(HNM) - Một sự chia ly bất ngờ ập đến. Nhà báo Hồ Xuân Sơn đã vĩnh biệt thế giới sôi động của chúng ta ở tuổi 80. Nhà báo Hồ Xuân Sơn đã có 10 năm (1988-1998) trên cương vị Tổng Biên tập và là người gắn bó với một quãng đường đổi mới gian nan của tờ nhật báo Hànộimới.
Nhà báo Hồ Xuân Sơn chào đời ngày 31-5-1937 tại phường Phú Thượng, thuộc quận Tây Hồ. Học hết cấp 3 tại Nam Định, ông vào làm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định trong 5 năm (1957-1961), sau đó, lên Hà Nội theo học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp.
Ra trường, cuối năm 1964, ông vào ngay nghề báo. Tại Báo Tiền phong, nhà báo Hồ Xuân Sơn được giao việc biên tập lĩnh vực văn nghệ. Trang văn nghệ mà ông gắn bó đã giới thiệu nhiều gương mặt văn nghệ trẻ, sau này trở thành các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Ông cũng là một trong những tác giả đầu tiên giới thiệu nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa (khi 10 tuổi), với bài “Từ một tâm hồn thơ tí hon”, một phóng sự có tiếng vang hồi đó.
8 năm sau, vào đầu năm 1972, nhà báo Hồ Xuân Sơn được cử làm phóng viên thường trú tại Nam Định, chết hụt mấy lần trong chiến tranh phá hoại khi Mỹ ném bom hủy diệt phố Hàng Thao và trung tâm TP Nam Định. Sau nhiều ngày vừa viết bài, đưa tin, vừa cùng các chiến sĩ lên ụ súng chiến đấu, giữa năm 1972, kết thúc nhiệm vụ phóng viên thường trú, ông trở về với việc biên tập trang văn nghệ, bên cạnh những tác phẩm thơ và truyện ngắn, phần phóng sự chiến tranh của ông có nhiều nét nổi bật, hừng hực tính chiến đấu.
Tháng 4-1975, Hồ Xuân Sơn được cử làm Tổ trưởng Tổ phóng viên mặt trận, đi theo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông cùng anh em lao vào những điểm nóng bỏng nhất của chiến tranh, giữa cái sống và cái chết để có mặt tại Sài Gòn ngay đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1975. Và ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Ban đại diện Báo Tiền phong ở TP Hồ Chí Minh.
Trở ra Bắc, nhà báo Hồ Xuân Sơn được Ban Biên tập đề bạt làm Trưởng ban Biên tập văn nghệ, rồi chuyển sang Trưởng ban Chính trị, tới tháng 8-1975, ông được cử đi học 2 năm ở Học viện Nguyễn Ái Quốc. Trở về, ông làm Trợ lý cho Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kiêm Phó Văn phòng TƯ Đoàn. Khi là Ủy viên BCH TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (khóa IV), Hồ Xuân Sơn được đi nghiên cứu sinh Trường Đảng cao cấp AON tại Liên Xô cũ và 4 năm sau ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ triết học.
Có thể nói nhà báo Hồ Xuân Sơn đã tích lũy từ vốn sống đến tri thức, từ thực tiễn đến lý luận để chuẩn bị tiến bước trong một chặng đường mới gắn liền với nghiệp báo của mình. Tháng 4-1988, ông được cử về làm Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới, rồi nửa năm sau (10-1988) trở thành Tổng Biên tập.
Nhà báo Hồ Xuân Sơn nhận nhiệm vụ mới trong tình trạng hầu hết các chức danh quản lý, biên tập - từ Phó Tổng Biên tập đến Trưởng, Phó phòng, ban đều thiếu bởi một loạt cán bộ nghỉ hưu. Ông vừa đào tạo, cất nhắc cán bộ bằng cách chọn các cây bút có triển vọng, giao trách nhiệm và thử thách, rồi từng bước đề bạt dần.
Từ đây, cùng với sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tư duy làm báo và mọi mặt trong nghề báo bắt đầu đổi mới. Tháng 4-1989, Báo Hànộimới Chủ nhật (sau đổi thành Hànộimới Cuối tuần) ra mắt bạn đọc, là một đột phá đáng ghi nhớ vào thời điểm đó. Tới tháng 4-1995, báo Chủ nhật ra tiếp, trả lại đúng nghĩa “hằng ngày” của Hànộimới. Hai báo Cuối tuần và Chủ nhật bổ sung cho nhau về nội dung và phong cách. Rồi ấn phẩm báo tháng mang tên Hà Nội Ngày nay trình làng. Một tập hợp các ấn phẩm này trở thành dàn hợp ca nhiều bè thống nhất trong một âm hưởng Hànộimới.
Cũng từ luồng gió đổi mới, những thông tin, điển hình tiên tiến trên báo hằng ngày không còn bó hẹp ở đất Hà Nội mà mở rộng ra các tỉnh, thành phố bạn, nhất là TP Hồ Chí Minh. Báo Hànộimới cũng vượt qua “giới hạn” của một tờ báo địa phương, bắt đầu đưa thông tin, bình luận quốc tế, đề cập kịp thời những vấn đề thời sự diễn ra trên khắp thế giới được bạn đọc hoan nghênh đón nhận.
Nội dung thể hiện bên cạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội, Báo đi sâu vào các chủ đề đời thường gắn với nhịp sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Khởi đầu là chuyên mục “Muôn mặt đời thường”, sau đó nhiều chuyên mục mới cũng xuất hiện trong các ấn phẩm, thu hút tiếng nói rộng rãi của bạn đọc, nhân dân, cũng như các cây bút đồng nghiệp. Những chuyên mục “Diễn đàn xây dựng Thủ đô”, “Hà Nội tạp văn”, “Người Hà Nội ta”, “Đất lề quê thói”, “Thưởng thức nghệ thuật”… và những trang “Bạn đọc”, “Thời sự”, “Đối ngoại”, “Văn hóa - xã hội”, “Xã hội từ thiện”, “Văn nghệ”, “Nhìn ra thủ đô các nước”… đã làm nên bức tranh đa sắc của Hànộimới được độc giả và đồng nghiệp đánh giá cao.
Việc đổi mới về nội dung và hình thức của Báo Hànộimới được tiến hành theo quan điểm đổi mới liên tục trên nền tảng phát huy những giá trị mang tên Hànộimới. Chẳng hạn chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện” được khai sinh từ khi báo ra số đầu, 59 năm nay vẫn duy trì đều đặn do có chọn người chuyên trách, lại luôn tổ chức thảo luận về nghiệp vụ để chuyên mục giữ vững chất lượng.
Cái kỹ lưỡng và khó tính trong nghề của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn được thể hiện trong việc phân công trách nhiệm. Ông giao cho các Trưởng ban tổ chức bài vở, biên tập kỹ, nếu có sai sót Trưởng ban phải chịu trách nhiệm trước Ban Biên tập.
Nhà báo Hồ Xuân Sơn đã khẳng định mình. Ông là Ủy viên BCH Đảng bộ Hà Nội khóa XI, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa V.
Tháng 10-1998, khi nhận quyết định nghỉ hưu, cũng là lúc nhà báo Hồ Xuân Sơn được Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội - với sự đồng ý của Thường trực Thành ủy - mời sang làm Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội lúc đó đang đình bản vì nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm điều hành một tờ báo Đảng của Thủ đô trong 10 năm cùng vốn văn học nghệ thuật tích lũy được, nhà báo Hồ Xuân Sơn đã bước đầu thành công khi tờ Người Hà Nội phát hành trở lại. Đến năm 2002, ông xin nghỉ và bàn giao tờ báo cho Tổng Biên tập mới.
Nhiều năm làm phóng viên, rồi làm Tổng Biên tập, nhà báo Hồ Xuân Sơn tập hợp nhiều bài viết của mình đăng ở các báo và tạp chí, cho in vào tập sách gần 300 trang do NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2003. Cuốn sách được đồng nghiệp bình luận chân tình trên nhiều tờ báo. Nhà báo Mai Thục đánh giá: “Một trong những cống hiến của anh trong cuốn sách là đã đưa ra hai khái niệm “Nghiệp nhà báo” và “Nghề Tổng Biên tập”. Đó là sự nhìn nhận trực tiếp, thẳng thắn vào bản chất công việc làm báo nghiệt ngã, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới”.
Hồ Xuân Sơn là một phóng viên chiến tranh dũng cảm, một Tổng Biên tập giàu năng lực sáng tạo. Những đóng góp của ông trong việc đổi mới Báo Hànộimới đã để lại cho nhiều thế hệ làm báo Hànộimới những ấn tượng sâu sắc và lớp lớp cán bộ, phóng viên sẽ kế tiếp ông đổi mới tờ báo nhiều hơn nữa trên những hành trình mới của từng giai đoạn phát triển Thủ đô và đất nước.
Đêm 7-7-2016
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.