Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà biên kịch trẻ Mỹ Trang: “Tôi chọn nghề này vì có nhiều cơ hội”

Nguyễn Việt thực hiện| 03/01/2010 08:10

Được thả sức bay bổng theo trí tưởng tượng, được tung hoành xây dựng các hình mẫu nhân vật, nhào nặn các câu chuyện theo ý mình… Đó là một số động cơ chính khiến các bạn trẻ đeo đuổi công việc viết kịch bản phim từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhà biên kịch trẻ Nguyễn Thị Mỹ Trang (sinh năm 1985) đã chia sẻ kinh nghiệm.

- Chị bước vào nghề viết kịch bản như thế nào? Tại sao lại chọn nghề này?

- Sau khi tốt nghiệp loại giỏi lớp điện ảnh chuyên ngành biên kịch trong dự án do quỹ Ford tài trợ, tôi chính thức vào nghề.

Tôi chọn nghề này vì thấy rằng điện ảnh và truyền hình Việt Nam đang thiếu kịch bản, nhiều người tốt nghiệp chuyên ngành này nhưng lại làm việc khác nên có nhiều cơ hội cho những ai say mê nghề biên kịch, muốn hình ảnh hóa những câu chuyện của mình. Sau nhiều nỗ lực học hỏi, viết, giới thiệu kịch bản, tôi đã bán được những kịch bản đầu tiên cho các hãng Thiên Ngân, Chánh Phương, FPT, tham gia viết kịch bản gameshow chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long… Những thành công bước đầu khiến tôi củng cố thêm niềm tin với nghề nghiệp.

- Những khó khăn trong thời gian đầu viết kịch bản thường là gì? Và chị đã vượt qua ra sao?

- Tôi thấy khó nhất là thuyết phục nhà sản xuất quan tâm đến kịch bản của một người mới vào nghề như tôi. Vượt qua khó khăn đó không bằng cách nào khác ngoài viết, học thêm, viết lại, học hỏi… Cần kiên nhẫn và thể hiện tinh thần cầu tiến, luôn theo dõi những sự kiện trong nghề, chắc chắn sẽ có người quan tâm đến những gì mình viết ra.

- Một số nhà biên kịch trẻ, làm việc độc lập, đặc biệt là những người mới vào nghề dễ bị "bắt nạt", bị ăn chặn giá nhuận bút kịch bản. Chị nghĩ sao về những "tai nạn" này?

- Giá nhuận bút phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mức độ đầu tư sản xuất, độ khó công việc, độ dài kịch bản… và có thể dao động từ 5-10 triệu đồng/tập. Tôi chưa gặp tình trạng ăn chặn giá vì trưởng nhóm của tôi có kinh nghiệm và cả nhóm luôn xem xét kỹ càng các điều khoản hợp đồng trước khi ký. Tình trạng ăn chặn giá có thể xảy ra khi chọn đối tác không đáng tin cậy, nhưng vẫn còn rất nhiều người tốt và cách làm chộp giật chắc chắn sẽ không tồn tại lâu. Tóm lại, mình cố gắng làm tốt, đúng hạn, ký hợp đồng chặt chẽ thì đối tác cũng không thể ăn chặn.

- Do đặc thù kịch bản phim truyền hình hiện nay khá dài tập nên các nhà biên kịch trẻ có xu hướng làm việc theo nhóm viết. Vậy quy trình đó sẽ ra sao?

- Mỗi nhóm viết sẽ triển khai ý tưởng, xây dựng nhân vật, làm đề cương. Khi cả nhóm nắm chắc nhân vật và diễn biến câu chuyện sẽ chia tập ra viết. Điều quan trọng là cần chọn những người hợp với cách viết và mục tiêu nghề nghiệp với mình. Nếu tất cả đều hướng về chất lượng của kịch bản thì mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết.

- Nếu bộ phim được làm ra có rất nhiều điểm khác biệt với kịch bản mà đạo diễn không hề nói trước, phản ứng của chị và các thành viên trong nhóm thế nào?

- Phải chấp nhận, đó là một phần của nghề này vì phim là của đạo diễn. Hay dở là do họ.

- Kinh nghiệm để các bạn trẻ khác mới vào nghề theo chị là gì?

- Hãy học hỏi từ những điều cơ bản nhất. Viết kịch bản là một nghề, phải nắm được những quy tắc về trình bày, xây dựng nhân vật, gom bối cảnh. Chủ động, khiêm tốn, cố gắng, luôn tìm tòi ý tưởng ở khắp mọi nơi là điều cần thiết ở các biên kịch mới vào nghề. Tóm lại, yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật trong viết kịch bản đều rất quan trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà biên kịch trẻ Mỹ Trang: “Tôi chọn nghề này vì có nhiều cơ hội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.