Văn nghệ

Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương: “Tôi lựa chọn cách sống đơn giản”

Vân Thảo 04/08/2024 - 12:25

Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương thuộc thế hệ những nhà biên kịch trẻ của Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

Chị đã góp phần vào thành công chung của dòng phim dành cho thiếu nhi với những kịch bản có chủ đề gia đình giàu cảm xúc, đậm tính nhân văn, như “Đi tìm hạnh phúc”, “Bà của Đỗ Đỏ”, “Truyền thuyết chiếc khăn Piêu”, “Cóc con Bitus”...

bk-duong.jpg
Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương.

1. Kịch bản phim “Cây ổi thiên đường” giành giải Kịch bản phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (tháng 11-2023) là tác phẩm mới nhất của nhà biên kịch Đàm Thùy Dương về chủ đề gia đình.

Giải thưởng đầy ý nghĩa này được chị trao lại cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều (kịch bản phim được chuyển thể từ truyện ngắn “Xứ sở cây ổi còng” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều).

Chính nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng bất ngờ về điều đó. Bởi theo ông, biên kịch chuyển thể hoàn toàn có thể để tên của họ với chức danh sáng tác kịch bản khi gửi tác phẩm dự thi.

Nhưng Đàm Thùy Dương lại khẳng định nội dung, tình tiết và lời thoại trong câu chuyện gốc của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã hoàn chỉnh như một kịch bản phim, nhiệm vụ của chị chỉ là chuyển đổi nhân vật người (trong truyện) thành chim (trong phim) mà thôi. Và dĩ nhiên, với việc gửi lại giải thưởng cho tác giả của tác phẩm gốc, Đàm Thùy Dương đã để lỡ cơ hội đầu tiên được ghi danh thành tích với nghề biên kịch hoạt hình mà chị đang theo đuổi.

638576903617516316-z5635449774335_b10e4125d6fbd01e26da19da8de1e749.jpg
Cảnh trong phim “Cây ổi thiên đường”.

Tuy nhiên, dù chưa được giải cá nhân nào nhưng danh sách các bộ phim hoạt hình do chị biên kịch luôn được nối dài với những thành tích đáng tự hào tại các kỳ Liên hoan phim quốc gia và Giải thưởng Cánh diều với các giải dành cho phim và đạo diễn thể loại Hoạt hình. Tiêu biểu là các phim: “Một lần đào ngũ” (giải Bông sen Bạc, Cánh diều Bạc), “Truyền thuyết chiếc khăn Piêu” (giải Cánh diều Bạc), “Đi tìm hạnh phúc” (giải Cánh diều Bạc), “Cóc con Bitus” (Cánh diều Bạc), “Bà của Đỗ Đỏ” (giải Cánh diều Vàng; giải Họa sĩ chính xuất sắc)...

Có thể nói, các bộ phim do Đàm Thùy Dương biên kịch hay biên tập kịch bản đều rất giàu cảm xúc và có giá trị nhân văn, mang ý nghĩa giáo dục cao. “Bà của Đỗ Đỏ” là kịch bản phim mang đậm phong cách của Đàm Thùy Dương, đó là luôn hướng về chủ đề gia đình. Khi được hỏi lý do vì sao lại thích chủ đề này, chị nói: “Tôi là người coi trọng gia đình và nhận được những giá trị cao đẹp từ gia đình mình. Tôi luôn biết ơn về điều đó. Và, tôi chọn viết về gia đình như một cách để bày tỏ lòng biết ơn của mình”.

“Bà của Đỗ Đỏ” được Đàm Thùy Dương viết bằng cảm xúc được nuôi dưỡng từ những ký ức nhỏ, vụn về bà của mình. Với thông điệp: “Mỗi đứa trẻ biết cảm nhận về giá trị của gia đình tự nó sẽ biết cách yêu quý gia đình mình hơn", Đàm Thùy Dương vừa đảm nhận vai trò tác giả kịch bản, vừa là cô bé Đỗ Đỏ ngoài đời kể lại ký ức của mình, đã lan tỏa sự ấm áp của tình cảm gia đình theo cách giản dị, thân thuộc nhất.

2. Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương sinh năm 1977 tại Thái Bình. Chị tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2000. Năm 2002, bác của chị tình cờ đọc được bản tin tuyển dụng biên kịch, biên tập của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và thông báo cho cô cháu gái biết. Ngay lập tức Đàm Thùy Dương nộp hồ sơ ứng tuyển. Trong nhà không có ai theo nghề này, bản thân cũng chưa từng thử viết kịch bản nhưng chị có một niềm tin mãnh liệt vào sự lựa chọn của mình.

“Lúc ấy tôi không biết gì về hoạt hình. Sau 3 vòng dự thi, phải nói là vừa thi vừa học làm nghề, tôi ngóng chờ kết quả. Càng sát thời điểm thông báo kết quả trúng tuyển tôi càng bồn chồn. Cuối cùng, không thể chờ đợi thêm nữa, tôi đạp xe đến Hãng để hỏi kết quả. Cũng không biết phải hỏi ai, tôi xông thẳng đến phòng Biên tập và gặp được chị Trưởng phòng. Sau cuộc trò chuyện với chị Trưởng phòng, hiểu hơn về công việc biên kịch, biên tập hoạt hình, tôi tự tin nói với chị là mình rất thích việc làm kịch bản hoạt hình... Giờ nghĩ lại thấy mình lúc đó hơi khùng khùng. Bởi ai lại đi hỏi kết quả thi tuyển như thế bao giờ. Có lẽ, do tình yêu hoạt hình hình thành quá nhanh, quá mạnh đã khiến tôi không kiểm soát được tâm lý của mình” - Đàm Thùy Dương cho biết.

Bước vào nghề biên kịch hoạt hình với kinh nghiệm là con số 0, duy chỉ có tình yêu là càng ngày càng nồng nhiệt, trong những năm đầu sáng tác, chị viết một cách hăm hở, say mê, theo cách nói vui của dân biên kịch là “ngày đêm cày kịch bản”. Tiếng là viết, nhưng thực ra là tập viết vì “kịch bản bị chê, bị trả về thường xuyên”.

Nhưng sau mỗi lần thất bại, chị lại rút ra được bài học bổ ích. Không thành công 100% nhưng với Đàm Thùy Dương, đó lại là điều may mắn vì chị có cơ hội rèn nghề nghiêm khắc trong môi trường làm việc nghiêm túc, có phần khắc nghiệt và đầy áp lực.

“Tôi đã tiếp thu, kiên trì theo đuổi mục tiêu và trưởng thành hơn sau những lời khen chê rất thẳng thắn mà các anh chị đi trước, vốn là những nghệ sĩ nổi tiếng trong Hãng, dành cho mình” - Đàm Thùy Dương chia sẻ

3. Gắn bó với hoạt hình từ khi mới tốt nghiệp đại học được 2 năm, chứng kiến hoạt hình thăng trầm, buồn vui, khó khăn..., cũng có lúc nản chí muốn rời hoạt hình nhưng “không hiểu sao mình đi không nổi”.

Đàm Thùy Dương nhận ra rằng, hoạt hình không chỉ là một phần trong chặng đường làm nghề của mình mà còn là tình yêu lớn, có vị trí quan trọng đối với bản thân nên chị cảm thấy yêu cả những khó khăn của công việc, coi đó là nghề đang thử thách mình.

Đặc thù của công việc sáng tác kịch bản là ngoài tài năng thiên phú luôn cần sự trải nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm làm việc, vì vậy, thế hệ biên kịch ở độ tuổi Đàm Thùy Dương (ngoài 40) vẫn được xem là trẻ. Thêm vào đó, người làm hoạt hình thường trẻ hơn người làm các thể loại phim khác. Khi gặp và trò chuyện với nhà biên kịch Đàm Thùy Dương, người ta luôn cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào, sự vui tươi, cảm giác mới mẻ, tích cực.

“Tôi thích sự giản dị, trong tình cảm, cách sống, cách làm việc cũng vậy. Công việc, cuộc sống đời thường không đơn giản nhưng lựa chọn cách sống như thế nào là ở bản thân mình và tôi luôn chọn sự đơn giản” - Đàm Thùy Dương nói.

Giống như chuyện hồi cuối năm ngoái chị mang giải thưởng Biên kịch xuất sắc cho kịch bản mà chị chuyển thể gửi lại nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Chuyện khiến dư luận xôn xao, nhưng với chị rất đơn giản, chỉ là cách ứng xử cần có giữa những người làm công tác sáng tác: "Tôi là một tín đồ “mê”, “nghiện” văn của Nguyễn Quang Thiều. Qua các sáng tác của ông, tôi học được rất nhiều về cách suy nghĩ, cách nhìn, cách lý giải, ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên, với môi trường... Thế nên, không riêng gì nhà văn Nguyễn Quang Thiều mà với các nhà văn khác, khi làm việc với họ tôi đều tôn trọng tác giả và tác phẩm của họ theo cách mà tôi cho là tốt nhất, đúng đắn nhất".

Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương sinh ngày 28-5-1977 tại Thái Bình, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2000. Một số phim tiêu biểu mà chị tham gia sáng tạo: “Đi tìm hạnh phúc”, “Cóc con Bitus”, “Bà của Đỗ Đỏ”, “Một lần đào ngũ”, “Truyền thuyết chiếc khăn Piêu”, “Bí mật khu vườn”, “Sự tích hoa trạng nguyên”, “Chú bé loắt choắt”, “Cây ổi thiên đường”…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà biên kịch Đàm Thùy Dương: “Tôi lựa chọn cách sống đơn giản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.