang đã đồng ý dùng tiền bảo lãnh. Ý kiến một số môi giới chứng khoán về sự việc trên cũng nhận định, bà Trang nhiều khả năng không hoàn toàn “oan” như những nội dung trình bày trong đơn tố cáo. Thậm chí, có ý kiến còn đặt nghi vấn, liệu có hay không một sự “dàn dựng”?
Xem xét lịch sử giao dịch tài khoản của bà Trang cũng cho thấy những yếu tố “không bình thường”. Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2010, bà Trang hầu như không giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, NĐT này lại liên tục nộp và rút tiền tại tài khoản chứng khoán với giá trị lớn, có thời điểm số dư lên tới hơn 10 tỷ đồng...
Đối với khẳng định của bà Hoàng Kiều Trang rằng mình chỉ gửi tiền và mở tài khoản tại công ty chứ không giao dịch, do vậy yêu cầu công ty phải trả lại khoản tiền mình đã gửi, TGĐ Phạm Đức Thắng khẳng định: “Hiện tại, điều này là không thể. Chúng tôi vẫn chưa có căn cứ gì để trả khoản tiền mà bà Trang yêu cầu, bởi đang có nhiều bằng chứng pháp lý cho thấy, chính bà Trang đã đồng ý tham gia nhóm tài khoản do bà Mai làm đại diện và việc giải chấp để khấu trừ nợ cho công ty đã được thực hiện là đúng pháp luật”.
Xét thấy sai phạm trên ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh và uy tín của công ty, do vậy, công ty đã làm đơn đề nghị Phòng bảo vệ An ninh kinh tế (PA 17, CATP Hà Nội) vào giúp điều tra và xử lý các sai phạm đúng người, đúng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.