(HNMCT) - Nhà biên kịch, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ đã từ biệt chúng ta vào ngày 20-3-2022 ở tuổi 90. Ông thuộc lớp nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên xây dựng nền móng của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và cũng là nhà biên kịch đầu tiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm gồm 6 kịch bản phim truyện và phim tài liệu: "Trên vĩ tuyến 17", "Biển gọi", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Em bé Hà Nội", "Mối tình đầu", "Thành phố lúc rạng đông"...
1. Dù nổi tiếng trong làng điện ảnh với hàng loạt kịch bản phim được coi là những bản hùng ca của điện ảnh cách mạng Việt Nam nhưng sinh thời, nhà biên kịch, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ luôn giữ lối sống khiêm nhường, lặng lẽ. Tôi vẫn nhớ về lần gặp gỡ đầu tiên của tôi và ông tại một căn hộ nhỏ trong khu tập thể Hãng phim truyện Việt Nam ở 259 Thụy Khuê. Trong căn nhà đầy sách báo được bao quanh bởi vườn cây xanh mát, ông kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề với những thăng trầm hệt như một bộ phim tài liệu chân thực, cảm động.
Gia đình nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ ở Bắc Ninh. Cha ông từng giữ một chức quan nhỏ trong bộ máy chính quyền phong kiến ở địa phương, còn các anh trai của ông cũng đều là người nổi tiếng trong làng văn nghệ: Anh cả Hoàng Tích Chu - nguyên chủ bút báo Đông Tây, anh thứ hai là họa sĩ Hoàng Tích Chù còn người anh kế ông là nhà văn Hoàng Tích Linh.
Là con bà ba, mẹ lại mất sớm, cậu bé Hoàng Tích Chỉ được gửi cho người bạn thân của mẹ ở tận Bắc Giang nuôi nấng, tới năm lên 7 ông mới được cha đón về. Cha là người rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái nên cậu bé Chỉ thường bị đánh đòn vì tội ham chơi. Nhưng ông không coi đó là ký ức buồn. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, ông luôn có cảm giác tiếc nuối, giá như hồi đó chăm chỉ học hành hơn để có đủ vốn văn hóa “truyền đạt được tất cả những biến thiên của lịch sử, của những số phận con người mà mình từng gặp trong đời lên tác phẩm”.
2. Năm 14 tuổi, Hoàng Tích Chỉ trở thành trinh sát của Ty Liêm phóng Bắc Giang. Năm 1956, Hoàng Tích Chỉ chuyển sang công tác ở Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1961, ông thi đỗ và trở thành học viên lớp Biên kịch khóa 1, Trường Điện ảnh Việt Nam và tốt nghiệp năm 1963.
Kịch bản đầu tay của ông - "Trên vĩ tuyến 17", là kết quả của chuyến đi thực tế ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Chuyến đi đó mang lại nhiều xúc cảm cho ông khi được tận mắt chứng kiến những cảnh ngộ chia ly chồng Nam, vợ Bắc. Ông không bao giờ quên hình ảnh các chiến sĩ công an bên bờ sông Bến Hải đã bật khóc khi họ được nghe kịch bản “Trên vĩ tuyến 17” viết về câu chuyện của chính họ. Hoàng Tích Chỉ nói đó là lần xét duyệt kịch bản thiêng liêng nhất trong cuộc đời ông. Và suốt khoảng thời gian xem bộ phim được làm từ kịch bản đầu tay của mình, ông có cảm giác đang trải qua một giấc mộng đẹp. Bộ phim giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ I.
Năm 1965, Hoàng Tích Chỉ đạp xe vào chiến trường. Đến làng chài Nhơn Trạch (Quảng Bình), tận mắt chứng kiến đất và người nơi đây dẫu trắng màu tang tóc vẫn quật cường chiến đấu, ông cho ra đời kịch bản “Biển gọi”. Bộ phim hoàn thành năm 1965, cũng giành giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ I, một lần nữa khẳng định tài năng của ông.
Trong lần thứ hai trở lại Cửa Tùng cùng đạo diễn Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ được nghe câu chuyện về cuộc đời bi thương của một nữ chiến sĩ cách mạng là bí thư chi bộ ở bờ Nam sang bờ Bắc công tác. Sau đó, ông đã tìm gặp chị. Mất gần 5 năm thì kịch bản “Bão tuyến” hoàn tất, và khi chuyển thể thành phim được đổi tên thành “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Bộ phim ngay lập tức gây tiếng vang lớn và đạt thành công rực rỡ khi phản ánh chân thực cả một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, trở thành một trong những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã lay động trái tim bạn bè quốc tế và giành giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới tại LHP quốc tế Mátxcơva 1973; giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất được trao cho nghệ sĩ Trà Giang trong vai Dịu.
Sau thành công của “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, cặp đôi Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh tiếp tục đồng hành trong nghệ thuật và “Em bé Hà Nội” ra đời. Có lẽ không cần phải nói thêm về bộ phim “Em bé Hà Nội” cũng như thông điệp phản chiến của bộ phim qua hình ảnh một em bé với đôi mắt to tròn, hồn nhiên và trong sáng cùng cây vĩ cầm trên tay, đi dưới vệt bom B52 đã khiến công chúng xúc động như thế nào. Một lần nữa, bộ phim khẳng định phong cách sáng tác điển hình của Hoàng Tích Chỉ, giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng. “Em bé Hà Nội” đã giành giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ II và Giải đặc biệt LHP quốc tế Mátxcơva 1975.
Mùa xuân năm 1975, Hoàng Tích Chỉ cùng đạo diễn Hải Ninh và nhà quay phim Khánh Dư sát cánh cùng đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Những hình ảnh chân thực nhất, cảm động nhất được các ông chứng kiến tận mắt, ghi khắc trong tim, lưu trữ bằng chiếc máy quay mang theo đã cho ra đời bộ phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông” (do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản và lời bình, đạo diễn Hải Ninh, quay phim Khánh Dư) và lập tức chinh phục được đồng nghiệp quốc tế khi giành Giải thưởng lớn (Grand Prix) của nhà nước Đức trao tặng, giải Bồ câu Vàng LHP quốc tế Leipzig 1975.
Cũng trong chuyến đi lần đầu tiên vào Sài Gòn, ông tình cờ gặp một đồng hương là nữ tu sĩ. Cuốn tiểu thuyết “Tướng cướp hoàn lương” ra đời dựa trên chất liệu từ những lần trò chuyện với người nữ tu sĩ đó. Kịch bản sau đó được Hoàng Tích Chỉ chuyển thể thành phim có tựa đề “Săn bắt cướp” do ông và đạo diễn Trần Phương đồng đạo diễn, nhân vật nữ tu sĩ Băng Thanh do NSND Lê Khanh đóng.
Sau năm 1975, sự nghiệp điện ảnh của Hoàng Tích Chỉ tiếp tục thăng hoa với nhiều kịch bản mới ở các thể loại phim truyện, video, phim tài liệu và đều đạt được thành công nhất định như “Mối tình đầu”, “Tọa độ chết”, “Cuộc chia tay mùa hạ”, “Lục Vân Tiên”... Ông còn thử sức ở vai trò đạo diễn trong một số phim truyện điện ảnh và video.
3. Nửa thế kỷ gắn bó với điện ảnh, trải qua những biến thiên của lịch sử dân tộc, nếm cả ngọt ngào lẫn cay đắng, buồn vui, nhà biên kịch, đạo diễn Hoàng Tích Chỉ chọn cách sống thầm lặng giống như nghiệp viết lách của ông. Nỗi trăn trở về nghề, có chăng, ông cũng vì lớp trẻ. Ông bảo, biên kịch là cái nghề “nửa chừng xuân”, dù sáng tạo nên tác phẩm nhưng khi thành công đến, biên kịch lại chỉ là người đứng ở phía sau. Ông mong muốn Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù nhằm khích lệ đội ngũ biên kịch trẻ để họ toàn tâm toàn ý tận hiến cho nghệ thuật.
Thời điểm tôi gặp ông, năm 2014, Hoàng Tích Chỉ đã không còn viết nữa vì sức khỏe không cho phép. Thay vào đó, ông thường xuyên đọc báo, làm bạn với cây cối trong vườn nhà. Thi thoảng, ông tiếp cánh phóng viên. Ông không câu nệ nhà báo quen hay nhà báo mới ra trường. Ai đến cũng được ông tiếp đón nồng hậu và rủ rỉ những dòng hồi ức về “một thời hoa lửa”. Ông “tua” chậm rãi cuốn phim cuộc đời mình vốn đầy ắp kỷ niệm gắn liền với những vùng đất, con người ông đã đi qua và đã gặp trong suốt nửa thế kỷ mà lúc nào cũng vẹn nguyên, đong đầy như chỉ mới hôm qua.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh tháng 4-1932 tại Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang. Ngoài những kịch bản phim truyện đã làm nên tên tuổi của ông như “Trên vĩ tuyến 17”, “Biển gọi”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”..., ông còn tham gia viết kịch bản phim truyền hình “Những đứa con đất cảng”, “Lục Vân Tiên”..., là đạo diễn các bộ phim truyện “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Mối tình người câm”, “Gọi tình yêu quay về”, “Bông hoa rừng Sác”... và đạo diễn phim truyền hình “Người Hà Nội”. Ông là biên kịch và đạo diễn các phim tài liệu “Nguyên Hồng - đôi dòng ký ức”, “Đô đốc và dòng sông”, “Đi tìm người chiến sĩ đặc công rừng Sác”. Ông cũng đã xuất bản các tiểu thuyết “Bão tuyến”, “Mắt bão”, “Tướng cướp hoàn lương”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.