Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi: Hội tụ, sáng tạo để đi tới

Hà An| 21/10/2022 07:14

(HNMCT) - Hà Nội - mùa thu - tháng 10 lịch sử luôn là dấu ấn đẹp trong đời sống Thủ đô, cả nước và với riêng Báo Hànộimới. Tháng 10 năm nay càng trở nên đặc biệt khi Báo Hànộimới chạm dấu mốc 65 năm xuất bản số báo hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2022). Nằm trong dòng chảy lịch sử đó, các ấn phẩm của Hànộimới, trong đó có các ấn phẩm chuyên san Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay, đã không ngừng đổi mới trên tinh thần hội tụ và sáng tạo, góp phần tạo bản sắc cho Hànộimới để tiếp tục chặng đường đi tới.

Ứng dụng công nghệ số là xu hướng của mô hình tòa soạn hiện đại (ảnh mang tính minh họa). Nguồn: Internet

Nhân dịp này, Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

- Thưa nhà báo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, lịch sử 65 năm qua của Hànộimới - tờ báo thân quen với bao thế hệ bạn đọc Thủ đô, không chỉ mang đến niềm tự hào to lớn, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta về truyền thống phát triển của một tờ báo trên tinh thần hội tụ, không ngừng vươn tới?

- Lịch sử ra đời Báo Hànộimới gắn liền với lịch sử dân tộc, những chặng đường phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến, và đặc biệt hơn là gắn liền với những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô giữa rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ba năm sau, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô - Cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội ra số hằng ngày đầu tiên. Thời điểm đó có hai tờ báo tư nhân hoạt động trên địa bàn Hà Nội là Hà Nội hằng ngày và Thời mới. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, Thành ủy chủ trương sáp nhập hai tờ Thủ đô và Hà Nội hằng ngày. Biết tin hai tờ báo sẽ hợp nhất, Bác Hồ cầm tờ báo Hà Nội hằng ngày, gấp lại rồi che đi hai từ “hằng ngày”, sau đó Bác áp tờ Thủ đô vào và nói: “Tên của tờ báo sẽ là như thế này: Thủ đô Hà Nội”. Ngày 1-1-1959, Báo Thủ đô Hà Nội ra số đầu tiên. Năm 1968, Báo Thủ đô Hà Nội tiếp tục sáp nhập với Báo Thời mới. Bác Hồ cầm hai tờ Thủ đô Hà Nội và Thời mới lên gấp lại, một bên che đi hai từ “Thủ đô”, bên kia che từ “Thời”, thành tên “Hànộimới”.

Như vậy, cả hai lần sáp nhập, Bác Hồ đều đặt tên cho tờ báo của Thủ đô. Cái tên Hànộimới từ đó trở nên quen thuộc với bao thế hệ bạn đọc Thủ đô và người dân cả nước.

Nhắc lại sự kiện này, chúng ta không chỉ tự hào mà còn luôn tin tưởng, tính chất hội tụ của tờ báo từ thuở ban đầu sẽ không ngừng được phát huy, mang đến cho Hànộimới sức mạnh vượt khó để đi tới. Đó là sự hội tụ tình cảm quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã hai lần đặt tên cho tờ báo, và sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp toàn diện, sâu sát của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Đó còn là nơi hội tụ tình cảm yêu mến từ cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn đọc Thủ đô cũng như cả nước dành cho tờ báo.

- Thưa nhà báo Nguyễn Thành Lợi! Trong bối cảnh khoa học công nghệ có những bước đi mạnh mẽ làm biến đổi hệ sinh thái báo chí, Báo Hànộimới cần thích ứng thế nào trên tinh thần hội tụ để đi tới?

- Không thể phủ nhận, các tiện ích từ kỹ thuật số đem lại cho cuộc sống của con người nhiều thay đổi như vậy. Trước hết phải kể đến là sự gọn nhẹ về máy móc, trang thiết bị. Nhiều cỗ máy to lớn, cồng kềnh trước kia đã nhanh chóng được thay thế bởi các dòng máy kỹ thuật số tinh gọn, nhẹ nhàng với những bộ vi xử lý tuyệt vời... khiến ai cũng đều có thể được thụ hưởng và tiếp cận những lợi thế của công nghệ số trong đời sống và sinh hoạt của mình. Ngày nay, chỉ cần có internet, cho dù ngồi ở đâu chúng ta đều có thể truy cập vào mạng toàn cầu để đọc báo, xem truyền hình, nghe radio, và tiếp nhận các nguồn thông tin một cách dễ dàng, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một laptop hoặc một máy tính bảng... không còn cảm giác chờ đợi và tìm đọc tờ nhật báo như trước đây hay phải tìm nơi có màn hình ti vi để xem các chương trình truyền hình. Chính điều đó cũng đặt ra cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí - trong đó có Báo Hànộimới cần có sự thay đổi phù hợp để thích ứng với môi trường truyền thông mới.

Trong kỷ nguyên số, với mô hình sản xuất riêng rẽ hiện nay, hầu hết phóng viên chỉ chuyên sản xuất cho một loại hình báo chí (báo in/ báo điện tử), mà chưa có tư duy đa phương tiện trong quá trình tác nghiệp. Do đó, trong bối cảnh mới, các cơ quan báo chí cần tái cấu trúc bộ máy "sản xuất" và xây dựng quy trình biên tập theo mô hình tòa soạn hội tụ sẽ tránh được hiện tượng chồng chéo về nội dung và lãng phí nguồn tài nguyên hiện có, tiết kiệm chi phí trong quá trình hoạt động.

Có thể chia thành các giai đoạn để xây dựng tòa soạn hội tụ như sau: Tập trung xây dựng tòa soạn đa loại hình báo chí, cung cấp thông tin trên các nền tảng khác nhau: Báo in, báo điện tử và các ứng dụng cho điện thoại di động cần phải quảng bá cho nhau, các tin/ bài không được đăng độc quyền trên một loại hình mà phải được quảng bá chéo trên các loại thiết bị; Sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong tác nghiệp như việc kiểm chứng, thu thập thông tin, sản xuất và xuất bản tin, bài; Xây dựng nhóm/ ê kíp với cơ cấu "mềm", linh hoạt gồm các chuyên gia, phóng viên, lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, phụ trách các số đặc biệt, chịu trách nhiệm các chuyên đề và bài viết "mũi nhọn", "đặc sản" của tờ báo, tăng uy tín và vị thế của cơ quan.

Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Báo Hànộimới tiếp tục đổi mới nội dung và tổ chức bộ máy phù hợp để theo kịp xu thế chung, đáp ứng ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh, giàu bản sắc. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo Hànộimới không ngừng đổi mới, sáng tạo, từng bước xây dựng tòa soạn hội tụ, tạo sự ổn định và phát triển trong thời gian tới.

- Nằm trong hệ thống ấn phẩm của Báo Hànộimới và có tuổi đời trên và gần 30 năm, hai ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay cũng cần một cuộc chuyển hóa tự thân để hòa nhịp với sự đổi mới chung của Hànộimới?

- Các ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay có lịch sử ra đời và phát triển đánh dấu những chặng đường phát triển của Hànộimới. Đây cũng là hai ấn phẩm góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa đặc sắc cho tờ báo của Thủ đô Hà Nội - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, được thế giới vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người” - Thành phố Vì hòa bình. Trong đó, ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (tiền thân là Hànộimới Chủ nhật) ra đời tháng 4-1989. Ấn phẩm Hà Nội Ngày nay (tiền thân là Hà Nội Ngàn năm) ra mắt bạn đọc tháng 6 - 1994.

Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay trong suốt chặng đường phát triển của mình đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên là những cây bút tài hoa, những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa có uy tín.

Để tiếp tục tô đậm thêm dấu ấn những ấn phẩm "đọc chậm" mang bản sắc báo chí Thủ đô, Hànộimới Cuối tuần và Hà Nội Ngày nay cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường những tác phẩm giàu tính sáng tạo, đậm chất văn hóa với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Hai ấn phẩm cũng cần tiếp tục lựa chọn, đầu tư một số chuyên mục đặc sắc nhằm tăng tính tương tác, kết nối với độc giả. Với tinh thần sáng tạo, đổi mới không ngừng, tập thể Hànộimới nguyện cùng nhau vượt qua khó khăn, ghi tiếp những dấu ấn thành công, xứng đáng với truyền thống 65 năm qua của mình!

- Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nguyễn Thành Lợi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi: Hội tụ, sáng tạo để đi tới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.